Trong mỗi lớp học, hơn chục học trò, mỗi đứa có một sở trường riêng. Và thầy cô giáo, cũng như hệ thống giáo dục có nghĩa vụ nương theo thế mạnh cá nhân của từng đứa học trò, phát triển chúng thành một con người theo đúng sở trường mà chúng có.
Khi lái xe chở cậu nhóc, mình hay hỏi nó chuyện ở trường. Nhân chuyện học toán, cậu nhóc kể: "Ngồi cạnh con là một thằng bạn người Brazil, nó đặc biệt… dốt môn toán, một bài 10 câu, nó may lắm thì giải được 3, trong đó có hơn 2 câu sai! Nó nói với con, tao học toán không được!"
Mình hỏi cậu nhóc: "Thế cậu ấy có hay… chép bài của con không, vì ngồi cạnh mà?" Cậu nhóc… ngơ ngác mất vài giây, rồi lắc đầu: "Không, không đời nào, ở lớp con không có ai chép bài của ai cả!"
Mình sực nhớ, nhưng hỏi thêm: "Do các bạn tự giác à?" Cậu nhóc lắc đầu: "Không, đâu có cần phải chép, vì mỗi người có sở trường riêng mà." Và cậu nhóc kể thêm, ví dụ cái cậu người Brazil kia, cậu ấy học… thể dục, chơi thể thao rất hay.
Vâng, đó là một thực tế. Trong mỗi lớp học, hơn chục học trò, mỗi đứa có một sở trường riêng. Và thầy cô giáo, cũng như hệ thống giáo dục có nghĩa vụ nương theo thế mạnh cá nhân của từng đứa học trò, phát triển chúng thành một con người theo đúng sở trường mà chúng có.
Ở kỳ trước mình đã kể, khi lên cấp trung học, mỗi học trò có quyền chọn những môn theo học mà chúng thích. Vì vậy, khi tốt nghiệp trung học, lên đại học, một đứa có thể… bơi rất giỏi, nhưng học toán ngang với một đứa vừa vô lớp 6! Không sao, nó sẽ trở thành vận động viên bơi lội. Và Michael Phelps thì không nhất thiết phải đem theo toán tích phân, hay hình học không gian nhảy xuống hồ bơi, để lượm cả rổ huy chương Thế vận hội.
Chính vì cách học, cách bước chân vào đời theo thế mạnh cá nhân, nên việc một ai đó bỏ ngang đại học, nhưng vẫn thành công là chuyện khá phổ biến ở Mỹ. Khi bước chân vô trường, tôi có quyền chọn môn học, chọn thầy dạy, cho đến một hôm, tôi thấy chẳng có môn nào, chẳng có thầy nào thích hợp với tôi thì tôi… tự làm thầy của mình. Việc này hoàn toàn bình thường, hay ít nhất cũng chẳng đáng ngạc nhiên lắm, so với những nơi có lối học hành, khởi nghiệp bắt buộc phải theo khuôn phép, theo hệ thống.
Và chính cách giáo dục này đã gần như loại bỏ hoàn toàn việc sao chép, đối phó một cách tự nhiên nhất. Người ta học khi cần, khi thích, khi hứng thú…
Nói thiệt tình, hồi trước, khi còn đi học, mình đã tự cho phép mình có cách học này. Mình xin nói thẳng ra ở đây, mà chẳng có gì phải xấu hổ, thuở đi học mình toàn quay cóp. 10 môn học ở trường, để vượt qua các kỳ thi, mình quay cóp hết 9 môn. Bởi mớ kiến thức ấy chẳng giúp gì cho mình hết.
Ngược lại, mình lại hứng thú, say mê trong việc tự học, thông qua đọc sách, chẳng ai bắt đọc cũng vẫn tự giác đọc. Và kết quả, mình đã học một đằng và coi như thành công một nẻo, bởi mình đã học theo cách mà mình hứng thú và đi theo được con đường do chính mình tự học.
Trở lại việc học của thằng nhóc. Vì ngay từ nhỏ, mỗi học trò được phép phát triển theo thế mạnh riêng, kỹ năng riêng, nên chính vì vậy các môn học không có môn nào là chính, môn nào là phụ. Khi bước chân vào đời, tạo thành một cộng đồng rộng lớn, cũng chẳng ai là chính, chẳng ai là phụ, mọi mắt xích cá nhân tự nhiên kết nối với nhau và mắt xích nào cũng quan trọng.
Có giáo sư toán học thì cũng có anh công nhân xây nhà. Có nhà văn Nobel thì cũng có chị kế toán. Và cũng một cách tự nhiên nhất, không ai mang mặc cảm, cũng chẳng ai dám vênh vang là nghề của tao sang trọng hơn nghề của mày.
Trong một công ty, sếp đối xử với nhân viên, nhân viên đối xử với sếp, nếu không bằng vai phải lứa thì chí ít cũng chẳng có gì phải quỵ lụy, mặc cảm, tươm tướp nghe lời. Vì sự tự tin, tự tôn đã là chuyện ăn vô máu.
Và hầu hết mọi nghề nghiệp, mọi mắt xích xã hội đều có nhân lực đáp ứng. Không hề có chuyện dư thừa hàng triệu cử nhân, nhưng lại thiếu hàng triệu công nhân kỹ thuật lành nghề - vì cái giá trị ảo, cứ phải cử nhân, giáo sư, tiến sĩ mới “mở mắt ra được với đời” - kết quả là tiến sĩ thì thừa, chẳng biết nhét vô đâu, trong khi công nhân kỹ thuật thì lại không biết kiếm chỗ nào để vận hành các nhà máy.
Và vì thế, trong hệ thống giáo dục, cũng vô cùng hiếm hoi việc, ai đó phải gian lận, đối phó trong thi cử, mua bán bằng cấp để đáp ứng một tiêu chí ảo nào đó, trong việc dấn thân. Mọi thứ phải là thực, dĩ nhiên phải là thực, vì cấu trúc xã hội, thiết chế giáo dục ngay từ nhỏ đã liên đới, cân bằng, tạo mọi điều kiện để cá nhân phát triển.
Tất nhiên, nền giáo dục ở Mỹ vẫn chưa hề hoàn hảo, nó vẫn còn những điểm yếu chỗ này, chỗ khác. Nhưng chí ít, cái nền tổng thể của nó là như vậy. Và xã hội tự do vận hành sẽ quay ngược lại điều chỉnh chính nền giáo dục ấy, bắt buộc nền giáo dục ấy phải tự điều chỉnh để thích nghi, nếu có chỗ nào đó chưa theo kịp.