Theo báo cáo mới của UNICEF, trẻ em Nhật Bản có sức khỏe tâm lý gần kém nhất trong số 38 quốc gia phát triển và mới nổi do mức độ hài lòng về cuộc sống thấp và tỷ lệ tự tử cao.
Mặc dù trẻ em Nhật Bản đứng hàng đầu về sức khỏe thể chất và sống trong hoàn cảnh kinh tế khá giả, song tình trạng bắt nạt ở trường học cũng như các mối quan hệ gia đình khó khăn dẫn đến sức khỏe tâm lý kém, theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF).
Trong số 38 quốc gia trong khảo sát chỉ có trẻ em New Zealand xếp sau Nhật Bản về sức khỏe tâm lý.
Nghiên cứu của UNICEF đánh giá trên 3 tiêu chí: Sức khỏe tâm lý, sức khỏe thể chất và kỹ năng học tập - xã hội dựa trên dữ liệu thu thập trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Xét trên cả 3 tiêu chí, Hà Lan dẫn đầu danh sách, tiếp đến là Đan Mạch và Na Uy.
Nhật Bản đứng thứ 20, Mỹ xếp thứ 36 và Chile xếp hạng chót.
Nghiên cứu dựa trên thống kê của Liên Hợp Quốc về các thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế và Liên minh Châu Âu.
Tại Nhật Bản, tính từ năm 2013-2015, trung bình cứ 100.000 thanh thiếu niên tuổi từ 15-19 có 7,5 ca tự tử.
New Zealand là nước có tỷ lệ cao thứ hai ở mức 14,9. Tỷ lệ tự tử cao nhất là ở Lithuania với 18,2 ca/100.000 thanh thiếu niên. Hy Lạp là nước có tỷ lệ thấp nhất với 1,4.
Về kỹ năng học tập - xã hội, trẻ em Nhật Bản xếp thứ 27. Dù đứng thứ 5 về khả năng đọc và làm toán, nhưng trẻ em Nhật lại đứng áp chót về mức độ tự tin khi kết bạn.
Chỉ 69% trẻ em độ tuổi 15 cảm thấy dễ dàng kết bạn. Con số này chỉ hơn Chile (68%).
Nhật Bản có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong năm 2019 trong số các quốc gia được thống kê, song tỷ lệ trẻ em sống trong nghèo đói ở mức 18,8%.
Chuyên gia giáo dục Naoki Ogi cho rằng các trường học Nhật Bản là "địa ngục của tình trạng bắt nạt" và sự cạnh tranh quá mức để được vào các trường danh tiếng là một yếu tố tiêu cực cho sức khỏe tâm lý.
"Trẻ em Nhật khó tránh khỏi thiếu tự tin và thiếu cảm giác hạnh phúc", ông Naoki nhận định.
Báo cáo của UNICEF cho rằng khủng hoảng dịch COVID-19 còn tiếp diễn sẽ tăng thêm thách thức cho trẻ em.
"Cuộc khủng hoảng y tế sẽ lan tới mọi khía cạnh kinh tế, xã hội. Trẻ em sẽ không chịu tác động trực tiếp tới sức khỏe do virus nhiều hơn. Nhưng như chúng ta đã biết từ các cuộc khủng hoảng trước, trẻ em sẽ là nhóm đối tượng chịu tác động tiêu cực mang tính lâu dài sâu sắc nhất", UNICEF nói.
(Theo Japantimes)