Sau 8 năm sống cùng gia đình chồng và xảy ra nhiều mâu thuẫn thế hệ, vợ chồng tôi quyết tâm ra ở riêng khi mức lương chỉ có 13 triệu đồng/tháng và đã hoàn thành kế hoạch mua nhà, mua xe chỉ 3 năm sau đó.
Vợ chồng tôi cưới nhau năm 2008. Sau đó 1 năm, chúng tôi sinh con đầu lòng. Tôi công tác tại một bệnh viện nhỏ ở Việt Trì, Phú Thọ, còn anh xã làm trong một cơ quan nhà nước nên thu nhập cả hai cũng chỉ ở mức đủ sống, không dư dả. Ban đầu chúng tôi sống cùng bố mẹ chồng, nhà cửa khá rộng rãi, lại cũng chỉ 5 người lớn 1 trẻ con nên chúng tôi tuyệt nhiên không nghĩ đến việc sẽ ra ở riêng.
Tuy nhiên, ở lâu dần nảy sinh nhiều mâu thuẫn giữa các thế hệ. Hơn nữa, dù cố gắng chi tiêu tiết kiệm, rốt cuộc chúng tôi cũng không để dành ra được đồng nào vì có nhiều khoản chi “không tên” xuất hiện.
Sau 8 năm như vậy, chúng tôi nghĩ đã đến lúc mình phải thay đổi. Nếu tiếp tục, chúng tôi vẫn sẽ có nhà để ở nhưng không tự làm chủ được cuộc sống của mình. Vợ chồng tôi bàn bạc xin bố mẹ chồng cho ra ở riêng để có động lực phấn đấu, tự lập.
Lúc này, lương của hai vợ chồng cộng lại được khoảng 13 triệu đồng/tháng. Trong tay chúng tôi cũng chỉ có đúng 30 triệu đồng dành dụm được. Biết việc chúng tôi muốn ra riêng, bố mẹ ruột tôi đồng ý cho chúng tôi vay 200 triệu đồng không tính tiền lãi, khi nào có thì trả.
Nhờ có số vốn ông bà cho mượn, chúng tôi quyết định mua nhà bởi suy nghĩ “an cư lạc nghiệp”, nếu đi thuê nhà thì cuộc sống vẫn khá bấp bênh. Do thu nhập khá khiêm tốn nên chúng tôi tập trung tìm kiếm những căn chung cư nhỏ. Cuối cùng chúng tôi “chốt” được một căn nhà chung cư cũ ở khu vực Thanh Miếu với giá hơn 200 triệu đồng (phải nhấn mạnh là chúng tôi sống ở Việt Trì nên mức giá nhà chung cư cũ như vậy là bình thường, nhưng với bản thân vợ chồng tôi thì đó vẫn là một con số khá đáng kể).
Mua nhà xong, chúng tôi gom góp thêm vài chục triệu nữa để sửa sang nhà cửa và sắm sửa đồ đạc. Tổng chi phí cả mua nhà và sửa sang tất cả hết 270 triệu đồng. Vậy là chúng tôi cũng có căn nhà riêng đầu tiên bằng cách như thế!
Phải nói thêm để các bạn hiểu, ngay từ khi manh nha có ý định ra riêng, chúng tôi cũng đã tính toán đến việc nếu quyết tâm vay mượn thì bao lâu sẽ trả xong. Và với 200 triệu đã mượn, chúng tôi dự tính trong vòng 3 năm sẽ trả lại số tiền đó cho bố mẹ bởi đó là số tiết tích cóp cả đời của bố mẹ, cần hoàn lại sớm để các cụ có một khoản phòng thân.
Còn trong trường hợp không mượn được bố mẹ, chúng tôi cũng đã nghĩ đến việc vay ngân hàng bằng cách thế chấp chính căn nhà sắp mua. Cách này sẽ vất vả hơn nhưng chúng tôi tin rằng mình cứ cố gắng rồi mọi chuyển cũng sẽ ổn.
May mắn, tôi lại chọn được “game” dễ thở hơn.
Ngay từ khi bắt đầu mua nhà, mỗi tháng tôi cất riêng 5 triệu để tiết kiệm, cứ mỗi quý tôi trả 15 triệu cho bố mẹ. Còn lại 8 triệu để chi tiêu sinh hoạt hàng ngày và đóng học cho cô con gái học cấp 1.
Bên cạnh mức lương cơ bản, thỉnh thoảng nhận được những khoản thưởng của cơ quan, chúng tôi cũng thống nhất để dành vào quỹ trả nợ chứ không chi tiêu phung phí.
Ngoài ra, chồng tôi từng học về ngành điện nên ngoài giờ làm hành chính, anh vẫn nhận làm công trình xây lắp điện nước nhà mới, làm chung với 2 người bạn. Còn tôi vẫn tranh thủ lấy hải sản từ một mối quen ở vùng biển Thanh Hóa và chè Thái Nguyên (quê tôi vốn nổi danh là “đất chè”) về bán cho người quen. Thu nhập từ những việc tay trái không quá nhiều nhưng cũng mang lại thêm một khoản nhỏ, giúp cuộc sống của chúng tôi không đến nỗi thiếu thốn.
Để tiết kiệm chi phí, tôi thường ưu tiên mua đồ theo lố tại các siêu thị vì mua số lượng lớn giá sẽ rẻ hơn. Ngoài ra, tôi cũng hay canh sale để mua được những món đồ gia dụng, đồ dùng hàng ngày với mức giá hợp lý. Chẳng hạn, có lần tôi đã đấu giá được một chiếc lò vi sóng chỉ với giá hơn 200 nghìn đồng. Rau dưa thì tôi thường mua ở những khu chợ dân sinh, người dân họ trồng được rồi mang ra bán nên giá cũng rẻ hơn các chợ trung tâm khá nhiều.
Trong mấy năm đầu sau khi mua nhà, chúng tôi không tự tổ chức đi du lịch mà thường chỉ tham gia đi với cơ quan vì một người sẽ được cơ quan chi trả; chi phí phát sinh từ người đi cùng (như vợ/ chồng + con) cũng vì thế mà tiết kiệm hơn.
Dù hạn chế các khoản chi phí không cần thiết nhưng cả hai vợ chồng đều thống nhất, tiết kiệm nhưng không quá chắt bóp nên thỉnh thoảng chúng tôi vẫn cho con gái đi ăn hàng, mua sắm một vài món đồ mà chúng tôi rất thích.
Nhờ cách tiết kiệm đều đặn hằng tháng và các khoản ngoài thu nhập chính nên chỉ sau 2 năm, chúng tôi đã trả hết số tiền vay bố mẹ, sớm hơn 1 năm so với dự định. Và cũng với cách làm đó, gần một năm sau đó, chúng tôi mua được chiếc xe ô tô Daewoo Lanos đời cũ giá gần 100 triệu để tiện đi lại.
Xác định số tiền đang có chỉ đủ để mua một chiếc xe đời khá sâu nên chồng tôi tính toán rất kĩ. Anh nhờ bạn làm bên xưởng xe giới thiệu cho những chiếc xe hợp lý. Cuối cùng, chúng tôi tìm được chiếc xe ưng ý. Dù xe đã sử dụng hơn chục năm nhưng máy còn “gin”, chủ xe giữ gìn nên nội thất, nước sơn vẫn khá đẹp. Tuy nhiên, chủ xe cũng không quá cần tiền nên vẫn nấn ná chưa muốn bán. Sau nhiều lần chồng tôi đến nhà “đàm phán”, “nịnh nọt”, người chủ xe mới mềm lòng và quyết định bán xe cho chúng tôi.
Đây cũng là lưu ý quan trọng khi mua xe cũ. Nếu không phải là người rành về xe, bạn nên nhờ người quen hoặc thuê thợ sửa xe chuyên nghiệp xem giúp chiếc xe cho mình. Bởi nếu mua phải xe đã bị làm lại máy móc, bạn có thể sẽ tốn khá nhiều tiền cho các loại hỏng vặt trong quá trình sử dụng. Như chiếc xe nhà tôi, sau 3 năm cũng không phải sửa sữa gì nhiều ngoài những lần nâng cấp nội thất, bảo dưỡng định kỳ và thay một số linh kiện đã đến hạn cần thay.
Chiếc xe dù cũ nhưng quả thật rất hữu ích, giúp chúng tôi về quê thuận tiện hơn, ngày mưa ngày nắng đưa con đi học cũng đỡ vất vả. Từ khi có xe riêng, nhà tôi mỗi năm vẫn tổ chức đôi ba chuyến đi chơi về thăm bạn bè ở Thanh Hóa, đi du lịch Hạ Long hay đến các điểm tham quan cách nhà dưới 100km như Ba Vì, suối nước nóng Thanh Thủy, Tam Đảo… Cuộc sống tinh thần cũng nhờ thế mà ngày càng được cải thiện.
Đến giờ, thu nhập chính thức của hai vợ chồng đã tăng lên khoảng 17 triệu/ tháng. Tuy không còn đau đầu vì khoản nợ nào nhưng gia đình tôi vẫn cố gắng duy trì các việc “tay trái” và mỗi tháng vẫn bỏ vào tiết kiệm ít nhất 5 triệu đồng như trước đây. Căn chung cư của chúng tôi nay cũng đã tăng giá lên 300 triệu đồng.
Chúng tôi không đặt mục tiêu lớn nhưng vẫn đang nỗ lực để thời gian tới, có thể đổi sang được một chiếc xe tốt hơn và lâu dài, đổi sang một căn nhà rộng rãi hơn.
Lại nói về chuyện gia đình, sau 5 năm không ở cùng, ít va chạm nên mối quan hệ của vợ chồng tôi với bố mẹ chồng cũng đã tốt dần trở lại chứ không căng thẳng như trước.
Đến giờ, vợ chồng tôi đều đồng tình rằng nếu không quyết tâm ra riêng, chắc hẳn chúng tôi vẫn “tay trắng”, không nhà, không xe và đặc biệt tình cảm có thể sẽ rạn nứt hơn khi không tìm được cách giải quyết mâu thuẫn gia đình.
Việc ra ở riêng là một quyết định đúng đắn với hoàn cảnh của chúng tôi lúc đó, mở ra cho chúng tôi cơ hội để thay đổi cuộc sống của mình. Dù so với nhiều người, chắc hẳn câu chuyện của tôi thật nhỏ bé và không có gì quá đặc biệt, nhưng tôi hi vọng có thể tạo cảm hứng cho ai đó đang ở trong hoàn cảnh như tôi khi xưa có động lực để “ra riêng” và xây dựng cuộc sống tự chủ như bản thân họ mong muốn.
Người dự thi: Trần Thị Thanh Bình (37 tuổi, Việt Trì, Phú Thọ)
Cuộc thi "Bí kíp tiêu dùng thông minh" chia sẻ những câu chuyện có thật, giúp độc giả có cái nhìn phong phú, thực tiễn hơn trong cách tiêu dùng, quản lý tài chính của từng gia đình, từ đó rút ra cách quản lý tài chính khôn ngoan, tiêu dùng thông minh hơn.
Mỗi bài dự thi đăng trên http://giadinhmoi.vn sẽ được nhận ngay nhuận bút 1 triệu đồng. Cuộc thi do Tạp chí Gia Đình Mới và Ngân hàng SeABank phối hợp tổ chức.
Chi tiết cuộc thi TẠI ĐÂY