Dưới đây là những sai lầm của bộ não mà nếu nhận thức được sự tồn tại của chúng thì bạn hoàn toàn có thể tránh được.
1. Nghịch lý lựa chọn
Một điều đáng ngạc nhiên là con người thích có ít lựa chọn hơn là được cho nhiều lựa chọn. Khi có quá nhiều lựa chọn thì khả năng ra quyết định của chúng ta lại bị tê liệt. Hiện tượng này đã được chứng minh bởi thí nghiệm bán mứt.
Cụ thể, có nhiều loại mứt thì chỉ 3% khách hàng quyết định mua. Còn khi số lựa chọn có giới hạn thì có tới 30% khách mua hàng.
Để tránh nghịch lý này, khách hàng cần không sợ hãi đưa ra quyết định, còn người bán hàng cũng chỉ nên bày một số lượng vừa phải để khách không bị "choáng" vì có quá nhiều lựa chọn.
2. Thiên kiến xác nhận (Confirmation bias)
Thiên kiến xác nhận (còn gọi là thiên kiến (thiên lệch) khẳng định) là một khuynh hướng của con người ưa chuộng những thông tin nào xác nhận các niềm tin hoặc giả thuyết của chính họ.
Đây là một trong những lỗi logic nhiều người phạm phải. Chúng ta chỉ nhăm nhăm đi tìm bằng chứng ủng hộ một mệnh đề nào đó, rồi cho rằng mệnh đề đó đúng.
Thiên kiến này rất nguy hiểm vì nó khiến chúng ta không đánh giá khách quan sự việc, không tìm thêm thông tin khi đã có một bằng chứng khẳng định giả thuyết trước đó của chúng ta.
Hiện tượng này rất phổ biến trên mạng xã hội: Thông tin được lọc dựa trên sở thích của chúng ta, chúng ta chỉ để ý thấy những thông tin mà chúng ta cho là đúng.
Hoặc những người tin bói toán thường chỉ nhớ những chi tiết mà thầy bói nói đúng, rồi càng thêm tin tưởng thầy bói là “thông thiên bác học”.
3. Hiệu ứng tâm lý Pygmalion
Hiệu ứng Pygmalion là thuật ngữ do Rosenthal và Jacobsen tạo ra năm 1968, hay còn gọi là Self-fulfilling prophecy (lời tiên đoán tự trở thành hiện thực).
Nếu người khác (hoặc chính ta) nghĩ ta thông minh hay ngu dốt hay sao đó, họ sẽ đối xử với ta theo cách mà họ nghĩ. Nếu ta được đối xử như thể ta thông minh hay ngu dốt hay sao đó, ta sẽ hành xử, và thậm chí trở thành như thế.
Do vậy, những “tiên cảm” ban đầu của người đó về ta đã trở thành hiện thực. Tóm lại, một khi ý niệm đã hình thành, thậm chí ngay cả khi nó không đúng với thực tế, chúng ta vẫn có khuynh hướng hành xử theo đó. Và kỳ diệu thay, kết quả sẽ xảy ra đúng theo kỳ vọng đó, như thể có phép lạ!
Hiệu ứng Pygmalion mang một ý nghĩa to lớn khi ứng dụng trong quản lý nhân sự và giáo dục, nhất là đối với việc giáo dục các trẻ cá biệt. Người ta thấy rằng nhân viên/học sinh có khuynh hướng thể hiện, hoàn thành công việc tốt hơn khi được cấp trên/thầy giáo tôn trọng, kỳ vọng, tin tưởng.
4. Tư duy tập thể
Tư duy tập thể (groupthink) là một hiện tượng tâm lý xảy ra với một nhóm người vì mong muốn duy trì sự hài hòa và thống nhất trong nhóm nên đã dẫn đến những quyết định khác biệt so với cơ chế suy nghĩ, quyết định thông thường của từng cá nhân gộp lại.
Hiện tượng này lý giải vì sao trong một nhóm đông có những người thông minh mà vẫn đưa ra quyết định sai lầm.
Khái niệm này được tạo ra trong bối cảnh chính trị, khi những quyết định chính trị mang đến hệ quả khốc liệt.
Hiện tượng này có thể tránh được nếu trưởng nhóm có biện pháp phù hợp, chẳng hạn chỉ định một người khách quan đánh giá hoặc nhờ một chuyên gia ngoài nhóm khi cần đưa ra những quyết định quan trọng.
5. Ảo giác về thể hình vận động viên bơi lội
Ảo giác về thể hình vận động viên bơi lội (swimmer’s body illusion) bắt nguồn từ nhầm lẫn trong việc chọn lựa các nhân tố với các kết quả.
Không ai có thể có được thể hình của vận động viên bơi lội chỉ bằng tập luyện chăm chỉ. Các vận đông viên bơi lội chuyên nghiệp không hề có cơ thể hoàn hảo chỉ vì họ tập luyện xuyên suốt. Thay vào đó, họ là những vận động viên bơi giỏi nhờ thể trạng của họ. Cách thức thiết kế nên cơ thể các vận động viên là một nhân tố để lựa chọn chứ không phải là kết quả tạo ra từ những hoạt động của họ.
Không có ảo giác này, một nửa các chiến dịch quảng cáo sẽ trở thành vô dụng. Lấy ví dụ: Harvard có tiếng là trường đại học hàng đầu. Nhiều người cực kỳ thành đạt đã từng học ở đó. Điều này liệu có nghĩa là Harvard là một trường tốt? Chúng ta không biết. Có thể t Harvard chỉ đơn thuần là tuyển được những học sinh giỏi nhất xung quanh.
6. Pareidolia: Ảo giác khuôn mặt
Chắc hẳn, ai trong chúng ta cũng từng trải qua loại ảo giác này mà không biết rằng... chúng có hẳn tên khoa học.
Đôi khi, ai cũng có thể bất ngờ nhìn thấy một hay nhiều khuôn mặt trên những đồ vật hoặc vị trí mà chúng khó có thể xuất hiện như đám mây, mặt hồ hay thậm chí là cả mặt trăng.
Hiện tượng này gọi là Pareidolia hay ảo giác khuôn mặt, khi đó một vùng trong não bị đánh thức để phân tích và nhận diện khuôn mặt từ những hình ảnh thu được từ mắt. Loại ảo giác này xảy ra với bất cứ ai, ngay cả những nhà khoa học "chỉ mặt đặt tên" cho chúng.
7. Tâm lý màu sắc
Color Psychology hay tâm lý học màu sắc đã chỉ ra rằng xu hướng chọn màu sắc cũng thể hiện tính cách của người đó và màu sắc có tác động đến nhận thức, hành vi của con người.
Phần lớn chúng ta thường chọn điện thoại màu đen và màu trắng. Theo các nhà tâm lý học, chúng ta thường chọn màu sắc trong vô thức đến 80%. Người khác cũng thường chú ý đến màu sắc mà ta lựa chọn.
Nếu muốn nổi bật và khác biệt với đám đông thì bạn đừng chọn điện thoại màu trắng hoặc đen, vì màu đen thể hiện bạn là người thuận theo đám đông, thiếu cá tính, còn màu trắng cho thấy bạn là người sợ mạo hiểm.
Trang ĐặngBạn đang xem bài viết Hóa ra bộ não bạn vẫn mắc những sai lầm này hàng ngày mà bạn không biết tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].