Trẻ chậm nói: Nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và phương pháp điều trị hiệu quả nhất

Ngày càng nhiều trẻ em chậm nói. Các mẹ không nên chủ quan song cũng không nên quá lo lắng về chứng chậm nói của trẻ.

Trẻ bi bô những âm thanh đầu tiên luôn là giây phút tràn đầy hạnh phúc với cha mẹ

1. Sự khác nhau giữa ‘khả năng nói’ và ‘khả năng ngôn ngữ’

Khả năng nói: là việc thể hiện một ngôn ngữ và phát âm (nói đúng các âm và từ)

Khả năng ngôn ngữ: là khả năng sử dụng một hệ thống biểu đạt và tiếp nhận thông tin, theo một cách có nghĩa.

Khi trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ nghĩa là bé đã biết cách nghe, hiểu thông tin từ mọi người và làm cho mọi người hiểu được mình thông qua giao tiếp.

Khả năng ngôn ngữ của bé bao gồm cả dùng ngôn từ để thể hiện, dùng ngôn ngữ cơ thể và sau này là viết.

2. Chậm nói hay chậm phát triển ngôn ngữ là gì?

Mặc dù khả năng nói và phát triển ngôn ngữ là khác nhau, nhưng vẫn có những điểm trùng lặp. Cụ thể là:

Khi trẻ chậm phát triển ngôn ngữ: bé có thể phát âm các từ tốt nhưng chỉ có thể ghép 2 từ vào với nhau.

Khi trẻ chậm nói: bé có thể sử dụng một số từ, cụm từ để thể hiện ý tưởng nhưng… rất khó để hiểu được

3. Các mốc phát triển cần lưu ý:

Mặc dù có sự sai khác, nhưng đây là những mốc thời gian cơ bản trong quá trình lớn lên của trẻ liên quan đến tập nói cha mẹ cần xem xét:

Trước 12 tháng:

Cho tới khi sinh nhật 1 tuổi, bé cần biết cách sử dụng các âm thanh để tương tác. Ví dụ, hét lên hoặc bập bẹ là những bước đầu tiên của phát triển khả năng nói.

Tầm 9 tháng, nhiều trẻ bắt đầu biết ghép các âm với nhau, thanh điệu cũng thay đổi đa dạng, có thể nói vài từ như ‘mẹ’, ‘ba’, ‘bà’… (mặc dù không hiểu nghĩa).

Trước khi 12 tháng, trẻ cũng bắt đầu thể hiện sự chú ý với âm thanh và bắt đầu nhận ra tên gọi của một số con vật, đồ vật quen thuộc (ví dụ: cá, kẹo, cái tu ti – bình sữa…)

Những trẻ có thể nhìn rất chăm chú nhưng không phản ứng với âm thanh vào độ tuổi này có thể là dấu hiệu của bệnh khiếm thính, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám kịp thời.

Từ 12 tới 15 tháng:

Vào tầm tháng tuổi này trẻ đã phát triển một hệ thống các âm thanh khá đa dạng, bé thường bập bẹ bắt chước theo những từ dễ phát âm.

Một số bé bập bẹ được từ có hai hoặc nhiều âm tiết. Thường thì các bé sẽ học được các danh từ trước, đặc biệt là những gì quen thuộc, như: bộ phận cơ thể (tai, mũi, đầu…), đồ chơi (búp bê, bóng).

Sau đó, bé có thể hiểu và thực hiện những yêu cầu động tác đơn giản chỉ gồm một bước, như: ‘Chỉ cho mẹ con mèo nào!’, ‘Búp bê của con đâu?’…

Từ 18 đến 24 tháng:

Hầu hết các bé có thể nói khoảng 20 từ khi 18 tháng tuổi và đạt tới 50 từ hoặc hơn khi 24 tháng tuổi

Tuổi lên 2 đánh dấu mốc quan trọng trong phát triển khả năng nói. Bé bắt đầu biết ghép 2 từ với nhau để tạo thành câu đơn giản, ví dụ: ‘Bé khóc’ hoặc ‘Bố béo’…

Một em bé 2 tuổi sẽ nhận ra những đồ vật quen thuộc trong đời thực cũng như trong tranh ảnh, biết chỉ vào mắt, tai, mũi khi được hỏi, và thực hiện được những yêu cầu gồm 2 bước, ví dụ: ‘Nhặt đồ chơi và đưa cho mẹ nào!’.

Từ 2 đến 3 tuổi:

Các bậc cha mẹ của trẻ con tuổi này sẽ ‘choáng’ với tốc độ phát triển ngôn ngữ của bé. Vốn từ của trẻ mầm non sẽ phát triển đến một mức độ không thể đếm được số từ và các bé dần dần biết kết hợp 3 từ hoặc nhiều hơn nữa trong một câu.

Khả năng nghe hiểu của bé vào tuổi lên 3 rất phát triển, trẻ có thể hiểu được các yêu cầu tương đối phức tạp, như: ‘Đặt cái đĩa này lên bàn đi con!’, ‘Cho quả bóng và góc nhà nào!’…

Trẻ cũng có khả năng nhận ra màu sắc, hiểu các câu miêu tả (ví dụ: to – nhỏ, cao – thấp,…)

4. Cần đi gặp bác sĩ khi trẻ có các dấu hiệu sau:

- Tới 12 tháng tuổi vẫn chưa biết dùng các ký hiệu, ví dụ dùng ngón trỏ chỉ một đồ vật hoặc vẫy tay để bye-bye

- Tới 18 tháng tuổi vẫn thích dùng ngôn ngữ ký hiệu hơn là nói

- Tới 18 tháng: gặp khó khăn khi bắt chước âm thanh, gặp khó khăn trong việc hiểu các yêu cầu bằng lời nói đơn giản

- Tới 24 tháng: Chỉ có thể bắt chước cách nói hoặc hành động và không tự tạo ra các từ hoặc cụm từ.

Chỉ nói một vài âm thanh hoặc lời nói lặp lại và không thể sử dụng ngôn ngữ nói để truyền đạt nhiều hơn nhu cầu của mình.

Không thể làm theo hướng dẫn đơn giản.

Có tông giọng không bình thường (chẳng hạn như nghe có vẻ thô bạo hoặc giọng mũi).

- Cha mẹ và người chăm sóc thường xuyên cần hiểu khoảng một nửa ý nói của một đứa trẻ 2 tuổi và khoảng ba phần tư khi bé 3 tuổi.

- Khi 4 tuổi, trẻ cần được hiểu nhiều nhất, ngay cả bởi những người không biết đứa trẻ.

 Ở mỗi lứa tuổi trẻ cần đạt được những kỹ năng ngôn ngữ nhất định

5. Vì sao bé chậm nói?

- Do cấu trúc của lưỡi, vòm miệng của bé có vấn đề

- Do khuyết tật trong phối hợp giữa não với môi, lưỡi và hàm để tạo ra âm thanh.

- Các vấn đề về thính giác cũng thường liên quan đến việc nói chậm. Nhiễm trùng tai, đặc biệt là nhiễm trùng mãn tính, có thể ảnh hưởng đến thính giác.

6. Làm thế nào để bác sĩ chẩn đoán bé có chậm nói hay không?

Các bác sĩ nhi khoa chuyên về tai mũi họng, có thể bao gồm cả các bác sĩ chuyên về thần kinh, chuyên gia về ngôn ngữ…sẽ xem xét sự phát triển khả năng nói và ngôn ngữ của bé. Các thông tin cơ bản bác sĩ sẽ tìm hiểu bao gồm:

-  Khả năng hiểu của bé

-  Khả năng nói (biểu đạt) của bé

-  Khả năng nghe

-  Khả năng phát âm

-  Tình trạng răng miệng của bé (miệng, lưỡi, vòm miệng… và cách mà các bộ phận này phối hợp để nói cũng như ăn, nuốt)

Dựa vào các kết quả xét nghiệm, các bác sĩ sẽ có thể kết luận bé có vấn đề hay không và hướng điều trị cho bé, nếu cần.

Cha mẹ có thể dạy bé ngôn ngữ từ những hoạt động thường ngày 

7. Cha mẹ cần làm gì để giúp bé nhanh biết nói

Một số cách sau có thể hữu ích với việc phát triển khả năng nói và ngôn ngữ cho trẻ:

Dùng nhiều thời gian để trò chuyện với con. Ngay cả khi bé còn sơ sinh, hãy nói chuyện, hát và khuyến khích trẻ bắt chước các âm thanh và cử chỉ.

Đọc sách cho bé: Có thể đọc cho trẻ khi bé mới được vài tháng tuổi. Nên lựa chọn loại sách phù hợp với từng mốc phát triển của bé, sách có nhiều tranh và khuyến khích trẻ theo dõi khi bạn chỉ vào tranh.

Cha mẹ có thể bắt đầu với sách vải, loại sách trẻ có thể chạm vào, nghe thấy âm thanh sột soạt… Chắc chắn bé sẽ rất hào hứng đấy!

Sau đó, vào tuổi lên 2, trẻ có thể bắt đầu với việc tham gia vào câu chuyện: gọi tên các nhân vật trong tranh, đoán biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Dạy bé nói trong những tình huống đời thường: Bất cứ ở đâu bé cũng có thể học hỏi. Ví dụ bạn giải thích mẹ đang làm gì khi trong nhà bếp, chỉ cho bé các loại thức ăn, gọi tên và màu sắc từng loại thức ăn trong siêu thị, giới thiệu các đồ dùng trong nhà, các âm thanh mà con nghe thấy…

Điều đáng lưu ý là, cha mẹ đừng bắt chước ‘ngọng nghịu’ như trẻ. Cách làm này dường như khá vui nhưng lại không hữu ích.

Phương Phương/giadinhmoi.vn