Gần đến ngày sinh nhiều bà bầu lại thắc mắc nên sinh thường hay sinh mổ, lựa chọn cách sinh nào thì tốt hơn?
Theo các chuyên gia sản phụ khoa, mỗi phương pháp sinh đều có những ưu và nhược điểm riêng. Và việc bà bầu lựa chọn phương pháp sinh nào cần tham vấn ý kiến của bác sĩ chuyên khoa, nhất là với những thai phụ gặp vấn đề bất thường trong thời kỳ mang thai.
Trong bài viết này, bác sĩ Phạm Thanh Hoàng, Giảng viên Bộ môn Sản - Đại học Y Dược TP HCM, Bệnh viện Từ Dũ sẽ đưa ra những thông tin hữu ích về 2 phương pháp sinh thường và sinh mổ.
Trong suốt thai kỳ, mỗi lần khám thai bác sĩ đều đánh giá sức khỏe mẹ và thai nhi để tiên lượng các vấn đề sẽ xảy ra trong khi mang thai và lúc sinh hay mổ.
Đặc biệt là lúc gần cuối thai kỳ, nếu tình trạng sức khỏe, khung chậu mẹ, đồng thời sức khỏe, ngôi, cân nặng thai nhi, nhiều yếu tố liên quan khác có thể cho phép sinh thường được, bác sĩ sẽ tư vấn theo dõi sinh thường cho thai phụ.
- Khi bác sĩ quyết định cho thai phụ sinh thường thì vẫn chưa chắc chắn thai phụ sẽ sinh thường được. Để sinh thường được cần rất nhiều yếu tố, các yếu tố mà bác sĩ đánh giá vào cuối thai kỳ chỉ cho tiên lượng 1 phần, phần còn lại xảy ra trong quá trình chuyển dạ như sự xóa mở cổ tử cung, sự bình chỉnh ngôi thai, tim thai, cơn gò…
Do vậy, trước khi kết thúc chuyển dạ, không ai có thể chắc chắn thai phụ sẽ sinh được hay không sinh được. Nên khi theo dõi sinh thường, thai phụ có nguy cơ chuyển sang sinh mổ nếu có những yếu tố bất lợi mới xảy ra.
- Nguy cơ phải giúp sinh cũng tăng lên trong thời kỳ chuyển dạ. Vào cuối chuyển dạ (cổ tử cung mở trọn, đầu bé xuống thấp), để bé có thể sinh được cần cơn gò tử cung và lực rặn của sản phụ.
Trong trường hợp sản phụ không đủ sức rặn hay vì bệnh lý của mẹ phải hạn chế cơn rặn, hay trong các trường hợp phải lấy thai ra nhanh hơn bác sĩ buộc phải giúp sinh. Tỉ lệ giúp sinh khoảng 4,5%. Giúp sinh cũng có 1 số tai biến nhất định trên mẹ và thai nhi.
Mặc dù biết rằng có thể gặp các tai biến khi giúp sinh nhưng bác sĩ vẫn làm thủ thuật giúp sinh. Nguyên nhân là do bác sĩ đã cân nhắc lựa chọn giúp sinh vì nó là tốt nhất cho sản phụ và thai ở thời điểm đó.
Hơn nữa, khi thực hiện thủ thuật đúng chỉ định và đúng kỹ thuật thì các biến chứng của giúp sinh sẽ giảm đáng kể, thậm chí không gây hại gì hơn khi sản phụ sinh thường.
- Cơn đau chuyển dạ với đa số sản phụ là không thể chịu đựng được. Tuy nhiên, phần lớn sản phụ đều vượt qua. Ngày nay nhờ vào kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng giúp cho sản phụ không còn cảm nhận cơn đau chuyển dạ mà vẫn có thể rặn sinh.
Đối với 1 số sản phụ họ từ chối gây tê ngoài màng cứng để có cơ hội trải nghiệm cơn đau này và tự hào vượt qua nó (giống như 1 số người cố gắng chinh phục những ngọn núi cao).
- Khi sinh ngả âm đạo nhiều lần hay sinh con to, làm tăng nguy cơ tổn thương sàn chậu (gây ra các rối loại đi tiêu, tiểu, hay sa tử cung) về sau.
- Hồi phục sau sinh nhanh, sản phụ có thể ngồi đậy, đi lại, chăm sóc em bé sau vài giờ sinh. Có thể ăn uống như bình thường do vậy sự hồi phục càng nhanh hơn.
- Tử cung co hồi tốt hơn giúp giảm lượng máu mất sau sinh và hạn chế ứ sản dịch.
- Tăng cảm nhận thời khắc quan trọng lúc sinh do không bị ảnh hưởng bởi các thuốc gây tê và gây mê. Sau sinh thường tỉ lệ được thực hiện da kề da với em bé tăng lên.
Điều này mang lại nhiều lợi ích cho mẹ và bé như ổn định thân nhiệt, tăng tỉ lệ bú mẹ, tăng liên kết mẹ con, giảm hạ đường huyết ở bé…
- Sản phụ sau sinh thường sẽ có sữa sớm hơn và nhiều hơn so với sản phụ sinh mổ. Quá trình sinh tự nhiên giúp cơ thể nhận biết thời điểm bé chào đời, từ đó tự điều chỉnh quá trình tiết sữa sớm hơn và tốt hơn. Phục hồi sức khỏe nhanh và chế độ ăn không phải hạn chế (như các trường hợp sinh mổ) giúp mẹ có sữa nhiều và nhanh hơn.
- Trong quá trình chuyển dạ, cơ thể mẹ sẽ tiết ra một số chất giúp trẻ thích nghi hơn khi ra môi trường bên ngoài.
- Khi bé đi qua đường sinh, cơ thể sẽ bị ép nhất là vùng ngực, điều này giúp cho trẻ đẩy các dịch trong phổi ra ngoài nhiều hơn so với trẻ sinh mổ. Từ đó, giảm các bệnh lý về ứ đọng dịch trong phổi ở trẻ sinh thường.
- Khi đi qua đường sinh, cơ thể bé sẽ tiếp xúc với các vi sinh vật có lợi ở âm đạo, từ đó kích thích hệ miễn dịch của trẻ.
- Trẻ sinh thường còn được nhận các vi khuẩn có lợi cho đường ruột giúp trẻ tiêu hóa tốt hơn, giảm dị ứng thức ăn, giảm mắc các bệnh liên quan đến vi khuẩn đường ruột.
- Ở trẻ sinh thường, không phải tiếp xúc với các loại thuốc tê, thuốc mê, kháng sinh nên sẽ ít bị ảnh hưởng bởi các loại thuốc này.
-Với những trường hợp bắt buộc phải mổ vì lý do y khoa thì ở hoàn cảnh đó việc sinh mổ chắc chắn có lợi hơn cho cả mẹ và bé.
- Mẹ không phải chịu đựng cơn đau chuyển dạ (tuy nhiên đau sau mổ cũng nặng nề không kém)
- 1 số trường hợp vì lý do tín ngưỡng có thể chọn được ngày giờ mổ
- Chủ động về thời gian và được chuẩn bị tâm lý tốt
- Việc sử dụng thuốc gây tê, gây mê trong mổ có thể có tác dụng phụ hay tai biến, đôi khi ảnh hưởng đến tính mạng.
- Sinh mổ mất máu nhiều hơn sinh thường, tăng nguy cơ băng huyết sau sinh. Việc mất máu này ảnh hưởng lên sự hồi phục về sau cả về thể chất mẹ cũng như tiết sữa.
- Tử cung có sẹo mổ sẽ ảnh hưởng lên lần mang thai sau, tăng nguy cơ nhau tiền đạo, nhau cài răng lược, vỡ tử cung ở lần mang thai sau.
- Bất cứ một cuộc mổ nào vào trong ổ bụng cũng có nguy cơ dính các cấu trúc trong ổ bụng như dính ruột, bàng quang, tử cung, vòi trứng, buồng trứng, mạc nối lớn…
Sau này vì một lý do nào đó sản phụ phải mổ lại, nguy cơ tổn thương các cơ quan này cao hơn so với mổ lần đầu. Đôi khi, dính ruột gây ra tắc ruột. Nếu 2 vòi trứng dính nhiều có thể làm người phụ nữ khó có con lần sau.
- Bất cứ cuộc mổ nào cũng tiềm ẩn nguy cơ xuất huyết nội (chảy máu trong bụng sau mổ), nhiễm trùng vết mổ. Đây là 2 biến chứng cực kỳ nguy hiểm.
- Vấn đề thẩm mỹ khi vùng bụng có vết sẹo đặc biệt quan trọng trên những sản phụ có cơ địa sẹo lồi.
- Trẻ sinh mổ không được tiếp xúc với các vi khuẩn có lợi ở mẹ nên chậm phát triển hệ miễn dịch, chậm hình thành các vi khuẩn đường ruột có ích. Từ đó dẫn đến trẻ dễ mắc bệnh đường tiêu hóa, dễ bị dị ứng, hen suyễn, chậm hấp thu dinh dưỡng…
- Trẻ sinh mổ sẽ chậm hấp thu dịch phổi hơn so với trẻ sinh thường, dễ mắc các bệnh hô hấp hơn
- Tiết sữa ở sản phụ sinh mổ sẽ chậm và ít hơn so với sản phụ sinh thường
Ngày nay, càng có nhiều sản phụ yêu cầu sinh mổ (dù không có chỉ định y khoa) có lẽ họ chưa nắm rõ cũng như chưa được tư vấn đầy đủ về các lợi ích và nguy cơ của sinh mổ với sinh thường.
Hiện Bộ Y tế không cho phép mổ theo nguyện vọng của bệnh nhân. Do đó, các thai phụ đến gần ngày sinh nên tham vấn ý kiến bác sĩ để đưa ra quyết định hợp lý hơn dựa trên sức khỏe, an toàn của cả mẹ và bé.