Cho con ăn uống kiểu này, cha mẹ đã vô tình đưa hàng triệu con vi khuẩn vào cơ thể trẻ, trong đó có vi khuẩn gây ung thư dạ dày.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cho biết, thói quen mớm đồ ăn cho trẻ, kiểm tra độ nóng của thức ăn bằng miệng, dùng thìa, đũa đang ăn đút cho trẻ… tưởng là bình thường nhưng lại có thể khiến trẻ bị lây vi khuẩn có hại từ người lớn, trong đó có vi khuẩn gây loét và ung thư dạ dày Helicobacter pylori.
“Có thể nhiều người sẽ nghĩ rằng chuyện mớm cơm cho con là hoàn toàn bình thường. Chính bản thân tôi ngày xưa cũng được mẹ mớm cơm cho ăn và tới giờ tôi vẫn còn nhớ rõ.
Tuy nhiên, thời gian thay đổi và kiến thức y khoa cũng thay đổi theo. Có những việc trong quá khứ nó là bình thường nhưng khi con người nghiên cứu sâu thêm về nó, điều đó có thể trở thành sai.
Đơn thuần mớm thức ăn cho bé, bạn “gửi” thêm 100 triệu vi khuẩn/mL nước bọt và gần chục loại có khả năng gây ung thư khác nhau.
Đôi khi, chúng ta thường cảm mạo đơn thuần nhưng việc mớm thức ăn cho con vô tình lây truyền mầm bệnh cho con.
Thực tế thì điều này rất khó nhận biết vì chúng ta thường không quan tâm đến những lần hắt hơi, sổ mũi nhẹ nhẹ của người lớn, nhưng đối với trẻ nhỏ thì đó là cả một vấn đề.
Tiếp theo là con vi khuẩn gây loét và ung thư dạ dày Helicobacter pylori (Hp). Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa, gan mật cũng cho thấy, có đến 96.2% trẻ em Việt Nam dưới 8 tuổi bị nhiễm Hp. Nghĩa là trong 100 trẻ Việt Nam dưới 8 tuổi, chỉ có 4 trẻ không nhiễm Hp. Bạn có chắc con bạn là 1 trong 4 bé đó?” – BS Nguyễn Thanh Sang chia sẻ.
Chưa hết, việc mớm thức ăn cho trẻ, cho trẻ ăn chung bát, thìa, đũa, hôn môi trẻ… còn có thể làm trẻ bị nhiễm virus HPV.
Bác sĩ Sang thông tin thêm, HPV có thể gây ra hơn 6 loại ung thư khác nhau như ung thư cổ tử cung, tử cung ở nữ; ung thư dương vật ở nam; ung thư hầu họng và trực tràng…
Cha mẹ có chắc rằng người đang ôm hôn bé hoàn toàn không nhiễm HPV, đặc biệt là thói quen sinh hoạt tình dục của người Việt Nam đã thay đổi nhiều thời gian qua nên tỷ lệ HPV hầu họng đã tăng hơn nhiều trong quá khứ.
Ngoài ra, khi đi vệ sinh, khi bị tiêu chảy…, người lớn có chắc rửa sạch tay trước khi chạm bé? Hay là rửa đơn thuần bằng nước sạch rồi lao ra ôm hôn bé.
Vô vàn những nguy hiểm rình rập trẻ từ những thói quen xấu của người lớn. Vậy nên, để bảo vệ con khỏi bệnh tật, người lớn cần bỏ ngay những thói quen xấu dưới đây:
- Không mớm đồ ăn bằng miệng cho bé
- Không kiểm tra độ nóng thức ăn, sữa, hay bất kỳ thứ gì bé ăn uống bằng chính miệng của mình.
- Không nên dùng thìa, đũa của mình đang ăn đút thức ăn cho bé
- Không nên để người lớn vô tư hôn miệng bé
- Không nên dùng chung chén bát dĩa trẻ em và người lớn
- Nên rửa tay sạch sẽ sau khi hắt xì, ho, sổ mũi, đi vệ sinh
- Nếu trẻ được 6 tháng tuổi và bắt đầu ăn dặm. Cha mẹ hãy nấu cho con một món bột hơi đặc và để tự nguội, không dùng miệng thổi. Khi nguội, đút cho bé từng thìa một, không ngậm vào miệng mình trước rồi mới đút cho bé.