Cả nước ghi nhận 67 ca nhiễm bạch hầu
Tính đến trưa 8/7, 5 địa phương xuất hiện các ca bệnh bạch hầu là: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và TP.HCM.
Tính tổng số đến nay đã có 67 ca bệnh, gấp 3 trung bình hàng năm, trong đó có 3 bệnh nhân tử vong. Trong đó Đắk Nông mắc nhiều nhất với 28 ca (2 ca tử vong), Kon Tum ghi nhận 22 ca, Gia Lai có 15 ca (1 ca tử vong), Đắk Lắk 1 ca, TP.HCM 1 ca.
Trong số 3 trẻ đã tử vong, có 1 cháu 4 tuổi đã tiêm đủ 4 mũi vắc xin có thành phần bạch hầu cơ bản, gồm 3 liều 5 trong 1 và 1 liều DPT. Trong 2 ca tử vong còn lại, 1 trường hợp chưa rõ tiền sử tiêm chủng, 1 mới tiêm được 1 trong 4 mũi vắcxin cơ bản.
Thủ tướng ra công điện khẩn phòng chống bạch hầu
Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 862/CĐ-TTg yêu cầu tăng cường công tác phòng chống bệnh bạch hầu.
Theo đó, bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, lây lan nhanh qua đường hô hấp và có thể tử vong nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời. Bệnh có thể dự phòng bằng tiêm vắc xin và điều trị khỏi bằng kháng sinh đặc hiệu.
Hiện nay, bệnh đang có diễn biến phức tạp, từ đầu tháng 6/2020 đến nay bệnh bùng phát, lây lan nhanh tại một số tỉnh Tây Nguyên và đã có trường hợp tử vong, phần lớn các trường hợp mắc được phát hiện ở vùng sâu, vùng xa và chưa được tiêm vắc xin bạch hầu hoặc chưa tiêm đầy đủ, đúng lịch.
Để chủ động kiểm soát, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh bạch hầu, không để lây lan, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cấp chính quyền và các Sở, ban, ngành đoàn thể:
- Tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, hướng dẫn người dân khi có dấu hiệu của bệnh, phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Tổ chức việc giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm, xử lý triệt để không để dịch bùng phát, lan rộng; điều trị kịp thời người mắc bệnh, người lành mang trùng, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong.
- Xác định rõ địa bàn, đối tượng có nguy cơ mắc bệnh; tổ chức tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho các nhóm đối tượng, nhất là ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên; bảo đảm đủ kinh phí, phương tiện, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, thực hiện tốt công tác chẩn đoán sớm, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân.
2. Trên cơ sở xác định địa bàn, đối tượng có nguy cơ mắc bệnh của từng địa phương, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh; Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về công tác giám sát, chẩn đoán, điều trị; chỉ đạo bảo đảm cung ứng đủ vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho các tỉnh.
3. Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân và các cơ quan báo chí phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, chính quyền địa phương tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bạch hầu để người dân tích cực, chủ động thực hiện, khi có dấu hiệu mắc bệnh đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
4. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai mạnh mẽ các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, các trường học, lớp học, nhà trẻ bảo đảm môi trường thông thoáng, sạch sẽ, có đủ ánh sáng.
5. Bộ Tài chính bảo đảm đủ kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh bạch hầu trên cơ sở đề xuất của Bộ Y tế.
V.LinhBạn đang xem bài viết Bệnh bạch hầu diễn biến phức tạp: Ca nhiễm tăng, Thủ tướng ra công điện khẩn tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].