Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân uống đủ nước, nhất là uống nước ấm. Vậy nước có tác dụng gì với sức khoẻ?
Trong hướng dẫn phòng ngừa dịch bệnh COVID-19, Bộ Y tế và các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân nên tăng cường ăn rau xanh, trái cây tươi, uống đủ nước… đặc biệt là uống ấm.
Theo chia sẻ của TS.BS Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam, nước chiếm khoảng 65% trọng lượng cơ thể, tùy theo độ tuổi, giới tính và hoạt động thể chất mà chúng ta cần bổ sung lượng nước cho phù hợp.
Với một người bình thường, trung bình mỗi ngày cơ thể cần khoảng 1,5 - 2 lít nước từ thực phẩm, đồ uống để bù lại lượng nước đã mất và duy trì các chức năng cho cơ thể. Chỉ cần cơ thể thiếu hụt 2% lượng nước, lập tức chúng ta sẽ cảm thấy mệt mỏi, uể oải do cơ chế phản ứng tự nhiên của cơ thể.
Nhưng thực tế nhiều người có thói quen chỉ uống nước khi khát và khi khát thì uống liên tục, đây là một thói quen sai lầm. Bởi vì khi cơ thể cảm thấy khát đồng nghĩa là các tế bào đã thiếu nước. Thói quen này cần bỏ càng sớm càng tốt và nên chia đều lượng nước cần uống trong một ngày cho những thời điểm: Sáng - trưa - chiều - tối.
Để đảm bảo sức khoẻ, TS Từ Ngữ khuyên người dân nên tự đun sôi nước sạch để uống hàng ngày, nếu uống nước đóng chai thì phải chọn các hãng có uy tín trên thị trường.
Ngoài ra, việc uống nước ấm, các loại trà thảo mộc chứa tinh dầu như sả, tía tô, gừng, trà xanh… và các loại nước hoa quả như cam, chanh, bưởi, ổi, dưa hấu… cũng có tác dụng tăng sức đề kháng, bảo vệ cơ thể khỏe mạnh trong mùa dịch bệnh COVID-19.
Những ngày trời lạnh, hoặc lúc sáng sớm, buổi tối, khi nhiệt độ xuống thấp, uống một cốc nước ấm nóng sẽ làm ấm các cơ quan nội tạng, làm cơ thể ấm lên và tránh sự xâm nhập của khí lạnh.
Nhất là với những người cơ thể hàn, người có sức đề kháng kém như người già, trẻ nhỏ…, việc hình thành thói quen uống nước ấm trong những ngày thời tiết lạnh giúp phòng ngừa cảm lạnh, ho, viêm họng và các bệnh đường hô hấp hiệu quả.
Uống nước ấm giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn hiệu quả hơn. Đồng thời giúp phòng ngừa và làm giảm đau dạ dày. Thói quen uống nước ấm vào buổi sáng khi mới ngủ dậy còn giúp cải thiện đường tiêu hóa, làm cải thiện nhu động ruột và hạn chế táo bón hiệu quả.
Thói quen uống một cốc nước ấm vào buổi sáng sau khi ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ không chỉ giúp loại bỏ những độc tố tích tụ trong cơ thể mà còn có khả năng cải thiện tuần hoàn máu, hỗ trợ lưu thông máu trong cơ thể, giúp làn da khỏe mạnh, cơ bắp được thư giãn, làm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông, sỏi thận và nhiễm trùng bàng quang.
Uống nước ấm nóng là biện pháp an toàn và hiệu quả để khắc phục tình trạng đau bụng kinh, đau đầu, đau do cơ cơ hay chuột rút. Bởi nước ấm nóng làm tăng lưu lượng máu đến da và giúp thư giãn các cơ đang căng cứng.
Với người khỏe mạnh bình thường, trước khi đi ngủ nên uống một cốc nước ấm khoảng 200 – 250ml giúp cơ thể bù lại lượng nước mất trong quá trình ngủ, từ đó giúp duy trì hoạt động của các cơ quan trong cơ thể phòng chống chuột rút, đau tim, đột quỵ.
Uống nước ấm còn giúp năng lượng, hormone, cơ bắp và các khớp trong cơ thể cân bằng trở lại, cơ thể được thư giãn hoàn toàn, ngủ ngon và sâu hơn.