Chắc hẳn bạn đã từng nghe ai đó nói uống cà phê có thể gây mụn trứng cá, hoặc là muốn hết mụn phải bỏ cà phê. Vậy thực sự uống cà phê có gây mụn không?
Theo Healthline, chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh quan niệm uống cà phê gây mụn trứng cá là đúng.
Mối quan hệ giữa cà phê và mụn trứng cá khá phức tạp.
Thứ nhất, cà phê không gây ra mụn, nhưng nó có thể khiến tình trạng mụn tệ hơn. Điều này tùy thuộc vào việc bạn cho gì vào ly cà phê, bạn uống bao nhiêu, và một vài tác nhân khác.
Mối quan hệ giữa những thực phẩm bạn ăn và mụn trứng cá vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Một số cuộc khảo sát hỏi người tham gia xem họ nghĩ yếu tố nào góp phần khiến họ bị mụn, thì trong số các câu trả lời có cà phê.
Cho đến hiện tại, chưa có nghiên cứu nào kết luận uống cà phê khiến bị mụn nặng hơn, tuy nhiên có một số yếu tố quan trọng cần xem xét.
Cà phê chứa nhiều caffeine, giúp bạn tỉnh táo nhưng cũng có thể khiến cơ thể căng thẳng hơn.
Tuy căng thẳng không phải nguyên nhân gây mụn nhưng lại khiến tình trạng mụn đang diễn ra sẽ trở nên trầm trọng hơn. Hormone stress như cortisol có thể làm tuyến bã nhờn tiết nhiều dầu hơn.
Nếu bạn uống cà phê muộn, có thể gây mất ngủ. Thiếu ngủ sẽ gây căng thẳng và có thể khiến mụn nghiêm trọng hơn.
Ảnh hưởng của caffeine với giấc ngủ của mỗi người là khác nhau. Nếu bạn nhạy cảm với caffeine thì bạn nên giảm lượng hấp thụ bằng cách uống vào đầu giờ chiều để giảm ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Nếu bạn có thói quen uống cà phê sữa, bạn cần biết đã có một số bằng chứng về mối quan hệ giữa sữa và mụn trứng cá.
Một nghiên cứu lớn về mối quan hệ giữa sữa và mụn trứng cá đã được thực hiện trên 47.000 y tá từng bị mụn trpng giai đoạn tuổi teen.
Họ phát hiện những y tá uống nhiều sữa sẽ thường bị mụn nhiều hơn người uống ít sữa.
Các nhà nghiên cứu tin rằng hormone trong sữa có thể đóng vai trò kích thích mụn trứng cá. Tuy nhiên điểm thiếu sót của nghiên cứu này là dựa hoàn toàn vào trí nhớ của các y tá về những gì họ ăn khi ở giai đoạn tuổi teen.
Những nghiên cứu sau đó trên các bé trai, bé gái tuổi teen cho kết quả tương tự. Sữa không béo (sữa tách kem) còn gây ảnh hưởng tệ hơn sữa nguyên kem và sữa ít béo.
Những nghiên cứu này không khẳng định hoàn toàn rằng sữa kích thích mụn trứng cá, nhưng chúng ta có đủ bằng chứng để nghi ngờ rằng sữa gia súc đóng vai trò nhất định trong việc này.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa lượng đường bạn hấp thụ và mụn trứng cá. Chế độ ăn uống nhiều đường làm tăng lượng insulin do cơ thể tiết ra.
Đi cùng với việc lượng insulin tăng chính là lượng yếu tố tăng trưởng giống Insulin-1 IGF-1 tăng. IGF-1 là một hormone được biết đến là đóng vai trò trong sự phát triển của mụn trứng cá.
Sự kết hợp giữa cà phê nhiều đường với một chiếc bánh nướng scone hay bánh sừng bò chocolate có thể gây ảnh hưởng càng nghiêm trọng hơn.
Bên cạnh đó, chế độ ăn uống giàu cafbohydrates cùng chỉ số đường huyết cao cũng gây tác động tương tự lên lượng IGF-1 trong cơ thể.
Chất chống oxy hóa
Chất chống oxy hóa có trong cà phê được chứng minh tốt cho da. Cà phê cũng là nguồn thực phẩm rất giàu chất chống oxy hóa.
Một nghiên cứu năm 2006 của Tiến sĩ Zeyad El-akawi và các cộng sự đã so sánh nồng độ chất chống oxy hóa trong máu ở 100 người bị mụn trứng cá và 100 người không bị mụn.
Họ phát hiện ra rằng những người bị mụn trứng cá có nồng độ chất chống oxy hóa thấp hơn nhóm còn lại.
Tuy vậy vẫn cần nghiên cứu thêm để tìm ra tác động của chất chống oxy hóa trong cà phê lên mụn.
Vậy bạn có nên từ bỏ thói quen uống cà phê?
Cà phê không gây mụn, nhưng uống nhiều cà phê, đặc biệt là cà phê nhiều sữa hay đường có thể khiến tình trạng mụn nặng hơn.
Nếu bạn lo lắng việc uống cà phê khiến bạn nổi mụn nhiều hơn, bạn có thể không cần vội từ bỏ đồ uống yêu thích mà hãy thử:
- Không thêm đường tinh luyện hay syrup, thay vào đó dùng chất tạo ngọt như stevia
- Thay vì sữa gia súc, hãy chuyển sang các loại sữa hạt
- Không uống cà phê và các đồ uống có caffeine vào buổi tối, trước khi đi ngủ để có giấc ngủ ngon
- Thử uống cà phê decaf (cà phê không có caffeine)
- Không ăn bánh ngọt được tặng kèm với cà phê
Phản ứng của mỗi cá nhân với cà phê và caffeine là khác nhau. Nếu bạn muốn có một câu trả lời chắc chắn rằng liệu mình có nên bỏ cà phê hay không, hãy thử ngưng uống một vài tuần để xem tình trạng mụn có được cải thiện. Sau đó từ từ uống lại để xem mụn có nặng hơn không.
Nếu đã thử tất cả các biện pháp trên mà mụn vẫn không thuyên giảm, bạn nên đi khám da liễu để điều trị thích hợp.
Xem thêm: 9 lợi ích bất ngờ của cà phê với sức khỏe đã được khoa học chứng minh