Báo Điện tử Gia đình Mới

2 vợ chồng ở Hà Nội tiêu tổng 4 triệu/tháng, lên kế hoạch tiết kiệm 10 năm để xây nhà

Chồng tôi chỉ luôn duy trì khoảng 500 nghìn đồng trong ví khi ra đường, tôi cũng thường chỉ duy trì khoảng 1 triệu đồng tiền mặt để tiêu. Khoảng 10 năm nữa là chúng tôi có mới có được 1 tỷ tiết kiệm.

“Vân hôm nay đi xe buýt đi làm đấy à?”, đây là câu hỏi thường nhật của các đồng nghiệp cơ quan tôi, cho dù họ thừa biết ngày nào tôi cũng đi xe buýt đi làm, không ít câu hỏi không phải để hỏi mà mang tính mỉa mai, tôi kệ. Bởi, xe buýt an toàn mà tiết kiệm đấy chứ, mỗi tháng tôi tính phải tiết kiệm được 200 ngàn tiền xăng nếu đi xe máy.

Nào, mình cùng lên xe buýt

Vợ chồng tôi lấy nhau đã một năm rưỡi và chuẩn bị đón đứa con đầu lòng, cái cảm giác hai vợ chồng son thêm đứa con đang dần xuất hiện, chúng tôi lấy nhau khi một đứa đã 27 tuổi, một đứa 25 không còn phải quá trẻ.

Mới bầu thôi mà tôi đã chi không biết bao nhiêu là tiền, cuộc sống độc thân dễ dãi, tiêu tiền theo cảm xúc bao nhiêu thì cuộc sống hôn nhân tôi phải học cách tiêu tiền theo lý trí.

Đầu tiên là các mũi tiêm phòng ung thư cổ tử cung cho mẹ trước bầu, uống thuốc bổ trứng, đến lúc bầu thì phải làm xét nghiệm sàng lọc dị tật, uống các loại thuốc bổ cho con, khám thai định kỳ... tính ra đã mất hơn hai chục triệu.

Tôi vốn là điều dưỡng ở một bệnh viện Y học phóng xạ và U bướu quân đội, nhiều người nghĩ tôi phải có lương từ hai con số trở lên, nhưng không. Tôi chỉ được 4,2 triệu đồng một tháng, mức lương có thể nói là khá thấp, chỉ bằng thu nhập của một người làm việc đơn giản ở nông thôn mà công việc cũng chẳng hề nhàn nhã gì.

  Hằng ngày vợ chồng tôi vẫn đi xe buýt đi làm 20 km từ ngoại thành vào nội thành

Hằng ngày vợ chồng tôi vẫn đi xe buýt đi làm 20 km từ ngoại thành vào nội thành

Chồng tôi thì làm nhân viên ở một trường cao đẳng nghề với mức thu nhập khoảng 8 triệu đồng một tháng, tổng cộng một tháng chúng tôi chỉ có khoảng 12,2 triệu đồng, một mức thu nhập trung bình thấp và có thể nói là không thể tồn tại được nếu phải thuê nhà và sống trong khu vực nội thành Hà Nội. Đấy là tôi đang nói tổng thu nhập trong thời gian chưa bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chứ nhiều thánggần đây chúng tôi chỉ duy trì được lương cơ bản.

Cũng may, gia đình nội ngoại chúng tôi đều ở huyện Thường Tín, một huyện ngoại thành Hà Nội chẳng xa mà cũng chẳng gần khu vực trung tâm. Nhưng dẫu sao có nhà của bố mẹ ở đã là tốt rồi, chúng tôi chịu khó mỗi người đi làm xa 20 km hằng ngày, rồi lại 20 km trở về nhà, thế là tiết kiệm được tiền thuê nhà, ít cũng phải 3 triệu một tháng nếu muốn thuê một phòng gia đình rộng rãi.

Vợ chồng tôi có thói quen đi xe buýt từ khi còn là sinh viên. Đối với dân ngoại thành, xe buýt có vai trò rất quan trọng trong đi lại, vì ở ngoại thành xe không đi chậm như trong nội thành, quãng thời gian dài trên xe, chúng tôi có thể ngủ để bù lại việc phải dạy sớm. Thế là cả hai vợ chồng tôi đã có thâm niên chục năm đi xe buýt, tem vé tháng dày cộp trên tấm vé của mỗi người.

Tiền dán vé xe buýt của hai vợ chồng một tháng tổng là 400 nghìn đồng, còn nếu đi xe máy cho quãng đường 40km một ngày thì một tháng phải hết hơn 500 nghìn tiền xăng. Hơn nữa, chỗ làm của hai vợ chồng tôi không cùng đường, nếu đi một xe sẽ phải vòng vèo, đón chờ, đi hai xe thì số tiền xăng một tháng cũng phải lên đến 1 triệu đồng, chưa kể hao mòn xe cộ, sửa sang thứ này thứ kia.

Đợt dịch COVID-19, xe buýt giảm chuyến, giảm lượng khách, vợ chồng tôi vẫn đi xe buýt đi làm. Đến cơ quan, nhiều người “khen” tôi dũng cảm vì không hề biết sợ dịch, họ cố tránh xa tôi khi nói chuyện, lấy khẩu trang đeo ngay khi nhìn thấy tôivà bảo tôi “sợ mòn xe máy” à mà không dắt ra đi.

Nhưng quả thực, ngoài lý do tiết kiệm, tay lái của tôi yếu, lại còn đang bầu bí nên tôi vẫn đi xe buýt cho an toàn. Hơn nữa, xe buýt cũng áp dụng các biện pháp phòng dịch rất quyết liệt chứ đâu như mọi người nghĩ, nếu nguy hiểm thật sự có lẽ thành phố đã cho dừng hẳn xe buýt trong một thời gian rồi.

Hai chữ 'tiết kiệm' đặt lên hàng đầu 

Đó là chuyện đi lại, còn chuyện về ăn uống, chi tiêu sinh hoạt, vợ chồng tôi cũng rất đồng thuận về tính cách. Biết thu nhập tổng không cao, sau này còn phải lo cho con cái, rồi cha mẹ già, phòng lúc chính mình ốm đau nên hai chữ tiết kiệm luôn được vợ chồng tôi đề lên hàng đầu.

Chúng tôi lấy nhau 2 tháng thì ăn riêng với bố mẹ, tôi bắt đầu ghi chép tỉ mỉ chi tiêu vào cuốn sổ nhỏ, xem thứ gì cần thì mua, ít cần thì cứ từ từ.

2 vợ chồng ở Hà Nội tiêu tổng 4 triệu/tháng, lên kế hoạch tiết kiệm 10 năm để xây nhà 1

Mỗi sáng, tôi đều dậy sớm nấu cơm mang đi ăn cả sáng lẫn trưa. Chồng tôi thì có cơm ở cơ quan, anh ấy chỉ ăn 5 nghìn xôi mỗi sáng, uống vài tách trà là tỉnh táo làm việc đến trưa. Tôi tiêu tiền chủ yếu cho bữa tối. Thường tôi chỉ mua khoảng 30 nghìn tiền thức ăn như thịt lợn, thịt gà hoặc mua con cá nho nhỏ, mấy quả trứng... rau thì không cần mua vì hai bên nội ngoại bố mẹ tôi đều trồng rau nên cứ lấy tha hồ.

Hai vợ chồng đều dân văn phòng nên sức ăn không mạnh, mỗi bữa chỉ thổi một bát gạo, 30 nghìn thức ăn chẳng mấy khi ăn hết và để lại một ít để sáng hôm sau tôi mang đi.

Ở ngoại thành mọi thứ giá cả mềm hơn hẳn so với nội đô. Chỉ với 5 nghìn có thể mua được rất nhiều thứ như mớ rau muống rất to (có thể ăn được 2 bữa), mua được 2 quả trứng gà, mua được cốc chè hay cốc nước mía, còn trong nội đô có lẽ phải gấp đôi như vậy. Vì vậy mà chúng tôi luôn trân quý từng nghìn một, không bao giờ phung phí tiền lẻ.

Vợ chồng tôi lại là mẫu người đơn giản, thuần túy không ham của ngon vật lạ, cái này không phải do chủ ý tiết kiệm mà vốn chúng tôi không thích các món ăn cầu kỳ, xa hoa, sang chảnh hay độc lạ. Nên chúng tôi chẳng bao giờ đi nhà hàng, quán ăn, chẳng bao giờ mua tôm hùm, cua hoàng đế, gà tần, cá hồi hay thịt bò Úc để ăn cả, chỉ miễn sao mua được thực phẩm sạch về ăn no cái bụng là cảm thấy vui vẻ với cuộc sống rồi.

Tính cả đủ thứ gia vị mắm muối, dầu, mì chính và các thứ vụn vặt khác như kem đánh răng, xà phòng, nước rửa bát, rửa kính, tiền nạp điện thoại, tiền mạng, tiền rác, tiền thuốc thang... hai vợ chồng tôi chỉ tiêu hết khoảng 4 triệu đồng một tháng, một con số khá khiêm tốn nhưng rất thực tế nhất là trong thời gian dịch COVID-19 khiến lương của chúng tôi đều bị giảm.

Còn khoản tiền điện và đám xá nữa chứ. Trong mấy đợt nóng như Hỏa Diệm Sơn vừa rồi, hai vợ chồng tôi mỗi tháng chỉ hết gần 400 nghìn đồng tiền điện. Chỉ có những hôm nắng nóng, chúng tôi mới dùng điều hòa, thứ điều hòa thân thiện nhất mà nhà tôi có là rặng cây xanh và những giàn hoa giấy, quê ngoại thành lợi nhất là đây chứ đâu, chứ nếu ở chung cư thì chắc sẽ rất nóng có khi bật điều hòa cả ngày.

Ngoài ra, những lần ít quần áo tôi thường tự giặt tay mà không dùng máy giặt, tôi dùng bếp điện cũng tiết kiệm hơn bếp gas, nói chung toàn tiết kiệm những thứ nhỏ bé trong nhà, năng nhặt chặt bị, đề cao lối sống tối giản, thuần túy, phù hợp với mức thu nhập mình kiếm được.

Còn đi đám xá, trung bình một tháng cũng có một đám kiểu như việc cưới, tang, giỗ, đầy tháng hay liên hoan hội địa phương, cơ quan, tính ra trung bình mất khoảng 500 nghìn đồng một tháng.

Vợ chồng tôi không quá ràng buộc nhau về kinh tế kiểu như một tháng anh phải đưa em bao nhiêu tiền, quỹ riêng mỗi người là bao nhiêu, tất nhiên người phụ nữ cầm tiền trong gia đình bao giờ cũng dễ dàng hơn, bởi họ là người trực tiếp đi chợ. Chồng tôi chỉ luôn duy trì khoảng 500 nghìn đồng trong ví khi ra đường, tôi cũng thường chỉ duy trì khoảng 1 triệu đồng tiền mặt để tiêu, mọi công to việc lớn đều rút tiền từ thẻ ATM.

2 vợ chồng ở Hà Nội tiêu tổng 4 triệu/tháng, lên kế hoạch tiết kiệm 10 năm để xây nhà 2

Đặc biệt, ông bà nội ngoại hai bên đều còn khỏe, biết vợ chồng trẻ chuẩn bị có con, cả hai bên thường dặn chúng tôi rằng, không được mua gì biếu xén cho bố mẹ mà hãy dành dụm để chăm lo con cái, ông bà hai bên còn thường cho thức ăn, đồ đạc nên đỡ được khá nhiều khoản chi tiêu.

Nuôi những giấc mơ dài hơi

Cho dù có tổng mức thu nhập không ở mức cao, nhưng chúng tôi cũng như rất nhiều cặp vợ chồng khác đều muốn tự mình xây được nhà, có đủ kinh tế cho các con ăn học đầy đủ sau này.

Trước khi lấy nhau, chồng tôi vốn là một chàng trai hiền lành, ít giao du nên đã tiết kiệm được 200 triệu đồng, còn tôi tiết kiệm được 100 triệu đồng và đều đang gửi ngân hàng. Số tiền tuy không quá lớn nhưng cũng đủ để phòng thân và làm nền tảng sau này. Việc chi tiêu tiết kiệm như hiện nay khiến hai vợ chồng để ra được 5 đến 6 triệu đồng một tháng, nhưng đến lúc đẻ con ra thì có lẽ không tiết kiệm được đồng nào.

Để tăng thêm thu nhập, gần đây, chồng tôi nhận viết content cho một công ty, mỗi tháng thêm được 3 triệu đồng bù lại số tiền lương bị giảm ở trường do dịch COVID-19, tuy vậy tối nào anh cũng phải làm việc đến 12 giờ đêm.

Mùa Euro năm nay, chồng tôi cũng xem bóng đá như nhiều người đàn ông khác, nhưng anh chẳng cần bia và mồi nhắm, chỉ đơn giản là pha ấm trà loãng và cổ vũ một mình, mỗi tháng kể cả uống loại trà ngon nhất cũng chỉ mất khoảng 200 ngàn đồng. Nhiều người chê chồng tôi sợ vợ, hà tiện khi chẳng bao giờ đi nhậu bạn bè, nhưng anh chẳng tỏ ra tức tối, vì nhậu không phải là sở thích của chồng tôi, hơn nữa chồng tôi bị đau dạ dày nên rất hạn chế sử dụng bia, rượu.

Vợ chồng tôi cũng có sở thích đi du lịch như bao người, nhưng không phải là du lịch tận hưởng mà chúng tôi thường đi du lịch khám phá, du lịch tiết kiệm. Tức là có thể tự đi những nơi gần, dịch vụ ăn uống tự túc, đi đâu chồng tôi cũng chuẩn bị máy ảnh, bài vở để khi về có thêm một số bài đăng báo, kiếm thêm nhuận bút.

Tôi nhớ nhất là kỳ đi nghỉ tuần trăng mật ở Đà Nẵng, chúng tôi tiêu hết 10 triệu nhưng về anh đã có gần chục bài về du lịch khám phá, tiền nhuận bút thu về được 5 triệu, như vậy là chúng tôi chỉ phải bỏ ra 5 triệu cho kỳ trăng mật đó.

  Ở ngoại thành, có nhiều không gian công cộng thông thoáng hơn và mọi chi tiêu cũng không đắt đỏ như nội thành

Ở ngoại thành, có nhiều không gian công cộng thông thoáng hơn và mọi chi tiêu cũng không đắt đỏ như nội thành

Căn nhà gác chúng tôi đang ở được bố mẹ chồng xây cách đây đã 20 năm, diện tích chỉ khoảng 70 mét vuông. Sau này, chắc chắn sẽ phải phá đi và xây lại, muốn xây 3 tầng chắc chắn và hiện đại phải có khoảng trên 1 tỷ đồng, chúng tôi dự định ít nhất cũng phải 10 năm nữa mới có thể xây được.

Vì không vội xây nên chúng tôi không nghĩ đến việc vay ngân hàng, cứ cố gắng làm lụng, chi tiêu hợp lý, đôi khi bị cho là tiết kiệm hơi quá nhưng chúng tôi vẫn mỉm cười và hài lòng với cách chi tiêu như vậy. Với đà làm và chi tiêu như này, thì khoảng 10 năm nữa là chúng tôi có mới có được 1 tỷ tiết kiệm, lúc đó cũng chúng tôi cũng gần 40 tuổi và tính đến chuyện xây nhà.

Nhiều bạn trẻ nói rằng cần phải xây nhà trước năm 30 tuổi, điều đó rất tốt nhưng không phải ai cũng làm được, điều kiện của mỗi người là khác nhau, nhiều lúc vô hình trung tạo ra áp lực cho giới trẻ, tâm lý đè nặng, 30 không xây thì 40 xây cũng có sao đâu, tiêu chuẩn xã hội là do số đông đặt ra và không đúng với tất cả mọi người, giá trị con người không phải lúc nào cũng nằm ở vật chất, ở nhà cao cửa rộng, tấm lòng trong sáng, nghĩa tình mới là thứ đáng quý nhất.

Bài học gia đình là về chuyện vay tiền

Bài học lớn nhất của cả hai vợ chồng tôi trong quản lý tài chính là không nên cho ai vay tiền và cũng không nên vay tiền ai hay cầm cố đồ đạc. Chồng tôi hồi sinh viên từng cho 2 người bạn vay tiền, mỗi người đều 5 triệu, đó là những đồng tiền tiết kiệm của chồng tôi trong những tháng lương đầu tiên.

2 vợ chồng ở Hà Nội tiêu tổng 4 triệu/tháng, lên kế hoạch tiết kiệm 10 năm để xây nhà 4

Nhưng đến khi đòi thì họ đều chẳng vui lòng, ngại trả mà thời hạn vay đều gần 5 năm trời. Mãi chồng tôi mới đòi được, từ đó tình cảm bạn bè cũng đi xuống, đúng là mất lòng trước còn hơn được lòng sau.

Chúng tôi cũng chưa từng vay tiền ai bao giờ kể cả vay nóng, vay có việc gấp hay chỗ thân quen, bởi chúng tôi biết rằng có vay phải có trả, mình hãy cố trong khả năng nhất trước khi nghĩ đến chuyện vay, kiềm chế “cơn nghiện mua sắm” lại một chút, chỉ trừ trường hợp khẩn cấp liên quan đến sức khỏe thì chúng tôi mới nghĩ đến chuyện vay mượn.

Đến nay, chúng tôi đang có khoảng 400 triệu, nguồn đó đến hoàn toàn từ tiền tiết kiệm trong chi tiêu chứ không hề buôn bán hay trúng thưởng gì. Tuy vậy, phía trước chúng tôi sẽ đón em bé đầu lòng, rồi một hai năm nữa là em bé thứ hai, thời gian con nhỏ chỉ hy vọng không phải dùng đến tiền trong khoản 400 triệu đó mà tiền lương hai vợ chồng sẽ cáng đáng được.

Đôi khi nghĩ về những khó khăn trước mắt, nghĩ nhà mình khổ hơn nhà khác, nghĩ con mình sau này không được đầy đủ bằng con nhà người ta nhưng chúng tôi lại nhìn về các thế hệ trước và thấy rằng, các cụ ngày xưa thiếu thốn đủ bề nhưng khéo ăn thì no, khéo co thì ấm vẫn nuôi các con phương trưởng.

Chúng tôi nghĩ rằng, sau này không phải cứ cho con vật chất đầy đủ là con sẽ khôn lớn mà cần tạo điều kiện cho con tự lập, thích khám phá, trân quý giá trị lao động và trở thành con người có trách nhiệm với bản thân, xã hội.

Người dự thi: Trần Thị Thúy Vân (27 tuổi, Hà Nội)

2 vợ chồng ở Hà Nội tiêu tổng 4 triệu/tháng, lên kế hoạch tiết kiệm 10 năm để xây nhà 5

Cuộc thi "Bí kíp tiêu dùng thông minh" chia sẻ những câu chuyện có thật, giúp độc giả có cái nhìn phong phú, thực tiễn hơn trong cách tiêu dùng, quản lý tài chính của từng gia đình, từ đó rút ra cách quản lý tài chính khôn ngoan, tiêu dùng thông minh hơn.

Mỗi bài dự thi đăng trên http://giadinhmoi.vn sẽ được nhận ngay nhuận bút 1 triệu đồng. Cuộc thi do Tạp chí Gia Đình Mới và Ngân hàng SeABank phối hợp tổ chức.

Chi tiết cuộc thi TẠI ĐÂY

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO