Trên mạng xã hội, sản phẩm thực phẩm chức năng SCurma Fizzy được quảng cáo như một loại thuốc chữa bệnh, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.
Hiện trên trang facebook có tên "Viên sủi Nano Curcumin hướng đích" đang rầm rộ quảng cáo sản phẩm SCurma Fizzy xóa tan nỗi lo trào ngược dạ dày, viêm loét dạ dày tá tràng với đột phá công nghệ mới.
Một số trang facebook khác thì quảng cáo với nội dung viên sủi SCurma Fizzy là một đột phá mới trong điều trị bệnh dạ dày, trào ngược. Nội dung các bài viết không hề đề cập đến việc sản phẩm SCurma Fizzy là thực phẩm chức năng, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.
Trên một số website, sản phẩm này còn được quảng cáo bằng cách sử dụng ý kiến của nghệ sĩ, người bệnh và cả chuyên gia y tế khiến nhiều người lầm tưởng SCurma Fizzy là một loại thuốc điều trị bệnh đau dạ dày. Cách làm này vi phạm những quy định về quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Bên cạnh đó, sản phẩm Scurma Fizzy còn được quảng là đánh dấu bước đột phá trong công nghệ bào chế hiện đại, được khẳng định là sản phẩm đầu tiên ở Việt Nam được bào chế thành công dưới dạng viên sủi.
Được biết, sản phẩm nói trên được Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cấp Xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm ngày 27/06/2017 do ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng ký. Như vậy có thể khẳng định, viên sủi Scurma Fizzy chỉ là một loại thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe chứ không phải là thuốc chữa bệnh như lời quảng cáo trên facebook.
Về giá của sản phẩm, một hộp (gồm 2 vỉ, mỗi vỉ 10 viên) hiện đang được một số nhà thuốc bán với giá 250.000 đồng đến 270.000 đồng/hộp.
Liên quan đến vấn đề sản phẩm đang được quảng cáo gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh, đại diện Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, cơ quan này đã tiếp nhận thông tin nhiều trang mạng quảng cáo thực phẩm chức năng Scurma Fizzy như thuốc chữa bệnh và đang tiến hành điều tra, xác minh.
Tại Điều 5, Nghị định 181/2013/NĐ-CP Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quảng cáo 2012 của Quốc hội có quy định không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc” và các quảng cáo phải nêu rõ “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.
Bên cạnh đó, thông tin quảng cáo về nhãn hàng còn đưa tin: Đại học Quốc Gia Hà Nội phối hợp với Viện Hóa Học – Viện Hàn Lâm KH&CN Việt Nam đã tổ chức hội thảo công bố “Đột phá công nghệ hướng đích trong điều trị bệnh”.
Tuy nhiên thông tin từ Viện Hóa Học – Viện Hàn Lâm KH&CN Việt Nam cho hay đơn vị này chỉ chuyển giao độc quyền và duy nhất chế phẩm nano curcumin cho 1 công ty vào năm 2013; công ty này không phải là công ty Elepharm và cũng không có đề tài nào tên là “Nano curcumin hướng đích”.
Việc mạo danh sản phẩm là sự hợp tác nghiên cứu của Viện Hóa Học – Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, ĐH QGHN, Đại học Dược Hà Nội in lên vỏ hộp là một thông tin không chính xác, nhằm mục đích che mắt người tiêu dùng và rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc, tránh để người tiêu dùng bị lừa bởi những thông tin không chính thống.