Tiết canh Việt Nam lọt top 100 món ăn tệ nhất thế giới

Bình luận

Tiết canh gây nhiều tranh cãi vì cách ăn sống, nguy cơ hấp thụ vi khuẩn gây hại vì không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cẩm nang ẩm thực Taste Atlas mới đây công bố danh sách 100 món ăn tệ nhất thế giới. Đáng chú ý, danh sách có sự góp mặt của món tiết canh Việt Nam, đứng thứ 52 và đạt 2,7 sao trên 5.

b826363e756642438dd7ecb9470d0a44

"Món ăn có màu đỏ rực rỡ được chế biến từ máu tươi của động vật hãm với nước mắm. Tiết được nêm nếm và trộn với nhân là nội tạng động vật băm nhỏ. Hỗn hợp khi đông lại sẽ giống bánh pudding đặc, thường ăn kèm lạc rang giã nhỏ, rau thơm. Món ăn này thường được chế biến vào những dịp đặc biệt ở Việt Nam", bài viết mô tả.

Để chế biến được món ăn này, người ta có thể sử dụng các loại tiết của các loại động vật như tiết ngan, tiết vịt, tiết dê, tiết lợn...

Tuy nhiên, Taste Atlas cũng lưu ý món ăn từng gây nhiều tranh cãi vì ăn sống, nguy cơ ăn phải vi khuẩn gây hại, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đây không phải lần đâu tiên món tiết canh bị đưa vào danh sách những món ăn tệ nhất thế giới. Trước đó vào tháng 3/2024, Taste Atlas cũng công bố danh sách 45 món ăn được xem là tệ nhất của Việt Nam đối với khách nước ngoài. Trong đó, món tiết canh đứng thứ 2, sau bánh đậu xanh.

Được thành lập năm 2015, Taste Atlas kết nối 9.000 nhà hàng địa phương, giới thiệu hơn 10.000 món ăn với độc giả toàn cầu dựa trên hàng nghìn đánh giá, nghiên cứu của các chuyên gia ẩm thực, đầu bếp.

Đứng đầu danh sách 100 món tệ nhất 2025 trên thế giới theo đánh giá của Taste Atlas là món bánh Blodpalt, món ăn nổi bật ở các vùng phía bắc của Thụy Điển và Lapland của Phần Lan.

Blodpalt được đánh giá là món ăn bổ dưỡng, nhưng không được lòng du khách quốc tế bởi bánh được chế biến từ bột lúa mạch đen hoặc lúa mạch và trộn với máu động vật.

Bạn đang xem bài viết Tiết canh Việt Nam lọt top 100 món ăn tệ nhất thế giới tại chuyên mục Dinh Dưỡng của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].
Anh Thịnh