Bệnh bạch hầu có một thể tối cấp, diễn biến rất nhanh và có thể tử vong trong khoảng 24 – 48 tiếng.
Theo ThS.BSCKII Trần Duy Hưng, Trưởng Khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh bạch hầu nguy hiểm vì khi vi khuẩn bạch hầu vào cơ thể nó không chỉ gây ra tình trạng nhiễm trùng mà chúng còn tiết ra độc tố. Độc tố này có thể đi vào máu và lan đến khắp các bộ phận của cơ thể, làm tổn thương nhiều nơi.
Đặc biệt, bệnh bạch hầu có thể biến chứng gây viêm cơ tim cấp, liệt cơ, viêm tổ chức thần kinh… Tất cả các biến chứng của bệnh bạch hầu kể cả tử vong đều là hậu quả của độc tố. Biến chứng thường gặp nhất trong bệnh bạch hầu là viêm cơ tim và viêm dây thần kinh.
Biến chứng viêm cơ tim có thể xảy ra trong giai đoạn toàn phát của bệnh hoặc cũng có thể xảy ra chậm vài tuần sau khi bệnh đã khỏi. Khi viêm cơ tim xuất hiện sớm trong những ngày đầu của bệnh, tiên lượng thường rất đen tối, tỉ lệ tử vong rất cao.
Biến chứng viêm dây thần kinh thường ảnh hưởng đến dây thần kinh vận động và thường hồi phục hoàn toàn nếu bệnh nhân không tử vong vì biến chứng khác.
Các biến chứng khác có thể xảy ra như liệt cơ, viêm kết mạc mắt hoặc suy hô hấp do tắc nghẽn đường hô hấp có thể xảy ra ở trẻ em, đặc biệt là nhũ nhi.
Bác sĩ Hưng cho biết thêm, bệnh bạch hầu có một thể tối cấp, diễn biến rất nhanh và có thể tử vong trong khoảng 24 – 48 tiếng.
Tỷ lệ tử vong khi mắc bệnh bạch hầu là khoảng 5% – 10%, ở những người dưới 5 tuổi và trên 40 tuổi tỷ lệ tử vong cao hơn, lên đến 20%.
Bệnh nhân được chẩn đoán xác định mắc bạch hầu khi phân lập vi khuẩn bạch hầu dương tính từ mẫu bệnh phẩm như chất dịch nhầy ở thành họng hoặc giả mạc tại chỗ viêm.
Vì bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nên khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải đến ngay bệnh viện để được điều trị kịp thời.
Một biện pháp quan trọng trong việc điều trị bạch hầu là sử dụng kháng độc tố (SAD) càng sớm càng tốt sau khi phát bệnh vì thuốc sẽ không còn tác dụng khi độc tố đã xâm nhập vào tế bào.
Sử dụng kháng sinh cũng rất cần thiết vì bệnh thường không lây sau 48 giờ dùng kháng sinh. Ngoài ra, bệnh nhân bạch hầu cần phải được theo dõi sát sao để phát hiện các biến chứng cũng như chống bội nhiễm.
Với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân bạch hầu như sống cùng gia đình, nhân viên y tế, dùng chung đồ dùng cá nhân, dụng cụ ăn uống, người chăm sóc,... cần dùng kháng sinh dự phòng 7 – 10 ngày để ngăn chặn sự lây lan.
Song song đó là các biện pháp dự phòng không dùng thuốc như vệ sinh cá nhân, vệ sinh khử khuẩn đồ dùng của bệnh nhân, tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu cho những người chưa tiêm chủng đầy đủ.
Tùy thuộc vào vị trí vi khuẩn gây bệnh mà người mắc bệnh bạch hầu sẽ có các triệu chứng khác nhau:
- Bệnh bạch hầu thể mũi trước: Bệnh nhân sổ mũi, chảy mũi ra chất mủ nhầy đôi khi có lẫn máu. Khi khám thầy thuốc có thể thấy màng trắng ở vách ngăn mũi. Thể bệnh này thường nhẹ do độc tố vi khuẩn ít thâm nhập vào máu.
- Bệnh bạch hầu thể hầu họng và amidan: Bệnh nhân mệt mỏi, đau cổ họng, chán ăn, sốt nhẹ. Sau 2-3 ngày, sẽ xuất hiện một đám hoại tử tạo thành lớp giả mạc màu trắng xanh, dai và dính chắc vào amiđan, hoặc có thể lan rộng bao phủ cả vùng hầu họng.
Thường thể bệnh này các độc tố ngấm vào máu nhiều và có thể gây tình trạng nhiễm độc toàn thân. Một số bệnh nhân có thể sưng nề vùng dưới hàm và sưng các hạch vùng cổ làm cổ bạnh ra như cổ bò.
Những trường hợp nhiễm độc nặng bệnh nhân sẽ phờ phạc, xanh tái, mạch nhanh, đờ đẫn, hôn mê. Các bệnh nhân này nếu không được điều trị tích cực có thể tử vong trong vòng 6 - 10 ngày.
- Bệnh bạch hầu thanh quản: Thể bệnh này tiến triển nhanh và rất nguy hiểm. Bệnh nhân thường biểu hiện bằng dấu hiệu sốt, khàn tiếng, ho ông ổng.
Khi khám, bác sĩ có thể thấy các giả mạc tại ngay thanh quản hoặc từ hầu họng lan xuống. Nếu không được xử trí kịp thời, các giả mạc này có thể gây tắc đường thở làm bệnh nhân suy hô hấp và có nguy cơ tử vong nhanh chóng.
Bạch hầu các vị trí khác: Thường rất hiếm gặp và nhẹ, vi khuẩn bạch hầu có thể gây loét ở da, niêm mạc như niêm mạc mắt, âm đạo hay ống tai.
Để kiểm soát dịch bệnh bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên, Bộ Y tế đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch như cử đội cơ động chống dịch xuống hỗ trợ địa phương, tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp bệnh, các trường hợp tiếp xúc. Tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc và điều trị dự phòng cho người dân trong khu vực có nguy cơ.
Một trong biện pháp phòng chống dịch bạch hầu hiệu quả nhất đó là tiêm vắc-xin bạch hầu để phòng chống dịch toàn diện và mang tính bền vững.
Được biết, chiến dịch tiêm chủng bắt đầu được triển khai từ tháng 7 năm 2020. Tổ chức tiêm chủng được triển khai theo hình thức chiến dịch tại các điểm tiêm chủng cố định và lưu động.
Theo đó, trạm y tế tiêm chủng cho trẻ 2 tháng trở lên và thực hiện tiêm vét. Các điểm lưu động sẽ tiêm chủng cho người sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận.
Dự kiến chiến dịch này sẽ tiêm chủng khoảng 120.446 liều vắc-xin 5 trong 1, 279.608 liều vắc-xin DPT và 10.111.461 liều vắc-xin Td.