Bí kíp ăn mì tôm đúng cách để đảm bảo dinh dưỡng

Bình luận

Mì ăn liền là thực phẩm quen thuộc với các bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên hay những ngày bận rộn. Tuy nhiên, nếu chỉ ăn mì một cách đơn điệu trong thời gian dài, cơ thể bạn sẽ không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng, dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe. Vậy làm thế nào để "nâng cấp" tô mì của mình thành một bữa ăn vừa ngon vừa bổ? Hãy cùng khám phá nhé!

Mì gói thuộc nhóm ngũ cốc và sản phẩm chế biến, cùng loại với cơm, cháo, bún, phở hay bánh mì. Một gói mì ăn liền thông dụng (75g) có thể cung cấp 300-350 kcal, tương đương khoảng 15-17% nhu cầu năng lượng mỗi ngày của người trưởng thành. Tuy nhiên, mì ăn liền chủ yếu chứa chất bột đường, chất béo và một lượng đạm nhỏ.

Theo Bộ Y tế, một bữa ăn hợp lý cần đảm bảo đủ 4 nhóm chất: bột đường, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất. Do đó, chỉ ăn mì gói mà không kết hợp với các thực phẩm khác sẽ khiến bữa ăn thiếu hụt dinh dưỡng cần thiết. Các chuyên gia dinh dưỡng đã bật mí vài cách để bạn biến tô mì quen thuộc trở nên phong phú và cân đối hơn.

Một bữa ăn hợp lý cần đảm bảo đủ 4 nhóm chất: bột đường, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất.

Một bữa ăn hợp lý cần đảm bảo đủ 4 nhóm chất: bột đường, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất.

Kết hợp thực phẩm giàu đạm

Bạn có thể thêm các thực phẩm giàu đạm vào tô mì như:

  • Trứng: Một quả trứng lòng đào không chỉ làm tô mì hấp dẫn hơn mà còn bổ sung protein giúp bạn no lâu hơn.
  • Thịt bò, thịt heo, hải sản: Một vài lát thịt hoặc tôm, mực sẽ cung cấp đạm chất lượng cao và thêm hương vị.
  • Các loại nấm, đậu, rong biển: Đây là lựa chọn hoàn hảo nếu bạn muốn bữa ăn của mình thiên về thực phẩm thực vật mà vẫn đủ chất.

Thêm rau củ tươi để tăng màu sắc và chất xơ

Dù các gói rau khô đi kèm trong mì gói có phần tiện lợi, nhưng chúng không thể thay thế được rau củ tươi. Bạn có thể thêm:

  • Cải thìa, rau muống, xà lách, cà rốt: Rau xanh giúp tô mì thêm bắt mắt, đồng thời cung cấp vitamin A, C, chất xơ và kali.
  • Ngô, đậu Hà Lan, bông cải xanh: Các loại rau củ này không chỉ bổ sung dinh dưỡng mà còn tạo độ giòn ngon cho món ăn.

Chất xơ trong rau xanh còn giúp giảm tốc độ hấp thu tinh bột, từ đó ngăn ngừa táo bón và nóng trong người. Ngoài ra, nếu đã chán kiểu nấu mì truyền thống, bạn có thể thử mì xào. Chỉ cần kết hợp mì với thịt, trứng, rau củ là bạn đã có ngay một món ăn lạ miệng nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng. Khi nấu mì, các chuyên gia dinh dưỡng cũng lưu ý, bạn cần:  

  • Chần mì qua nước sôi và đổ nước lần đầu: Điều này giúp loại bỏ bớt lớp dầu bảo quản trên sợi mì.
  • Hạn chế dùng gói gia vị: Bạn chỉ nên cho 1/2 gói gia vị để giảm lượng muối.

Những thông tin cho rằng mì gói gây ung thư hiện chưa có cơ sở khoa học. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo không nên ăn mì gói thường xuyên. Việc thỉnh thoảng sử dụng mì gói không gây hại, nhưng nếu lạm dụng, hàm lượng muối và chất béo transfat cao trong mì có thể gia tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe lâu dài.

Hãy thử áp dụng những cách kết hợp trên để bữa ăn trở nên cân đối và đầy đủ dinh dưỡng hơn. Đồng thời, việc nâng cấp tô mì cũng là cách để bạn luyện tập kỹ năng sống, biết chăm sóc bản thân một cách khoa học và sáng tạo. Đừng quên chia sẻ công thức "tô mì siêu đỉnh" với bạn bè nhé!

Bạn đang xem bài viết Bí kíp ăn mì tôm đúng cách để đảm bảo dinh dưỡng tại chuyên mục Dinh Dưỡng của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].
Quách Ngọc