Tây Ninh lại hot rần rần với ba lễ hội lớn đầu năm tại núi Bà Đen và Toà Thánh

Ngay sau lễ khai mạc Hội xuân với biển người đổ về núi Bà Đen trong ngày mùng 4 Tết, Tây Ninh được dự đoán sẽ tiếp tục là điểm đến hành hương hút hàng nghìn trăm ngàn tín đồ cả nước về dự lễ vía Đức Chí Tôn của đạo Cao Đài, lễ vía thần Tài và tết Nguyên tiêu vào ngày Mùng 8-10 tháng Giêng.

      Đỉnh núi Bà Đen đón hàng trăm ngàn du khách dịp Tết. Ảnh: Minh Tú

Đỉnh núi Bà Đen đón hàng trăm ngàn du khách dịp Tết. Ảnh: Minh Tú

Mùng 8-9 tháng Giêng: Đại Lễ vía Đức Chí Tôn tại Toà Thánh

Cùng với Hội Yến Diêu Trì Cung vào Rằm tháng Tám, Đại lễ vía Đức Chí Tôn diễn ra vào ngày mùng 8 và 9 tháng Giêng tại Toà Thánh được xem là đại lễ quan trọng bậc nhất trong năm của người theo đạo Cao Đài. Theo quan niệm của đạo Cao Đài, Đức Chí Tôn chính là đấng tạo hóa, sinh ra vạn vật trong vũ trụ. Vì vậy, vào dịp đại lễ vía Đức Chí Tôn, hàng ngàn tín đồ Cao Đài trên khắp cả nước đổ về khu nội ô Toà Thánh cúng viếng, cầu nguyện cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhà nhà hạnh phúc, no đủ.

Hoạt động hội náo nhiệt tại Toà Thánh Cao Đài. Ảnh: Sun World Ba Den Mountain

Hoạt động hội náo nhiệt tại Toà Thánh Cao Đài. Ảnh: Sun World Ba Den Mountain

Không giống với bất cứ lễ hội của tôn giáo nào khác, lễ hội của đạo Cao Đài vô cùng đông đúc và náo nhiệt. Bên cạnh các buổi lễ dâng hương cầu kinh, cả biển người kéo nhau đến xem những mô hình trưng bày do các họ đạo trong tỉnh Tây Ninh và các tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp, Đồng Nai, Kiên Giang… thực hiện. Các mô hình triển lãm tái hiện các sự tích cội nguồn như sự tích trầu cau, Mai An Tiêm, Lạc Long Quân và Âu Cơ, Hai Bà Trưng…; đồng thời cũng trưng bày vô số mô hình lạ mắt, cầu kỳ và tinh xảo về hoa kiểng, nhạc khí…

Đặc biệt, buổi tối sẽ diễn ra múa Long Mã, Tứ Linh, biểu diễn nhạc Sắc Tộc trước đền thánh và Báo ân từ, đội Rồng Nhang cùng tiếng trống rộn ràng…, tất cả tạo nên một ngày hội vô cùng sinh động và hứng khởi.

Mùng 10 tháng Giêng: Cầu Thần tài trên đỉnh núi thiêng

Theo tín ngưỡng dân gian, ngày vía Thần Tài vào mùng 10 tháng Giêng là ngày lễ quan trọng để nhân dân cầu mong may mắn, tài lộc trong năm mới, đặc biệt là những người kinh doanh. Không chỉ sắm lễ tại nhà, nhiều người còn đến chùa và các cơ sở thờ tự để cầu tài lộc trong ngày này.

Tại Nam Bộ, những ngôi chùa cầu Thần Tài được nhiều người biết đến nhất phải kể đến như chùa Ngọc Hoàng, chùa Phước Hải (Quận 1, TP.HCM). Dịp này, cũng rất nhiều người chọn đến núi Bà Đen (Tây Ninh) để cầu tài lộc trước Linh Sơn Thánh Mẫu tại hệ thống chùa Bà có tuổi đời 300 năm.

Tôn tượng Di Lặc Bồ Tát trên đỉnh núi Bà Đen. Ảnh: Minh Tú

Tôn tượng Di Lặc Bồ Tát trên đỉnh núi Bà Đen. Ảnh: Minh Tú

Đặc biệt, đỉnh núi Bà Đen còn là nơi ngự toạ của tôn tượng Di Lặc Bồ Tát hiện thân của niềm vui và tương lai. Với nhiều người, tháng Giêng và đặc biệt là ngày vía Thần Tài chính là dịp để đảnh lễ, cúng dường Di Lặc Bồ Tát tại đỉnh núi thiêng, cầu mong năm mới hoan hỉ và thịnh vượng. Theo tín ngưỡng dân gian, thời điểm đầu xuân chính là thời gian tốt nhất để thỉnh Di Lặc, đón nhận nhiều năng lượng tích cực từ vị Bồ Tát đại diện cho hạnh hỷ xả và đặt niềm tin vào tương lai.

Rằm tháng Giêng: Chơi hội Nguyên tiêu dưới chân núi Bà

Trong văn hoá Phật giáo, ngày Rằm tháng Giêng là ngày đức Phật giáng lâm tại các chùa, để chứng độ lòng thành của các tín đồ. Có câu: “Lễ Phật quanh năm không bằng đi Rằm tháng Giêng”, và đi lễ Rằm đã trở thành nghi thức quan trọng của người dân trong ngày này.

Những ngày gần Rằm tháng Giêng, ngọn núi thiêng Bà Đen lúc nào cũng tấp nập du khách đến hành hương, chiêm bái cả ngày lẫn đêm, “hạ trại” và chơi hội Nguyên tiêu suốt mấy ngày. Từ sáng sớm đến đêm khuya, tấp nập người đến trải chiếu, trải bạt, thảm, túi ngủ… quanh khu vực chân núi. Với nhiều người, đây là cách để đón nhận nguồn năng lượng an lành từ ngọn núi thiêng trong những ngày đầu tiên của năm mới.

Người dân trải chiếu chơi hội Nguyên tiêu tại chân núi Bà Đen. Ảnh: Sun World Ba Den Mountain

Người dân trải chiếu chơi hội Nguyên tiêu tại chân núi Bà Đen. Ảnh: Sun World Ba Den Mountain

Đây cũng là dịp chơi hội xuân lớn nhất trong năm với người dân Tây Ninh cùng các tỉnh lân cận như Long An, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang… và các tỉnh giáp biên giới Campuchia. Trải dài khắp từ khu vực trước quảng trường ga đi cáp treo núi Bà đến quanh khu vực chùa Trung, khu vực tượng đài, hồ Thùy Dương, khu vực sau lưng Ga Bà Đen…,  người dân la liệt trải chiếu quây quần trò chuyện, ăn uống, hát ca, vui chơi và ngủ lại qua đêm. Sáng hôm sau, từng đoàn người lên núi bái Bà cầu bình an tài lộc trong năm mới, hoà vào không khí hội xuân tưng bừng trên đỉnh núi với rất nhiều trải nghiệm văn hoá nghệ thuật đậm bản sắc Tây Ninh.

Đại lễ dâng đăng sẽ tổ chức vào tối Rằm tháng Giêng trên đỉnh núi Bà. Ảnh: Minh Tú

Đại lễ dâng đăng sẽ tổ chức vào tối Rằm tháng Giêng trên đỉnh núi Bà. Ảnh: Minh Tú

Vào tối Rằm tháng Giêng, đại lễ dâng đăng mừng tết Nguyên tiêu sẽ được tổ chức với quy mô lớn trên đỉnh núi. Đây là nghi lễ thiêng liêng để Phật tử và du khách thể hiện tấm lòng tôn kính của người con Phật, cầu mong một năm mới an lành, hỉ lạc và tài lộc.

Với rất nhiều lễ hội tâm linh lớn diễn ra liên tục trong tháng Giêng, miền đất thánh hành hương Tây Ninh vẫn đang là một “điểm nóng” hút du khách và Phật tử trong mùa trẩy hội xuân.

Yến Anh

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính