Nước Mỹ, niềm ao ước du học của tôi khi bước chân vào sân chơi đại học. Nhưng tôi bỏ vị trí thủ khoa ở Đại học Khoa học Tự nhiên, mà học Sư phạm Hà Nội vì tôi đã sợ thất bại, như bố khuyên, “nghề giáo thời nào cũng cần con ạ. Làm giáo viên cho lành”.
Nhưng ước muốn du học khi ngồi trên ghế Sư phạm cứ thôi thúc hàng ngày. Phần lớn mọi người nghĩ học Sư phạm cho lành, cho nhàn, tôi nghe đủ rồi, và chẳng thích lành, cũng chẳng thích nhàn.
Dành hơn ba năm chuẩn bị, cố gắng ở Hà Nội, dát mặt chạy xe đi dạy thêm, đỡ đần sự trợ giúp của bố mẹ và cậu; ban ngày đi học thêm, trau dồi thêm ngay sau khi đã tốt nghiệp Sư phạm.
Cảm giác học để chuẩn bị cho cái gì đó thì vui, nhưng chờ đợi kết quả thì thực sự giống như ngồi trên đống lửa vậy, dễ bị suy sụp vô cùng. Suy sụp quá, tôi lấy xe máy chạy lên Chùa cách Hà Nội khá xa. Không khí thanh tịnh quanh Chùa thực sự làm tôi cảm thấy dễ chịu hơn.
Cảm giác khó chịu dần qua đi, thì gần 30 tết, nhận được kết quả vào học USC, và nói chuyện qua điện thoại với Stephan Haas, GS ở USC. Tôi bỏ không theo chương trình tuyển chọn của VEF nữa, mà tự đi con đường riêng, tự xoay sở.
Sang tới Mỹ, mọi khó khăn còn chưa định hình. Lúc đó ở USC chưa ai làm xong PhD cả, không ai biết khó khăn thế nào. Thời điểm tôi vào USC thì kinh tế Mỹ bắt đầu đi xuống. Lúc đó thì chỉ có quan tâm tới học, tìm lab thật tốt, giáo sư thật giỏi.
Tôi đã không chọn được giáo sư tốt ngay từ đầu, cũng không dám bỏ ông sớm hơn, mà phải đến lúc “cực chẳng đã"
Tôi nghĩ tôi chỉ cần giáo sư giỏi là ổn, còn ông ấy khó thế nào tôi cũng làm được. Tôi ngắm một ông trong khoa vì ông muốn chọn sinh viên giỏi nhất của khoa vào nhóm. Vì ông có tiền, chắc là giỏi, nên tôi nghĩ làm việc với ông chắc sẽ tốt cho tương lai.
Tôi và một đứa bạn khác người Trung Quốc được ông nhận vào nhóm. Cũng tự hào lắm! Nhưng được hai năm làm việc với ông, tôi nhận ra những điều bất thường về cách ông hướng dẫn ba người học trò của ông (tôi, người bạn Trung Quốc, và người bạn Iran khoá trước).
Tuần nào chúng tôi cũng phải gửi “report” cho ông vào đầu tuần để báo cáo tuần trước làm gì. Khi gặp khó khăn hướng dẫn học trò, ông thường so sánh có ý làm giảm ý chí của chúng, coi thường học trò, và không quan tâm gì tới chúng nghĩ gì, khó khăn ra sao, tương lai thế nào.
Nhưng lúc đó thì tôi vẫn nghĩ chắc là ông muốn có kết quả tốt hơn nên khắt khe vậy, và tôi phải cố gắng nhiều hơn nữa mới được.
Khi ông không thấy người bạn Trung Quốc làm ra kết quả như ý, ông bảo anh ra khỏi nhóm khi mới vào làm được một năm. Rồi người bạn Iran bỏ ông khi anh ta ở năm thứ 5 PhD. Đó là một quyết định vô cùng khó khăn với anh vì kinh tế Mỹ đang ở mức đáy, còn anh thì phải sớm tốt nghiệp, và phải tìm được việc để ở lại Mỹ.
Nhưng anh còn có một công trình, rồi thêm một công trình nữa với ông thầy mới (GS Stephan Haas) của tôi. Một mình tôi ở lại với nỗi hoang mang, vì mình còn chẳng có một công trình nào, số liệu nào đủ để công bố cả. Lúc đó đã là năm thứ 4 PhD rồi! Ngày nào ăn ngủ cũng không thấy ngon. Không ngon vì một tương lai bất an, mờ mịt!
Lúc đó tôi vẫn làm việc cả thứ bảy, vì thỉnh thoảng ông thầy cũng lên trường thứ bảy. Ông độc thân và bỏ vợ từ lâu. Vào một ngày nào đó, tôi tìm được ý tưởng chứng minh đẳng thức Jarzynski’s Equality (JE) về mối liên hệ giữa năng lượng tự do và trung bình hàm số mũ của công năng.
Lúc đó JE nổi như cồn vì là một đẳng thức mới nhất trong vật lý thống kê trong cả trăm năm qua. Trong vài năm từ ngày nó được chứng minh mà có cả gần ngàn trích dẫn.
Tôi trình bày ý tưởng với ông thầy, ông chỉ gỏn gọn trả lời: “It’s your call” (Quyết định là ở cậu - PV). Lúc đó thì mình chưa hiểu nhiều ẩn ý trong câu nói đó, nhưng dần dần nhận thấy dù ông không phản đối, nhưng chẳng muốn giúp đỡ.
Cũng hợp lý, vì ông trả tiền cho mình làm nghiên cứu cho ông ấy. Rồi vì sự phấn khích về cả toán học lẫn vật lý trong cách chứng minh đó, tôi ngồi viết đi viết lại công trình đó, nhờ ông thầy người Nhật thứ hai trong nhóm đọc.
Ông cũng chỉ cho lời khuyên về ngôn ngữ chứ không có nói gì về nội dung chứng minh cả. Rồi tôi hỏi cả ba ông thầy trong nhóm liệu có thể đề tên của họ trong công trình đó không? Một ngày họ gọi vào nói chuyện riêng, rồi nói “If your adviser says it’s wrong, then it’s wrong”. (Nếu cố vấn của cậu nói nó sai thì là sai - PV)
Lúc đó thì mình vừa ngạc nhiên, vừa uất nghẹn, vì có ai đọc đâu mà bảo nó sai? Lấy hết sức bình tĩnh còn sót lại trên bộ mặt chỉ trực khóc, mình hỏi “Có thể tôi sai. Hãy nói cho tôi biết tôi sai ở đâu?". Rồi ông thầy nói, “If you want to publish it, you have to leave the group” (Nếu cậu muốn xuất bản công trình, vậy thì cậu phải rời khỏi nhóm - PV)!
Xong buổi họp tôi về nhà suy nghĩ xem lý thuyết mình sai ở đâu. Chẳng tìm ra chỗ nào, nên tôi quyết định gửi nó đi cho tạp chí mà đẳng thức JE cũng được chứng minh.
Vài tháng chờ đợi rồi cũng có lời bình duyệt gửi về. Tôi hỏi ông thầy người Nhật tốt bụng nhất trong nhóm, ông bảo “the reviewer (just one) did not reject, so you may have a second chance” (Người bình duyệt (chỉ có một người) đã không từ chối, vậy cậu có thể có cơ hội thứ hai - PV).
Kể từ khi viết công trình này đến lúc gửi đi sau lần bình duyệt đầu tiên, mình có đếm tớn tận 200 lượt mình viết đi viết lại, tự học cách viết một công trình khoa học.
Khi đã ở năm thứ 5 PhD, mọi thứ dường như trở nên nặng nề hơn rất nhiều, đặc biệt khi đó tôi chưa công bố được bất cứ một công trình nào. Mà còn bị thầy nói lý thuyết mình sai, và số liệu thì chẳng ra đâu vào đâu.
Tôi nhớ tới “tâm niệm” của một thằng bạn thân về chuyện cố ở lại thủ đô bằng cách “cho con nó cái hộ khẩu Hà Nội”. Tôi nói điều đó với vợ, vợ đồng ý, chúng tôi quyết định sinh con khi tôi đang bắt đầu năm thứ năm PhD.
Ngày con gái đầu lòng sinh cũng là ngày công trình đầu tiên trong đời tôi, có tên một mình tôi, được công bố chính thức trên Physical Review E. Với niềm vui đó, tôi quyết định viết thư xin ra khỏi nhóm, vì tôi không thấy lý do gì mình cần ông hướng dẫn nữa, và vì tôi cũng đã tìm được thầy mới trong lúc xin nghỉ ở nhà trông con.
Môi trường học thuật và cạnh tranh trong nghiên cứu ác liệt
Việc tìm thầy mới trong giai đoạn này cũng là một chuyện không đơn giản. Vì đâu có mấy ai muốn nhận một người năm thứ 5 PhD vào nhóm đâu? Là mình, chắc mình cũng không dám.
Nhưng ông thầy mới, GS Stephan Haas, của tôi lúc đó hiểu rất rõ nỗi khổ của sinh viên, ông chứng kiến cả 3 đứa học trò của ông thầy cũ của tôi đều bị rơi vào trạng thái tương tự, nên Stephan nhận tôi vào làm. Thậm chí Stephan còn trả lương hè cho tôi làm, động viên rất nhiều để làm việc.
Mỗi lần nói chuyện với Stephan là một lần thấy nhẹ nhõm, thấy làm nghiên cứu đúng là phải thoải mái tinh thần mới làm được. Trong năm đó, 2012, tôi gom góp số liệu trong các dự án với ông thầy cũ, tự viết hai công trình nữa, rồi gửi đi cho Journal of Physical Chemistry C và B, và cả hai đều được chấp nhận; rồi viết và công bố một công trình nữa với Stephan dựa trên chứng minh trong công bố trước đó của tôi, nhưng mở rộng hơn cho cơ học lượng tử.
Tôi quyết định ở lại thêm một năm nữa làm với Stephan, và công bố thêm hai công trình nữa rồi mới bảo vệ vào cuối năm 2013. Tổng cộng là 6 công trình đều là first-author (tác giả thứ nhất) cả!
Thị trường việc làm lúc đó còn khá tệ. Không tìm được hướng đi tốt ở Mỹ, tôi quyết định sang Canada. Một phần vì Canada dễ ở lại hơn, dù lạnh lẽo. Ai cũng ngạc nhiên vì tôi quyết đi Canada. Một phần vì nghĩ tới tương lai của con cái, một phần vì muốn thay đổi, một phần vì sợ không tìm được thầy tốt và lab tốt ở Mỹ.
Tôi có xin được phỏng vấn vài nơi, trong đó có một ông GS ở Harvard. Dần dần tôi nhận ra môi trường học thuật khắc nghiệt ở Mỹ, vì lúc làm PhD tôi còn chưa rõ được mức độ khắc nghiệt thế nào, cho tận đến khi tốt nghiệp.
Chọn sang Canada cũng là chọn cái dễ hơn Mỹ. Khi đến Canada, dù môi trường thân thiện hơn Mỹ, nhưng cạnh tranh trong nghiên cứu cũng ác liệt.
Ông thầy hướng dẫn làm nghiên cứu sau tiến sĩ của tôi quả thực là một người tuyệt vời. Với sự giúp đỡ, sự dễ tính, cởi mở, hiểu biết sâu rộng nhiều vấn đề, với nhiều quan hệ đồng nghiệp khắp nơi trên thế giới của ông, tôi xin được thêm hai học bổng nghiên cứu sau tiến sĩ, và công bố tới 8 công trình chỉ trong ba năm nghiên cứu với ông.
Con đường của tôi vẫn còn đầy chông gai phía trước khi tôi quyết định quay lại Mỹ tìm hướng nghiên cứu mới, khác đi với những gì mình đã và đang làm.
Bài học của tôi học được trong suốt 20 năm qua là sự nỗ lực không ngừng và duy trì niềm hi vọng vào sự học hỏi, sự đổi mới, sự chấp nhận rủi ro, và sống tốt với bạn bè và đồng nghiệp.
Tôi hi vọng các bạn đọc bài này có thêm sức mà dấn thân mình vào con đường chông gai, vì ở đó mới có nhiều bài học quý báu, những tình bạn để đời, những sự hiểu biết sâu sắc về ý nghĩa của cuộc sống.
TS. Ngô Anh Văn (Nghiên cứu sau tiến sĩ Đại học Calgary, Canada)Bạn đang xem bài viết Du học tiến sĩ: Một con đường chông gai tại chuyên mục Du học của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].