Thói quen dùng đũa của người Việt và nguy cơ bất ngờ tới sức khỏe

Thói quen dùng một đầu đũa để và cơm, gắp thức ăn của người Việt tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh tật, nhất là các bệnh lây qua đường hô hấp, tiêu hóa.

Nguy cơ cao lây nhiễm bệnh đường hô hấp, bệnh đường tiêu hóa

Khi ăn cơm người Việt thường dùng một đầu đũa để và cơm, gắp thức ăn lên miệng, rồi cũng chính đầu đũa đó lại dùng để gắp các thức ăn chung. Thậm chí, có những người tỏ ra quan tâm người khác dùng đũa mình đang ăn để gắp thức ăn cho người kia.

Đây là thói quen không tốt, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh nếu người gắp mang mầm bệnh truyền nhiễm trong người.

Thói quen dùng đũa của người Việt tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh tật. Ảnh minh họa

TS.Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho hay, ăn đũa một đầu, tức là chỉ dùng một đầu đũa để gắp đồ ăn, để và cơm luôn tồn tại nguy cơ mắc bệnh liên quan tới vi khuẩn, virus chưa kể các nguy cơ khác.

Nhất là khi dịch bệnh COVID-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp thì thói quen này của người Việt có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh rất cao.

Bởi khi dùng đũa gắp thức ăn đưa vào miệng thì đầu đũa sẽ dính nước bọt, nếu lại dùng đầu đũa đó để gắp thức ăn chung, chấm chung vào bát nước chấm, gắp rau trong bát canh sẽ tạo điều kiện cho virus trong nước bọt hòa vào bát gia vị, hòa vào bát nước canh và lây bệnh cho người khác.

Bên cạnh việc nguy cơ lây nhiễm COVID-19 thì thói quen ăn đũa một đầu, ăn uống chung đụng còn có thể dẫn tới mắc mụn rộp do virus Herpes, mắc bệnh đường tiêu hóa liên quan tới vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori).

Nguyên nhân là do vi khuẩn này có trong nước bọt của người bệnh và sẽ lây truyền qua người khác thông qua ăn uống, giọt bắn nước bọt, dịch tiêu hóa…

Bỏ thói quen ăn uống chung đụng để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ảnh minh họa

Bỏ thói quen xấu để tránh lây nhiễm bệnh

Để phòng ngừa dịch bệnh, TS.Từ Ngữ khuyến cáo, trong ăn uống cần:

- Hình thành thói quen giữ vệ sinh cá nhân, tránh ăn chung đụng

- Ăn đũa hai đầu, một đầu gắp thức ăn và một đầu đưa cơm vào miệng

- Nếu có điều kiện, nên dùng phần ăn riêng, nhất là nước chấm

- Với những món ăn bắt buộc phải dùng chung, nên để vào đó một chiếc thìa sạch và quy ước là dùng chung 

- Không nên dùng chung cốc uống nước để đảm bảo vệ sinh cho mình và người khác

- Duy trì thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

- Hạn chế ăn uống ở hàng quán, nhất là các quán vỉa hè...

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan