Sau vụ 4 trẻ sơ sinh tử vong trong 1 ngày, chuyên gia y tế nói gì về sốc nhiễm khuẩn?

Theo PGS.TS Trần Minh Điển - PGĐ Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay: ‘Theo nghiên cứu gần đây trên thế giới, tỷ lệ trẻ tử vong do sốc nhiễm khuẩn huyết khoảng từ 40-60% tùy theo mức kinh tế xã hội của từng nước’.

Liên quan đến trường hợp 4 trẻ sơ sinh tử vong tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh trong sáng 20/11, ngay sau khi xảy ra sự việc Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh đã ra Quyết định tạm đình chỉ kíp trực ngày 19/11/2017 tại Đơn nguyên Sơ sinh để tường trình diễn biến chuyên môn trong tua trực, phục vụ công tác điều tra.

Ngay trong tối ngày 20/11/2017, Bệnh viện Sản Nhi đã thành lập Hội đồng chuyên môn của Bệnh viện để xem xét toàn bộ quá trình tiếp đón, khám, chẩn đoán, điều trị, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc các cháu bé; quy trình sử dụng thuốc, vật tư và tiến hành kiểm thảo tử vong.

Nguyên nhân tử vong bước đầu được xác định là sốc nhiễm trùng, theo dõi nhiễm khuẩn huyết/trẻ sơ sinh non yếu - suy hô hấp.

Mặt khác, ngay trong ngày 20/11, 8 bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh đã được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương.

Ngay sáng 21/11, đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương đã có trao đổi với báo chí về tình hình bệnh của các bệnh nhi.

Đề cập đến nguyên nhân tử vong ban đầu của 4 cháu bé PGS.TS Trần Minh Điển cho hay: 'Trong vấn đề về nhiễm khuẩn huyết và những vấn đề có sốc nhiễm khuẩn kèm thì theo nghiên cứu gần đây trên thế giới, tỷ lệ tử vong khoảng từ 40-60% tùy theo mức kinh tế xã hội của từng nước.

Ví dụ ở các nước đang phát triển thì tỷ lệ tử vong cao hơn nữa, có những khu vực khi đã bị nhiễm khuẩn huyết thì tỷ lệ tử vong có thể lên tới 80%.

Sốc nhiễm khuẩn là hội chứng lâm sàng nặng thường gặp, các trường hợp đến bệnh viện muộn, điều trị không cải thiện sẽ dẫn đến suy đa tạng, nguyên nhân của tỷ lệ tử vong cao và là gánh nặng đối với hệ thống chăm sóc y tế.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tỷ lệ trẻ tử vong do nhiễm khuẩn huyết có sốc nhiễm khuẩn từ năm 2010 là khoảng 75%, gần đây bệnh viện đã khống chế tỷ lệ trẻ tử vong xuống dưới 50%'.

PGS.TS Trần Minh Điển - PGĐ Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ tại buổi trả lời báo chí sáng 21/11.

Ông Điển cũng cho biết thêm: 'Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn là do trẻ đẻ non hệ thống miễn dịch còn non yếu, các cơ quan chưa trưởng thành kể cả tim, phổi, đặc biệt là hệ thống miễn dịch của bệnh nhân.

Thứ 2 là nhóm bệnh down hoặc mắc tim bẩm sinh có nguy cơ nhiễm khuẩn bởi hệ thống miễn dịch của cơ thể còn yếu không đủ khả năng để chống lại vi khuẩn ngay trên chính cơ thể của bệnh nhân.

Do vậy, yếu tố tiên lượng tử vong đối với những bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn huyết thì phụ thuộc rất lớn vào yếu tố bệnh nền, hay cơ địa của bệnh nhân'.

Bên cạnh đó, PGS.TS Trần Minh Điển cũng thông tin thêm về tình trạng trẻ sơ sinh thiếu tháng rằng, trong vài tháng gần đây, các bé bị đẻ non đến Bệnh viện Nhi Trung ương rất nhiều và bệnh viện rất vất vả trong các trường hợp này.

‘Các bệnh nhi được xác định sinh trong là dưới 37 tuần. Theo TS. Điển, do các bé có cơ thể non, hệ miễn dịch yếu, các cơ quan chưa phát triển hoàn chỉnh hoặc mắc các bệnh lý kèm theo’, ông Điển cho hay.

Cũng theo ông Điển, việc chăm sóc trẻ sinh non, đặc biệt là việc vệ sinh bề mặt rất quan trọng. ‘Nhân viên y tế khi chăm sóc trẻ sinh non phải rửa tay sạch sẽ và cần phải nâng cao kiến thức chăm sóc chuyên ngành y khoa’, ông Điển nhấn mạnh.

 Bộ trưởng Bộ Y tế thị sát tình hình

Chiều 21/11 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã thị sát Đơn nguyên sơ sinh, nơi 4 bé tử vong để nắm tình hình và có cuộc làm việc với UBND tỉnh Bắc Ninh, Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, Hội đồng chuyên môn. 

Bộ trưởng Tiến đã thăm bệnh nhi đang điều trị tại đây, đồng thời thị sát quá trình điều trị và công tác chống nhiễm khuẩn.

Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có cuộc làm việc kín với lãnh đạo Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện và lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc Bộ Y Tế.

Theo đó, Bệnh viện sẽ xem xét toàn diện quá trình điều trị, công tác chống nhiễm khuẩn cũng như trang thiết bị điều trị sơ sinh.

Ngọc Nga/giadinhmoi.vn

Tin liên quan