Chúng ta vẫn thường phải đưa ra những lựa chọn mỗi ngày: từ việc hôm nay ăn gì, mua quần áo ở đâu cho đến việc chọn người yêu - tất cả tưởng chừng đều được dựa trên quá trình suy nghĩ, cân nhắc đầy lý trí.
Tuy nhiên, có rất nhiều thí nghiệm đã chứng minh điều ngược lại. Trong một thí nghiệm của giáo sư, nhà kinh tế học Dan Ariely, người ta cho tình nguyện viên trải nghiệm cơn đau nhẹ do điện gây ra, sau đó cho họ chọn trong 2 loại thuốc giảm đau (giả) có giá 10 xu và 2,5 đô.
Tất cả tình nguyện viên đều thấy bớt đau, nhưng những người chọn thuốc đắt hơn thì cũng thấy cơn đau thuyên giảm rất nhiều.
Hãy thử xem bạn có từng bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng nào trong 7 hiệu ứng tâm lý sau đây không nhé!
1. Hiệu ứng Thatcher
Hiệu ứng Thatcher hay còn gọi là ảo giác Thatcher chỉ ra rằng con người thường không thể nhận diện chính xác một hình ảnh gương mặt theo chiều lật ngược.
"Ảo giác Thatcher" là một ảo ảnh thị giác được Peter Thompson - một nhà khoa học nhận thức người Anh - phát hiện vào năm 1980. Bức hình đầu tiên ông tạo nên ảo giác này là hình chụp của Margaret Thatcher - thủ tướng Anh thời bấy giờ.
Điều thú vị là ngay cả khi bạn đã biết về hiệu ứng này rõ mười mươi đi nữa thì não bộ bạn vẫn rất "tự tin" đến nỗi khi lướt qua, bạn vẫn sẽ cảm thấy bức ảnh này là hoàn toàn bình thường.
2. Hiệu ứng "người qua đường"
Chúng ta đều muốn tin rằng nếu một người gặp nạn ngay trước mắt nhiều người khác thì những người xung quanh sẽ cùng giúp đỡ. Tuy nhiên hiệu ứng tâm lý "người qua đường" (bystander effect) lại cho thấy điều ngược lại.
Khi một chuyện không may xảy ra với một người lạ, nếu người chứng kiến càng đông thì ta lại càng dễ có tâm lý "rồi ai đó sẽ giúp thôi" và cuối cùng là lờ đi người đang cần giúp đỡ.
Người ta lý giải rằng điều này xảy ra do sự khuếch tán trách nhiệm - khi bạn là người duy nhất chứng kiến người bị nạn, nếu không giúp đỡ bạn sẽ cảm thấy mình là người quyết định an nguy của người ấy, cảm giác dằn vặt và tội lỗi sẽ đè nặng lên tâm trí bạn, thúc đẩy bạn lao vào "ra tay nghĩa hiệp".
Nhưng ngược lại, khi có thêm 2 người, bạn cảm thấy trách nhiệm chỉ còn phân nửa. Số người cùng chứng kiến càng đông, nhận thức về trách nhiệm càng thấp.
Những trường hợp dàn cảnh mâu thuẫn cá nhân để chặn xe cướp tài sản, nhận làm chồng, người thân để hành hung, bắt cóc... một cách công khai đã diễn ra một phần nhờ "hiệu ứng người qua đường" này.
Do đó, nếu rơi vào một tình huống không may (bị tai nạn, dàn cảnh cướp đồ, bị hành hung...), nếu có thể hãy tỉnh táo tìm kiếm sự giúp đỡ từ một vài người cụ thể trong đám đông, nhìn thẳng vào mắt người đó và tìm kiếm sự giúp đỡ một cách chân thành nhất. Bên cạnh đó, hãy đưa ra những chỉ thị chi tiết và đặc thù để chống lại sự khuếch tán của trách nhiệm.
3. Hiệu ứng mỏ neo
Có thể bạn chưa biết rằng đầu óc con người thường rất dễ bị ảnh hưởng bởi các neo tư duy (và hiện tượng này được gọi là hiệu ứng mỏ neo).
Hãy thử quan sát ví dụ sau: Tại một quán ăn, thay vì hỏi "Chị có ăn kèm trứng không ạ?", phục vụ thường hỏi: "Chị ăn kèm một trứng hay hai trứng ạ?". Thông thường người thích ăn trứng sẽ bảo thêm hai, người không thích sẽ vẫn nói thêm một, rất ít người nói không ăn trứng.
Ở đây, người bán hàng đã tạo nên một "mỏ neo" trong tâm trí người mua, khiến họ cho rằng lẽ thường là phải thêm trứng, trong khi nó vốn chỉ là món ăn kèm.
Hiệu ứng này cũng thường được các cửa hàng sử dụng, bắt đầu bằng việc niêm yết giá cao. Khi có người xem hàng, nhân viên sẽ khéo léo giới thiệu về một chương trình giảm giá hay "ưu đãi" đặc biệt cho khách hàng.
Sau khi "mỏ neo" tức cái giá đầu tiên đã in vào tâm trí, khách hàng sẽ thường cân nhắc đắt rẻ dựa trên mức giá ban đầu và cảm thấy mình đã mua được món hời. Dĩ nhiên, mức giá ban đầu và có thể là cả mức giá đã giảm đều không phải giá thật.
4. Hiệu ứng âm thanh "nói một đằng nghe một nẻo"
Hiệu ứng McGurk là hiện tượng cho thấy sự liên kết chặt chẽ giữa âm thanh và hình ảnh được não bộ ghi nhận.
Theo đó, nếu ghép một âm thanh A với hình ảnh thu được khi đang phát ra âm thanh B, ta sẽ nghe thấy một âm thanh C hoàn toàn khác.
Bạn có thể trải nghiệm hiệu ứng McGurk ngay trong video dưới đây. Video ghi lại cảnh người đàn ông phát âm từ "Pa" rất rõ ràng.
Tuy nhiên giữ nguyên âm thanh "Pa" và thay bằng hình ảnh khác, ta lại nghe thấy người đàn ông đang nói "Fa".
Khi đặt hai hình ảnh cạnh nhau, hiệu ứng càng rõ ràng hơn: Nhìn sang bên phải ta nghe thấy "Pa", nhìn bên trái lại nghe thành "Fa", bạn cũng có thể thử hiệu ứng này bằng cách để ý sự khác biệt khi xem video và khi nhắm mắt lại và chỉ nghe âm thanh mà thôi.
Ở trên, ta đã nói rằng đừng hoàn toàn tin tưởng vào những điều chính mắt trông thấy, nhưng có lẽ không phải đôi tai cũng đáng tin hoàn toàn trong nhiều trường hợp, bởi hiệu ứng McGurk cho thấy rằng não bộ có thể bị "đánh lừa" theo nhiều cách khác nhau.
5. Hiệu ứng "đóng khung"
Theo hiệu ứng "đóng khung tâm lý" (The Framing Effect), lựa chọn của con người sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi cách mà vấn đề được đưa ra. Hãy thử quan sát ví dụ kinh điển sau đây.
Các tình nguyện viên được cho lựa chọn trong 2 cách để cứu 600 người đang mắc một bệnh dịch chết người.
Phương án A: Dùng cách A sẽ cứu được 200 người.
Phương án B: Dùng cách B thì có 1/3 khả năng cứu 600 người, tuy nhiên 2/3 khả năng sẽ rơi vào trường hợp chẳng cứu được một ai.
72% số người tham gia đã chọn phương án A.
Câu hỏi trên được đặt ra với một nhóm tình nguyện viên khác, chỉ có điều câu trả lời khác đi:
Phương án A: Dùng cách A 400 người sẽ chết.
Phương án B: Dùng cách B thì có 1/3 khả năng là không ai chết, tuy nhiên 2/3 khả năng sẽ rơi vào trường hợp 600 người sẽ chết.
Lần này, 78% số người tham gia chọn B.
Ta có thể thấy với hai lần đặt câu hỏi, phương án B đều như nhau, nhưng cách diễn đạt khác đã làm kết quả hoàn toàn đảo ngược.
Hiệu ứng này có thể áp dụng một cách linh hoạt trong đời sống, khi đặt ra yêu cầu công việc, nhờ vả một ai đó... hãy chú ý đến cách diễn đạt của mình để người nghe cảm thấy tích cực nhất.
6. "Lời tiên tri" tự đúng
Nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ Robert Rosenthal đã từng làm một cuộc thí nghiệm như sau: Ông chia một nhóm chuột bạch thành hai nhóm A và B, nói với người nuôi dưỡng nhóm A rằng những chú chuột này rất thông minh, đồng thời lại nói với người nuôi dưỡng nhóm B rằng trí lực lực những chú chuột này chỉ bình thường thôi.
Mấy tháng sau, ông cho hai nhóm chuột này làm một trắc nghiệm kiểu vượt qua mê cung và phát hiện nhóm A thật sự thông minh hơn nhóm B, chúng có thể ra khỏi mê cung tìm được thức ăn đầu tiên.
Robert tự hỏi liệu hiệu ứng tiên tri này có xảy ra ở người không? Ông quyết định tìm đến một trường trung học bình thường, ông vào một lớp học bất kỳ và khoanh tròn vài cái tên học sinh trong bảng danh sách, sau đó ông nói với giáo viên của những học sinh đó rằng: Những em này trí tuệ rất cao, rất thông minh.
Qua một thời gian, ông trở lại trường và kỳ tích đã xảy ra: những học sinh mà ông chọn thật sự đã trở thành những người xuất sắc của lớp.
Tại sao lại xảy ra hiện tượng này? Đó chính là tác dụng đầy ma lực của một kiểu "ám thị" thần kỳ. Trong cuộc sống, mỗi người đều sẽ chịu sự ám thị tâm lý thế này hay thế kia, những ám thị này có cái tích cực, cũng có cái tiêu cực.
Nếu một người chịu sự ám thị nào lâu dài thì kết quả họ sẽ trở thành đúng như loại ám thị đó.
Bạn có thể tận dụng hiệu ứng này để khiến cuộc sống của mình trở nên tích cực: Bằng cách khen ngợi, khuyến khích những người xung quanh, coi như họ đã đạt được điều mà bạn mong muốn, bạn sẽ có thể khiến họ có xu hướng phát triển trở thành người bạn kỳ vọng hơn.
7. Hiệu ứng tăng giảm
Hiệu ứng này trong giao tiếp giữa người với người chính là chỉ: Bất cứ ai cũng đều hy vọng sự đối đãi, ưu tiên của đối phương dành cho mình "không ngừng tăng lên" chứ không phải "không ngừng giảm đi".
Bạn có thể đã trải qua cảm giác này khi đi chợ: Mỗi khi người bán hàng cân hàng, lấy một số lượng lớn rồi bớt ra mỗi lúc một ít, bạn lại cảm thấy không thoải mái bằng nếu so với việc người bán hàng lấy một phần nhỏ rồi thêm vào nhiều hơn.
Mặc dù cách nào cũng đem lại số lượng khách hàng cần nhưng hành động "thêm vào" khiến khách hàng cảm thấy hài lòng hơn.
Khi chúng ta phê bình đánh giá ai đó, ta thường chọn trật tự "khen trước, chê sau". Thực ra đây không phải cách lý tưởng nhất, hãy chỉ ra một số khuyết điểm trước, sau đó mới thực hiện việc khen ngợi để cảm giác sau cùng của đối phương thoải mái hơn.
Hoàng Ngọc VũBạn đang xem bài viết 7 hiệu ứng tâm lý thú vị chúng ta vẫn bị ảnh hưởng mỗi ngày mà không biết tại chuyên mục Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].