Sau quá trình mổ lấy thai, sản phụ chỉ được nhìn khuôn mặt thiên thần của mình trong chốc lát. Em bé sẽ được vệ sinh sạch sẽ, quấn tã và chuyển cho người thân chăm sóc, còn sản phụ vẫn nằm trên bàn mổ để thực hiện nốt quá trình sinh nở còn lại: Khâu vết mổ.
Khi toàn bộ thủ tục hoàn tất, một chiếc băng chuyền lạnh ngắt phủ tấm ga trắng đẩy sản phụ về phòng hậu phẫu.
Một căn phòng lạnh ngắt với tiếng máy chạy, pha chút rên rỉ đau đớn xen kẽ trong tiếng thều thào trò chuyện của sản phụ.
Với thời khắc 6 giờ đồng hồ trước khi được gặp những đứa con bé bóng, các bà mẹ như dấn thân vào một trận chiến với muôn vàn nỗi đau sau khi thuốc mê, thuốc tê hết tác dụng.
Từ cơn đau co thắt tử cung, cơn đau của vết mổ dài hơn chục cm cho đến những lần đau buốt khi được truyền thuốc vào tĩnh mạch.
Với những sản phụ gây tê màng cứng, toàn bộ phần thân dưới từ thắt lưng trở xuống sẽ ‘bất động’, tuy nhiên vẫn có thể ý thức và hoạt động phần thân trên. Tùy cơ địa từng người, khoảng gần 1 giờ sau mổ, phần dưới cơ thể dần có cảm giác.
Với những trường hợp sản phụ có nguy cơ tai biến cao với các triệu chứng như sản giật, tiền sản giật nặng, rau bong non, có rau tiền đạo thể bán trung tâm hoặc trung tâm… sẽ được khuyến cáo sử dụng phương pháp gây mê nội khí quản. Với phương pháp này, các sản phụ gần như ‘bất tỉnh’.
Sau khoảng 30 phút sau mổ, sản phụ sẽ dần lấy lại được ý thức tuy nhiên cơ thể vẫn còn bất động. Khoảng 3 giờ sau, cơ thể sản phụ sẽ cảm nhận được cơn đau co tử cung và vết mổ lấy thai.
Ngoài phải chứng kiến những cơn đau ‘ra nước mắt’, phòng hậu phẫu cũng chứng kiến nhiều câu chuyện ‘dở khóc, dở cười’. Đặc biệt, trước khi tiến hành phẫu thuật, sản phụ được các bác sĩ yêu cầu không ăn hoặc ăn nhẹ.
Chính vì vậy, tất cả các bà mẹ đều không thoát khỏi cơn đói, cơn khát suốt quãng thời gian chờ đợi.
Ngoài đau, đói, khát, nhiều sản phụ còn chia sẻ họ bị phản ứng với thuốc gây tê trước đó với các biểu hiện như buồn nôn, nôn.
Với mỗi câu chuyện sinh nở là một câu chuyện khác nhau trong phòng hậu phẫu, từ chuyện đau ra sao, phản ứng thuốc thế nào…
Thế nhưng, tất cả cùng mang một niềm hạnh phúc to lớn đó là được thực hiện thiên chức làm mẹ thiêng liêng.
Để phòng tránh những biến chứng sau khi sinh mổ bạn cần thực hiện theo những chỉ dẫn sau:
- Không nên nằm bất động một chỗ trên giường, cần xoay trở nằm nghiêng phải hoặc nghiêng trái, trong ngày đầu tiên sau mổ.
- Sang đến ngày thứ 2 trở đi, nên ngồi dậy và đi lại.
- Có thể nằm sấp mỗi ngày 20 – 30 phút, giúp cho sản dịch được thoát ra dễ dàng, đồng thời nên mát-xa bụng mỗi ngày giúp cho tử cung co hồi tốt và đẩy sản dịch ra ngoài nhanh hơn.
Hồng HảiBạn đang xem bài viết 6 tiếng hậu phẫu của các mẹ sinh mổ diễn ra như thế nào? tại chuyên mục Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].