Hiểu được những hiệu ứng tâm lý hành vi này sẽ giúp bạn hiểu thêm về hành vi của người khác và của cả bản thân mình, từ đó tránh những sai lầm trong cuộc sống.
Tác gia nổi tiếng của Mỹ – Mark Twain có một lần nghe mục sư giảng trong nhà thờ. Lúc đầu, ông cảm thấy mục sư giảng rất hay, rất cảm động và ông đang dự định sẽ quyên góp tiền.
Nhưng qua 10 phút, mục sư vẫn chưa giảng xong, ông bắt đầu có chút mất kiên nhẫn nên quyết định sẽ quyên một ít tiền lẻ thôi. Qua thêm 10 phút nữa mục sư vẫn tiếp tục giảng, thế là ông nghĩ không quyên góp nữa.
Hiện tượng tâm lý này được gọi là “hiệu ứng quá giới hạn”, nghĩa là khi bị kích thích quá nhiều, quá mạnh và thời gian tác dụng quá lâu sẽ dẫn đến tâm lý cực kỳ khó chịu và phản kháng.
Hiệu ứng quá giới hạn thường xảy ra trong việc giáo dục gia đình. Ví dụ như khi đứa con phạm lỗi, bố mẹ cứ nhắc đi nhắc lại chuyện đó cùng lời khiển trách sẽ khiến đứa con từ buồn bã bất an chuyển sang mất kiên nhẫn, thậm chí chán ghét.
Một khi bị “bức” quá thì sẽ xuất hiện tâm lý và hành vi phản kháng kiểu “lần sau mình sẽ làm vậy nữa”.
Có thể thấy, sự khiển trách và đánh giá của bố mẹ dành cho con cái không được vượt quá giới hạn, đối với trẻ chỉ nên “phạm lỗi một lần, chỉ phạt một lần”. Cho dù muốn nhắc nhở lại thì cũng không nên lặp lại đơn thuần mà phải thay đổi góc độ, cách nói.
Như thế thì trẻ mới không cảm thấy lỗi của mình cứ bị “giữ mãi không buông” mà sinh ra tâm lý chán ghét, phản nghịch.
Tương tự như vậy đối với việc con cái phản ứng với bố mẹ. Khi con cái mắc lỗi hoặc làm điều gì đó sai, bố mẹ sẽ nhắc nhở. Nhưng trong trường hợp mắc lỗi quá nhiều và vượt quá giới hạn chịu đựng, bố mẹ sẽ không thể chịu đựng được. Và từ đó dẫn đến những phản ứng như bực bội, khó chịu, la mắng.
Trong công việc, phương pháp quản lý "cây gậy" hay "củ cà rốt" (đe dọa hoặc phần thưởng) nếu cực đoan cũng đều không hiệu quả. Lúc nào cũng chỉ tập trung vào phần thưởng sẽ dẫn đến tâm lý ỷ lại, lúc nào cũng chỉ tập trung vào đe dọa sẽ dẫn đến tâm lý lo lắng, sợ hãi hoặc phản kháng.
Với các mối quan hệ, một khi đối xử cực đoan, và sự chịu đựng vượt quá giới hạn sẽ dẫn đến tình trạng “tức nước vỡ bờ” hay “giọt nước tràn li”. Kết quả là không gì có thể hàn gắn lại được nếu đã vượt quá giới hạn.
Ứng dụng trong giao tiếp và đắc nhân tâm các mối quan hệ có lẽ nằm ở câu nói "biết cương biết nhu". Cứng quá thì gẫy, mềm quá thì hỏng. Tùy từng hoàn cảnh, từng tình huống mà có sự điều chỉnh cho phù hợp. Và hãy luôn nhớ là đừng làm gì quá giới hạn.
Bạn đã bao giờ nghe về “hiệu ứng con ếch bị luộc” chưa ? Cái tên nghe có vẻ lạ và rất là ngộ nghĩnh. Tuy nhiên nó lại là 1 chiến lược tâm lý được sử dụng rất phổ biến trong cuộc sống đấy. Có 1 thí nghiệm là:
Nếu bạn đun 1 nồi nước sôi ùng ục. Sau đó thả con ếch vào trong đó. Con ếch sẽ nhảy ra khỏi nồi nước ngay lập tức. Nhưng nếu bạn để 1 nồi nước nguội rồi mới thả con ếch vào, sau đó bật lửa đun lên, nhiệt độ được tăng dần lên một cách thật chậm (tăng 0,002 °C/giây) thì con ếch sẽ ở yên trong đó cho đến khi nó bị luộc chín.
Thí nghiệm này được Edward Scripture thực hiện năm 1897. Ý nghĩa của thí nghiệm này nói lên cơ thể một số loài động vật có khả năng thích nghi với nhiệt độ môi trường khi tốc độ thay đổi chậm hơn tốc độ thích nghi.
Về con người, nếu bạn muốn người khác thay đổi hay đưa ra một quyết định gì đó, đừng bắt họ phải đáp ứng ngay cái bạn muốn, mà hãy tạo điều kiện để họ dịch chuyển từ từ, từng chút một đến cái bạn muốn.
Kiến thức này được sử dụng vào việc tốt hay xấu thì tùy vào người sử dụng, và cả quan điểm đúng-sai của mỗi người khác nhau nữa . Một số ví dụ như:
- Một nhân viên kinh doanh giới thiệu bạn sử dụng các gói dịch vụ của công ty họ. Ban đầu họ sẽ cho bạn dùng thử gói miễn phí. Sau đó nếu bạn thích, họ sẽ mời bạn dùng gói vài trăm nghìn đồng, đó chỉ là một số tiền nhỏ. Rồi sau đó lại kêu gọi bạn dùng gói tầm 1,5-2 triệu đồng, với nhiều quyền lợi và quà tặng khuyến mãi khác.
Rồi cứ thế, họ sẽ bán những gói dịch vụ 5 triệu, 10 triệu, vài chục triệu, cho đến cả trăm triệu. Nếu ngay từ đầu mà họ mời khách hàng mua gói vài trăm triệu, khách hàng sẽ thấy số tiền quá lớn và từ chối ngay lập tức.
- Một số tổ chức xã hội, kêu gọi mọi người làm công tác tình nguyện, làm những việc tốt cho cộng đồng một cách phi lợi nhuận. Những người được mời vào tổ chức được hứa hẹn là chỉ giao những việc nhẹ nhàng, đơn giản, làm tự nguyện, tốn ít thời gian, công sức.
Bước đầu sự thật đúng là như vậy. Nhưng dần dần, số lượng việc sẽ được tăng dần lên, độ khó cũng tăng theo. Những thành viên nào làm tốt công việc lại được tuyên dương trong các cuộc họp, được trao bằng khen để thành viên đó có thêm động lực.
Dần dần, họ đã đào tạo ra một đội ngũ những thành viên tích cực, sẵn sàng bỏ rất nhiều thời gian, công sức, lẫn tiền bạc để làm việc không lương cho tổ chức đó.
Nếu ngay từ khi họ tuyển thành viên mà nói sự thật: “Tôi đưa các bạn vào tổ chức, tôi mong muốn các bạn sẽ làm thật nhiều việc mà không cần nhận lương” thì hầu như chẳng có ai dám vào cả.
Điều này cũng tốt khi họ tạo ra một đội ngũ đi làm việc công ích cho xã hội, nhưng nó lại có mặt trái là: có những người dành quá nhiều thời gian làm công tác xã hội sẽ dẫn đến còn ít thời gian để chăm lo cho gia đình và công việc.
Tất nhiên con người thì sẽ thông minh hơn con ếch. Khi đã cảm thấy quá mệt mỏi vì gánh nhiều việc, con người sẽ biết từ chối.
Tuy nhiên, những lãnh đạo của tổ chức cũng rất khôn khéo, họ giỏi kỹ năng thuyết phục và có nhiều biện pháp tâm lý khác để giữ những thành viên tích cực ở lại tổ chức mà vẫn khiến họ duy trì khối lượng công việc, nếu có giảm bớt công việc thì cũng giảm đi khá ít.
- Những người sống ở khu vực kênh nước đen. Ban đầu lượng chất bẩn ở dưới kênh còn ít, mùi hôi bốc lên ít. Nhưng dần dần lượng chất bẩn ngày một nhiều hơn, mùi nước ở kênh bốc lên rất hôi thối.
Người ở nơi khác đi ngang qua thì thấy hôi thối không chịu nổi, nhưng những người ở đó thì lại quen rồi, mặc dù họ vẫn ngửi thấy mùi hôi của kênh nước, nhưng do họ đã thích nghi được và mùi hôi vẫn nằm trong ngưỡng chịu đựng của họ.
Nhưng nếu họ vẫn tiếp tục ở đó, một ngày nào đó họ sẽ bị các bệnh về đường hô hấp. (Những người có ý muốn đổi chỗ ở nhưng không đủ điều kiện thì không được tính là bị chi phối bởi hiệu ứng này).
- Trong công ty, khi 1 người bị cấp trên và đồng nghiệp bắt nạt, nếu người đó không có sự thay đổi bản thân, đồng thời phản kháng lại sự bắt nạt, hoặc chuyển chỗ làm nếu không đủ sức phản kháng mà cứ ở lại cam chịu, nhường nhịn thì dần dần người đó sẽ thích nghi với việc bị bắt nạt. Còn những kẻ bắt nạt thì sẽ xâm phạm ngày một nhiều hơn, họ sẽ hiểu rằng: đối với con mồi kia, mình được quyền làm như thế.
Nạn nhân đó sẽ không có 1 vị thế tốt trong công ty và luôn bị vùi dập, như: bị xúc phạm, bị ép chịu trách nhiệm về những hậu quả của người khác gây ra, bị ép làm khối lượng công việc nhiều hơn lại được hưởng lợi ít hơn người khác, bị lừa gạt… Sẽ không có ai muốn mình bị như vậy.
Thế nên mỗi người đều cần phải vạch ranh giới về sự thích nghi của mình.
3. Hiệu ứng Westerners
Nhà tâm lý học Westerners đã từng giảng một ngụ ngôn thế này: Có một đám trẻ con chơi đùa huyên náo suốt ngày trước cửa nhà một ông lão. Mấy ngày qua đi, ông lão không thể chịu đựng nữa.
Ông bèn cho mỗi đứa trẻ 10 đồng và nói: “Các cháu đã khiến ở đây thật náo nhiệt, làm cho ông cảm thấy mình trẻ lại rất nhiều, tiền này ông thưởng cho các cháu”.
Bọn trẻ rất vui, hôm sau lại đến, nhưng lần này ông lão chỉ cho mỗi đứa 5 đồng. Bọn trẻ vẫn thích thú đến chơi ngày hôm sau, lần này ông lão chỉ cho mỗi đứa 2 đồng.
Vậy là bọn trẻ tức giận bảo “Cả ngày mới được cả 2 đồng, ông có biết bọn cháu chơi đùa cũng mệt lắm không!”. Sau đó thì bọn trẻ không đến nhà ông lão chơi nữa.
Trong câu chuyện này, cách của ông lão rất đơn giản, ông đã biến động cơ bên trong “chơi vì niềm vui của chính mình” từ bọn trẻ trở thành động cơ bên ngoài “chơi vì để được tiền”, và khi ông lão thao túng nhân tố bên ngoài này thì cũng đã thao túng được hành vi của bọn trẻ.
Hiệu ứng Westerners cũng thấy rõ trong cuộc sống. Ví dụ, bố mẹ thường nói với con cái: “Nếu lần này con thi được 10 điểm thì bố mẹ sẽ thưởng 100 ngàn”, “Nếu con thi đứng trong top 5 thì bố mẹ sẽ thưởng con một món đồ chơi mới”...
Người lớn chúng ta có lẽ không ngờ rằng cơ chế thưởng này không thỏa đáng, nó sẽ khiến hứng thú học tập của trẻ dần dần giảm đi.
4. Hiệu ứng gió Nam
Hiệu ứng này bắt nguồn từ câu chuyện ngụ ngôn của tác gia người Pháp – Jean de La Fontaine.
Gió Bắc và Gió Nam thi uy lực với nhau xem ai thổi rơi áo khoác của người đi đường. Đầu tiên là Gió Bắc thổi những luồng gió thật lạnh, lạnh đến thấu xương, kết quả là người đi đường càng quấn áo chặt hơn.
Gió Nam bắt đầu từ tốn lay động, gió thật dịu và ánh mặt trời thật đẹp khiến người đi đường cảm thấy như mùa xuân tràn ngập, vậy là họ cởi áo khoác ra để thưởng thức bầu không khí dễ chịu ấy. Cuối cùng Gió Nam chiến thắng.
Gió Nam trong câu chuyện sở dĩ đạt được mục đích là vì nó đã thuận theo nhu cầu nội tại của con người. Phản ứng tâm lý sinh ra do được kích thích cảm giác cá nhân và nhu cầu muốn thỏa mãn mình chính là “hiệu ứng Gió Nam”.
5. Hiệu ứng cá và nước
Hiệu ứng này được đặt tên với lý thuyết con cá ở trong nước nên nó không chú ý mình bị ướt. Nói về hiện tượng con người thường quen với hành vi và tính cách của mình nên không thấy nó khác biệt hay có vấn đề. Ví dụ như bạn đã quen với việc sạch sẽ nhưng người khác có thể sẽ nghĩ đó là sạch sẽ quá mức.
6. Hiệu ứng thùng gỗ
Tại sao có tên gọi này? Một chiếc thùng được ghép từ nhiều mảnh gỗ, và nếu như những mảnh gỗ này dài ngắn khác nhau thì bạn sẽ thấy rõ ràng: lượng nước chứa được trong thùng không phụ thuộc vào những mảnh gỗ dài, mà nó chỉ có thể đầy lên đến chiều cao của chỗ mảnh gỗ ngắn nhất mà thôi.
Thành tích học tập chung của một đứa trẻ giống như một chiếc thùng gỗ lớn vậy, thành tích mỗi một môn học trong đó đều là một miếng gỗ không thể thiếu để ghép thành chiếc thùng. Sự ổn định trong thành tích tốt của trẻ không thể dựa vào sự xuất sắc (mảnh gỗ dài) ở vài môn học nào đó, mà nên chú trọng ở tình trạng chỉnh thể của nó, đặc biệt là ở một số mắc xích yếu (mảnh gỗ ngắn).
Ý nghĩa của hiệu ứng này? Một người không thể xem nhẹ khiếm khuyết của mình và của cả người khác. Bạn muốn một ai đó hoàn thiện hơn thì không thể chỉ dựa vào sở trường, tài năng của họ mà quên đi sở đoản hay tật xấu, cho dù nhìn vào tưởng chừng như chúng không hề ảnh hưởng gì. Bởi vì một mảnh gỗ ngắn đi thôi cũng đủ làm nước trong cả thùng chảy ra ngoài.
7. Hiệu ứng Hawthorne
Tại công xưởng Hawthorne nằm ở ngoại ô bang Chicago (Mỹ), công nhân thường xuyên nóng giận bất bình cho nên tình hình sản xuất không lý tưởng cho lắm. Sau đó, chuyên gia tâm lý đặc biệt đến đây làm một cuộc thí nghiệm:
Trong khoảng thời gian 2 năm, vị chuyên gia này có cuộc trò chuyện riêng với hơn 20.000 công nhân và quy định trong quá trình trò chuyện, vị chuyên gia sẽ nhẫn nại lắng nghe mọi ý kiến và bất mãn của họ đối với công xưởng.
Cuộc thí nghiệm đã đem lại kết quả không ngờ: sản lượng của công xưởng đã tăng vượt bậc.
Rõ ràng, con người có rất nhiều thắc mắc hoặc bất mãn nhưng không phải lúc nào cũng có thể biểu đạt ra được. Sau khi họ “được nói” thì sẽ có một sự thỏa mãn khi đã phát tiết ra, họ cảm thấy dễ chịu và nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
8.. Hiệu ứng bươm bướm
Theo nghiên cứu cho thấy, những khí lưu yếu và nhỏ của một con bươm bướm tình cờ vỗ cánh ở Nam bán cầu kết hợp với vô số các nhân tố khác thì sau vài tuần đã biến thành một trận vòi rồng ở bang Texas (Mỹ)!
Sau đó các nhà khoa học đã gọi đây là “hiệu ứng bươm bướm” và đưa ra lý luận như sau: Một nhân tố khởi nguồn cực nhỏ nếu trải qua một thời gian nhất định và tác dụng với các nhân tố tham dự khác thì hoàn toàn có thể phát triển thành sức ảnh hưởng cực kỳ lớn và phức tạp.
Hiệu ứng này nói với chúng ta rằng: Đừng bao giờ xem thường những thứ nhỏ bé. Một câu nói, một chuyện, một hành vi nhỏ nếu như đúng đắn sẽ ảnh hưởng tích cực rất lớn, còn nếu sai lệch, võ đoán thì ảnh hưởng tiêu cực cũng lớn như vậy.
9. Hiệu ứng ám thị
Trong thế chiến 2, Mỹ do binh lính không đủ nên đã lập một đội các tù nhân trong ngục đưa ra tiền tuyến chiến đấu. Mỹ đặc phát vài chuyên gia tâm lý đến huyến luyện, động viên các tù nhân này và theo họ cùng ra tiền tuyến
Trong thời gian huấn luyện, các nhà tâm lý thuyết giáo rất nhiều với tù nhân và bắt mỗi người họ mỗi tuần phải viết một lá thư cho người thân nhất của mình. Nội dung trong thư do nhà tâm lý thống nhất chỉ định, thuật rằng: biểu hiện của tù nhân trong ngục tốt như thế nào, tự cải tạo mình như thế nào...
Nhà tâm lý yêu cầu họ viết thật tỉ mỉ rồi gửi đi. Sau 3 tháng, các tù nhân ra tiền tuyến, nhà tâm lý lại yêu cầu họ trong thư viết rằng họ đã phục tùng chỉ huy như thế nào, chiến đấu dũng cảm ra sao...
Kết quả là, biểu hiện của đội binh tù nhân này không hề thua kém binh lính thực thụ. Họ trở nên giống y như những gì trong thư họ viết. Hiện tượng này được gọi là “hiệu ứng đóng kí hiệu”, còn có tên gọi khác là “hiệu ứng ám thị”.
10. Hiệu ứng ngưỡng vào
Trong cuộc sống hằng ngày có một hiện tượng thế này: Khi bạn nhờ người khác giúp đỡ, nếu vừa mới bắt đầu đã đưa ra yêu cầu quá cao thì rất dễ bị cự tuyệt, ngược lại nếu đầu tiên bạn đưa ra yêu cầu nhỏ thôi, sau khi người khác đồng ý hãy tăng thêm yêu cầu thì sẽ dễ đạt được mục tiêu hơn. Hiện tượng này được các nhà tâm lý học gọi là “hiệu ứng ngưỡng vào”.
Hiệu ứng này cũng vận dụng khá hữu hiệu trong giáo dục con cái trong gia đình. Hãy yêu cầu thấp thôi, khi trẻ đã làm đúng rồi, hãy cho chúng sự khẳng định và biểu dương, khích lệ, thế thì những yêu cầu tăng dần sau đó sẽ khiến trẻ vui vẻ thực hiện hơn.
11. Hiệu ứng ngủ quên
Sleeper Effect là một hiệu ứng tâm lý liên quan đến sự thuyết phục. Khi một người xem một mẫu quảng cáo có nội dung tích cực, một mối quan hệ tích cực với sản phẩm ấy sẽ được hình thành. Tuy nhiên, qua một thời gian ngắn, cảm giác ấy sẽ phai dần và cuối cùng thì mất đi.
Nhưng, nếu thông điệp đến kèm theo một điểm nhấn hoặc một liên hệ tri thức mật thiết với đời sống người xem thì sự kết nối với thông điệp đó sẽ tồn tại trong thời gian dài hơn.
Một ví dụ điển hình nhất cho hiệu ứng tâm lý này là quảng cáo Máy lọc nước của Kangaroo – một quảng cáo gây ra sự chú ý khó chịu đến người xem, nhưng vẫn đem lại thành công bởi Hiệu ứng ngủ quên.
Sau 1 khoảng thời gian nhất định, sự phản cảm, hoài nghi kia dần biến đi, nhường chỗ cho sự cân nhắc nghiêm túc bởi tâm trí khách hàng đã được đóng đinh tên thương hiệu và câu slogan rồi.
Cuối cùng, chỉ cần chất lượng sản phẩm tốt, khách hàng hài lòng, dần dần thương hiệu sẽ thuyết phục được cả những người vì tò mò mà đến thử.
(Theo Tâm lý học tội phạm, Hội nghiên cứu hành vi con người, MarketingAI, Tâm lý học ứng dụng)