Mùa đông lại đến, người cha già chọn từng chiếc áo ấm được trao từ các tổ chức từ thiện, vừa chọn ông vừa gọi tên mỗi đứa trẻ lên ướm cho chúng. Nhận được áo, mỗi đứa trẻ lại mang vào tủ xếp gọn. Ông Chắt đã chăm lo từng chút một cho những đứa trẻ ông nhận nuôi. Đến nay, nhiều người đã lớn và có công việc ổn định.
Tạo mái ấm hy vọng cho những đứa trẻ đặc biệt
Một bình minh đến với Trung tâm Hy vọng Lạng Sơn, chứng kiến những đứa trẻ nhỏ đang ngồi chơi dưới sân. Ông Chắt cùng với những đứa lớn hơn đang chăm sóc cho hàng rau ngoài vườn.
Dưới mái ấm “Hy vọng” người cha già dạy cho những đứa trẻ nề nếp sinh hoạt trong quân đội, không nghiêm khắc nhưng luôn đúng giờ, đủ giấc và đầy đủ bữa ăn, áo ấm để mặc. Ông Chắt thành lập 3 ngôi nhà để nhận nuôi dưỡng những đứa trẻ gia đình không có khả năng nuôi dưỡng: Trung tâm Hy vọng Tiên Cầu, Trung Tâm Hy vọng Lộc Bình, Trung tâm Hy vọng Lạng Sơn.
Hơn 20 năm qua, người cha già đã nuôi dưỡng, chăm lo cho hơn 300 trẻ, nhiều em đã trưởng thành, người lập gia đình, người đi đại học, người trở thành giáo viên, công an, bộ đội…
Kể về hành trình gieo “Hy vọng” cho những đứa trẻ đặc biệt, ông Chắt cho biết, trước kia ông là bộ đội biên phòng công tác tại vùng biên giới Lạng Sơn. Năm 1983, ông chuyển công tác về Tổng cục an ninh.
Ông nghỉ hưu năm 1997, trong quá trình công tác tại vùng biên giới Lạng Sơn, ông được đi nhiều nơi, thấy được nhiều hoàn cảnh éo le, khổ cực cùng với nhiều mảnh đời bất hạnh.
Mong muốn những đứa trẻ không phải sống thiếu thốn, ông luôn thôi thúc phải làm điều gì để giúp đỡ những mảnh đời éo le đó. Gần nửa đời người phụng sự cho Tổ quốc, sau khi nghỉ hưu, ông đi làm thêm kinh tế để ổn định gia đình, sau đó dành dụm tiền để thực hiện xây nhà nuôi các em.
Năm 2002, ngôi nhà đầu tiên được ông xây dựng tại quê huyện Tiên Cầu, tỉnh Hưng Yên, tiếp nhận 24 em, sau đó mái ấm hy vọng của ông được nhiều người biết đến. Họ tìm đến ông để nhận được sự giúp đỡ cho các em, ông thành lập thêm Trung tâm Hy vọng Lộc Bình, Trung tâm Hy vọng Lạng Sơn. Hiện nay, ông Chắt đang nuôi dưỡng gần 80 trẻ ở các độ tuổi khác nhau ở cả 3 Trung tâm.
Ngay sau khi thành lập Trung tâm đầu tiên tại huyện Tiên Cầu, tỉnh Hưng Yên, ông Chắt lấy cái tên là “Hy vọng” với mong muốn những đứa trẻ được trưởng thành từ trung tâm sẽ lớn lên mang theo nhiều hy vọng.
“Trước khi xây dựng trung tâm tôi đã suy nghĩ rất nhiều về tên gọi của trung tâm. Dù các em ở đây mồ côi nhưng tôi không muốn các em sau này rời khỏi đây vẫn mang danh sống tại trung tâm mồ côi. Tên hy vọng có ý nghĩa rằng các em có quyền được hy vọng vào tương lai mai sau. Không chỉ vậy người lớn cũng sẽ hy vọng các em có thể trưởng thành trong mái ấm tình thương”, ông Chắt chia sẻ.
Những đứa trẻ màn trời chiếu đất được ông Chắt nhận nuôi, mỗi đứa trẻ có số phận khác nhau, có em mồ côi cha lẫn mẹ, có em có người thân nhưng không đủ điều kiện nuôi dưỡng. Cuộc đời nợ các em một tuổi thơ trọn vẹn, nhưng đến với tình thương của người cha không máu thịt, cho các em tình thương, mái ấm và môi trường tốt để học tập.
“Tôi xót xa khi nhìn thấy những em bé không được chăm sóc, lang thang rồi trộm cắp. Tôi nhận các cháu về nuôi để các cháu có môi trường tốt, có điều kiện để đi học, được cải thiện về đời sống, phát triển tinh thần, thể chất, mong các cháu được bình đẳng như các trẻ em khác. Tôi làm công việc này cũng xuất phát từ việc mình lớn lên có tuổi thơ, cũng giống như những đứa trẻ khác, chúng cần sự chăm sóc của người lớn mới có thể lớn lên và trở thành người tử tế”, ông Chắt bày tỏ.
Một ngày mùa đông của những đứa trẻ tại trung tâm thường bắt đầu vào lúc 5 giờ 30 sáng, mùa hè sớm hơn 30 phút. Đứa lớn dậy lo phụ giúp nấu đồ ăn sáng, đứa nhỏ hơn thì dậy vệ sinh cá nhân, quét dọn sân vườn. Sau khi ăn sáng xong lại cùng nhau đến trường.
Nói về thời gian biểu của những đứa trẻ, ông Chắt cho biết: “Mỗi tiếng kẻng vang lên là một thông báo: kẻng thức dậy, kẻng ăn cơm, kẻng học bài, kẻng đi ngủ. Các cháu ở đây đều phải học cách tự lập như tự tăng gia sản xuất, rau thì mua hạt rồi tự trồng lấy ăn, chăn gà, chăm sóc vườn để có trái ngọt. Buổi tối khi tiếng kẻng học bài vang lên, mỗi đứa lại ngồi vào bàn để tự học bài, đấy là cách tôi rèn luyện tính độc lập cho các cháu”.
Ngoài việc chăm sóc, người cha già Nguyễn Trung Chắt coi giáo dục là việc quan trọng, ban đầu khi mới nhận các em, có những đứa trẻ nghịch ngợm đến mức sa lầy. Nhiều em sau vài tháng được giáo dục, chín chắn hơn. “Các em vào đây, ngoài việc chăm sóc ra phải nuôi dạy chúng trở thành người tốt. Khi đủ 18 tuổi tùy vào sở thích mỗi em mà tôi quyết định cho các em đi học đại học hoặc học nghề”, ông Chắt tâm sự.
Người con trở về với hy vọng
Với ông Chắt, tạo mái ấm cho những đứa trẻ mồ côi để giúp chúng xóa đi mọi mặc cảm, ký ức không tốt của một tuổi thơ không trọn vẹn, tạo mái ấm cũng chính là tạo ra một cuộc đời mới cho những đứa trẻ. Dưới sự nuôi nấng và dạy bảo từ người đàn ông, những đứa trẻ ngày nào giờ đã có công việc ổn định, tự lập cuộc đời mới.
Có người lựa chọn quay trở lại với “Hy vọng” để tiếp tục gieo “Hy vọng” đến những em nhỏ cùng cảnh ngộ. Được đón vào trung tâm từ năm 11 tuổi, anh Ngô Quốc Hưng (31 tuổi), một trong những người con đầu tiên bước ra từ mái ấm hy vọng. Không tham vọng đi tìm công việc khác, vừa tốt nghiệp ra trường anh Hưng chọn ở lại cùng ông Chắt để chăm lo các em. Hiện anh đang giúp ông Chắt quản lý trung tâm Hy vọng Lộc Bình.
“Tôi lớn lên tại Trung tâm Hy vọng Lộc Bình, được bác Chắt cho ăn học đầy đủ. Mỗi người ai cũng có ước mơ riêng, trong quá trình học tại đây, tôi đã xác định sau này quay trở lại gắn bó cùng bác Chắt, vì vậy sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội tôi chọn quay về trung tâm. Trở về đây cũng chính là trở về nhà”, anh Hưng chia sẻ.
Chị Nông Thị Duyên (SN 1991) cho biết: “Từ khi còn nhỏ, tôi được bác Chắt nuôi dưỡng, tôi làm việc ở đây là một người con trưởng thành quay về chăm sóc gia đình. Bác Chắt là người cưu mang và cho tôi mái ấm cũng cũng như sự trưởng thành như ngày hôm nay. Dù không máu mủ nhưng bác như người cha của tôi, nuôi nấng tôi trưởng thành”.
Nửa đời người phụng sự Tổ quốc, lúc về già tiếp tục giúp ích cho xã hội. Đối với ông, món quà lớn nhất hơn 20 năm qua từ khi mở trung tâm tới giờ đó chính là sự trưởng thành của những đứa trẻ. “Tôi hạnh phúc khi những đứa bé ngày nào giờ đã lớn khôn, trở thành người tử tế, có cuộc đời mới, công việc ổn định. Tôi cũng đã già, còn sức khỏe vẫn còn chăm cho các em được, chỉ mong sao các em khỏe mạnh, vui vẻ lớn lên”, ông Chắt nói.
Tấm gương ông Nguyễn Trung Chắt cùng ngôi nhà hy vọng đã thắp lên tình thương cho những hoàn cảnh tưởng chừng như éo le, cứu rỗi cuộc đời của hàng trăm đứa trẻ.