Thẩm mỹ viện, spa lừa đảo: Mỡ nhân tạo - 'vỏ bọc hoàn hảo' của silicon rẻ tiền

Ngay khi y văn, khoa học chưa công nhận và sáng chế ra mỡ nhân tạo nhưng nhiều bà chủ spa, thẩm mỹ viện thiếu uy tín, không có trình độ lại vô tư quảng cáo, tiêm các chất này vào cơ thể khách hàng.

Gia Đình Mới đăng tải loạt bài viết về Thẩm Mỹ Viện Lừa Đảo, mời bạn đọc theo dõi chuyên đề TẠI ĐÂY

Bàn tay của cô gái 25 tuổi biến dạng sau tiêm mỡ nhân tạo tại một spa, cơ sở thẩm mỹ viện thiếu uy tín
Xem thêm

Mỡ nhân tạo - chất liệu mới để thẩm mỹ viện "chém gió"

Sở dĩ khách hàng chọn mỡ nhân tạo vì chi phí rẻ gấp nhiều lần so với phẫu thuật nâng ngực và tiêm filler chất lượng. Như tiêm filler, giá chuẩn phải rơi vào khoảng 5 triệu đồng/mililit thì mỡ nhân tạo chỉ khoảng vài trăm nghìn/mililit và trong khi phẫu thuật nâng ngực phải mất tiền chục, trăm triệu đồng thì tiêm nâng ngực chỉ nhỉnh hơn chục triệu đồng.

Một cô gái sinh năm 1994 mong muốn có bộ ngực đầy đặn, đôi bàn tay không còn gân guốc nên tìm đến một cơ sở spa tại Tây Ninh để làm đẹp. Tại đây, bạn gái được giới thiệu tiêm mỡ nhân tạo vì có chi phí rẻ, bộ ngực chỉ khoảng 12 triệu đồng và đôi bàn tay chỉ 3 triệu đồng.

Tuy nhiên, chưa đầy một tháng, phần ngực và hai mu bàn tay của người này có dấu hiệu sưng đỏ bất thường, dần rỉ dịch nước và biến dạng sần sùi, nhiều ổ mủ. 

Trước đó, chị T.M.N. (31 tuổi, ở tại Sóc Trăng) nghe bạn bè giới thiệu, chị đến một thẩm mỹ viện ở An Giang để nâng ngực. Sau 3 ngày can thiệp, bệnh nhân cảm thấy hai vú bắt đầu sưng đau, co cứng, đau nhức ngày càng tăng. Bệnh nhân đã đến khám cấp cứu và nhập viện tại bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ trong tình trạng 2 vú căng cứng sưng đỏ sậm toàn bộ, hoại tử da, biến dạng, nhiều lổ rò dịch đục xung quanh vú.

Sau khi nhập viện chị được bác sĩ khám, kiểm tra và chẩn đoán Abcess và hoại tử vú, mô tuyến vú hai bên sau bơm mỡ nhân tạo. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu. Do mô hoại tử xâm lấn xuống cơ ngực lớn, hai vú được can thiệp lấy bỏ gần như hoàn toàn da và mô tuyến vú đã hoại tử.           

Gần đây, rất nhiều trường hợp nạn nhân của tiêm mỡ nhân tạo đã phải nhanh chóng nhập viện gấp vì biến chứng. Người tiêm cằm bị hỏng cằm, tiêm mũi hỏng mũi, tiêm ngực, mông hay tay cũng đều không tránh khỏi kết quả kể trên. Tất cả đều phải vào viện làm phẫu thuật nạo vét phần chất lỏng đã đưa vào cơ thể, điều trị nhiễm trùng…

Xem thêm

Mỡ nhân tạo vỏ bọc hoàn hảo của silicon rẻ tiền

Trao đổi với phóng viên Gia Đình Mới, PGS. TS. BS. Đỗ Quang Hùng - Trưởng khoa Tạo hình Thẩm mỹ BV Chợ Rẫy cho biết, hiện nay trong giới làm đẹp rộ lên thuật ngữ mỡ nhân tạo. Tuy nhiên có một nghịch lý là khoa học, y học chưa sáng chế ra loại chất này.

Trong quá trình xử lý nhiều ca tai biến của loại dịch vụ này, bác sĩ nhận định, mỡ nhân tạo thực chất là một cách “bịp” người tiêu dùng của các cơ sở lừa đảo. Mỡ nhân tạo sau khi nạo vét từ cơ thể bệnh nhân, tiến hành xét nghiệm được xác định là silicon. 

Nhiều trường hợp, mỡ nhân tạo được lấy từ một số bệnh nhân chưa xác định rõ được nguồn gốc là loại chất gì. 

Chuyên gia chia sẻ, hiện nay trên thế giới, silicon đã bị cấm sử dụng do nó có quá nhiều các biến chứng nguy hiểm. Vì lẽ đó, nhiều chủ cơ sở phải thay tên cho loại chất này để hợp thức hoá sử dụng. 

Theo PGS. TS Đỗ Quang Hùng, với những bệnh nhân gặp biến chứng sau khi tiêm mỡ nhân tạo thường xuất phát từ hai nguyên nhân, chính là chất đưa vào cơ thể chèn ép làm dập các mô hoặc xuất phát từ thao tác tiêm không đảm bảo vô trùng.

Và với những bệnh nhân bị biến chứng do loại chất này, ngoài tốn thêm chi phí giải quyết hậu quả còn phải chờ đợi nhiều tháng mới có thể tái tạo lại vùng thẩm mỹ bị hỏng.

Xem thêm

Mỡ nhân tạo nguy hiểm như thế nào?

BS.CKII. Tần Ngọc Sơn, Trưởng khoa Bỏng – Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, gần đây, bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp biến chứng do bơm trực tiếp mỡ nhân tạo vào các cơ quan như ngực, mông, môi… để làm đẹp.

Mỡ nhân tạo còn gọi là silicon lỏng khi tiêm vào cơ thể sẽ không khu trú tại một vị trí mà len lỏi vào các tổ chức mô, cơ quan tạo ra các u silicon nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như tắc mạch, hoại tử… một số trường hợp có thể dẫn đến tử vong.

Một combo gồm ngực và tay hỏng sau tiêm mỡ nhân tạo

Chính vì thế, từ năm 1991, FDA (Mỹ) đã tuyên bố cấm sử dụng silicon lỏng vào tổ chức cơ thể, sau đó Bộ Y tế đã đưa silicon lỏng vào danh sách các chất cấm sử dụng trong làm đẹp và phẫu thuật thẩm mỹ.

Chất liệu hiện nay thường được sử dụng là túi nâng ngực chứa silicon dạng gel hoặc nước biển sử dụng trong y tế, có cấu trúc ổn định và không gây ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ.

Xem thêm

Hồng Hải/giadinhmoi.vn

Tin liên quan