Cho ăn rong, vừa cho trẻ ăn vừa xem điện thoại, iPad được lựa chọn như một giải pháp để trẻ chịu ăn ngoan. Nhưng ít ai ngờ nó lại gây ra hậu quả tai hại
Bé N.M.T (9 tháng tuổi, Thanh Am, Long Biên, Hà Nội) nhập viện vì đi ngoài ra máu. Mẹ của bé cho biết: “Hơn tuần nay cứ cách một ngày, con lại đi 1 – 2 cục phân bé như đốt ngón tay thôi. Tôi thấy con không quấy khóc gì nên cũng nghĩ bình thường. Hôm qua, tôi ra mua cái thụt cho con về thụt thì con cứ vừa rặn ị ra vừa khóc. Nhìn phân của con có nhiều máu tươi, tôi không biết làm thế nào chỉ biết ôm con mà xót”.
Cũng giống như bé T., tại Khoa Nhi – Bệnh viện Đa khoa Đức Giang tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị táo bón nặng. Nhiều trẻ còn tái đi, tái lại nhiều lần. Điều đáng nói, điểm chung của các trẻ đều là trẻ biếng ăn, cha mẹ phải cho ăn bằng cách đi rong.
Trao đổi với PV Gia Đình Mới, bác sĩ Thân Hồng Hoài – Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Đức giang cho biết, tưởng chừng là căn bệnh đơn giản nhưng táo bón có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu kéo dài, không được điều trị kịp thời. Mặt khác, táo bón lại khó chữa, rất dễ tái lại nếu cha mẹ không gìn giữ đúng.
Khi trẻ táo bón lâu ngày, trẻ có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ quan tiêu hóa dẫn đến các bệnh lý đường tiêu hóa như đại tràng, kém hấp thu… Ngoài ra, trẻ táo bón có thể biếng ăn, bỏ bữa, không thể hấp thu các chất dinh dưỡng. Từ đó, thể chất và trí tuệ của trẻ bị ảnh hưởng, phát triển không đồng đều.
Với trẻ bị táo, đi ngoài thường đau rát nảy sinh tâm lý sợ đại tiện, nín nhịn lâu, táo bón càng nặng dễ gây hiện tượng nứt hậu môn.
Theo bác sĩ Hoài, táo bón cơ năng hiện nay phổ biến ở rất nhiều trẻ và ngày càng gia tăng nhanh. Ngoài lí do liên quan đến chế độ ăn uống, bác sĩ cho rằng, nhiều cha mẹ hình thành thói quen xấu cho trẻ, khiến đường tiêu hóa bị ảnh hưởng.
“Chúng ta nên hiểu, đường tiêu hóa của trẻ phải có thời gian hấp thu chất, có thời gian đào thải tạo phân. Tuy nhiên, quá trình đó sẽ có thời gian cố định, nhưng hiện nay, nhiều trẻ bị yếu tố bên ngoài tác động: Nhịn đi ngoài, ăn rong, vừa ăn vừa chơi… gây ảnh hưởng và bị táo”, bác sĩ Thân Hồng Hoài chia sẻ.
Bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ cần chú ý, khi trẻ hơn 2 ngày chưa đi ngoài, phân cứng thì nên nghĩ đến việc trẻ táo bón để điều chỉnh.
“Khi đó, chúng ta nên cho trẻ ăn nhiều chất xơ, chất nhớt, thực phẩm nấu nhuyễn hơn, cung cấp đủ nước cho bé. Bên cạnh đó, phụ huynh cần tận dần thói quen đi ngoài khoa học, có thể bằng cách massage, kích thích đi ngoài vào buổi sáng. Đặc biệt, cần cho trẻ ăn một chỗ, khung giờ nhất định”, bác sĩ nhấn mạnh.