Nhiều người đang mắc phải sai lầm khi bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh dẫn đến thực phẩm không giữ được màu sắc và giá trị dinh dưỡng.
Theo kỹ sư dinh dưỡng Võ Thị Thùy Linh, khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, việc dự trữ thực phẩm trong nhà, tủ lạnh, tủ đông là việc hết sức bình thường, nhưng phải bảo quản thực phẩm đúng cách để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ được màu sắc và giá trị dinh dưỡng thực phẩm.
Nhiều người đang mắc phải những sai lầm dưới đây khi bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh khiến thực phẩm mất chất, không giữ được màu sắc, hương vị.
Nhồi nhét tất cả thực phẩm vào tủ lạnh sau khi mua về hoặc ăn thừa: Mọi người thường cho rằng, bất kì thực phẩm nào sau khi mua về hoặc ăn dư thừa đều có thể cho vào bất kỳ ngăn nào trong tủ lạnh cũng được. Cách làm này là hoàn toàn sai lầm.
Chúng ta nên bọc kín bằng nylon hoặc cho thực phẩm vào các hộp nhựa có nắp đậy kín để không bốc mùi khó chịu trong tủ lạnh cũng như hạn chế việc các vi sinh vật từ trong thức ăn phát triển, rồi mới xếp vào các ngăn trong tủ lạnh theo thứ tự thực phẩm chín (thực phẩm đã quá nấu nướng) ở ngăn trên và thực phẩm sống (chưa qua nấu nướng) ở ngăn dưới nhằm tránh tình trạng lây nhiễm chéo từ thực phẩm tươi sống sang thực phẩm chín, từ thực phẩm chưa sạch sang thực phẩm sạch.
Không nên nhồi nhét, dự trữ thực phẩm quá nhiều. Hãy sắp xếp mọi thứ xen kẽ nhau và đặc biệt là phải thông thoáng ở vị trí hệ thống khí vì như vậy sẽ làm cho hệ thống khí làm lạnh lan tỏa đều khắp tủ lạnh, đảm bảo nhiệt độ, không ảnh hưởng đến chất lượng bảo quản.
Để trà và cà phê trong tủ lạnh: Trà và cà phê là những loại thực phẩm không nên để trong tủ lạnh vì nhiệt độ thấp trong tủ lạnh gây ngưng tụ ảnh hưởng đến hương vị, chất lượng trà và cà phê.
Nên đựng trà, cà phê trong chai lọ, bình kín khí (không đựng trong các lọ bằng nhựa, kim loại) và để ở môi trường nhiệt độ thường, tránh ánh sáng mặt trời, hơi nóng, các thực phẩm có mùi (gia vị,…). Đặc biệt, không để trà cạnh cà phê, chúng sẽ làm mất mùi của nhau.
Để thịt, cá quá lâu trong tủ lạnh: Không nên bảo quản thịt, cá tươi hơn 1 tuần trong tủ lạnh vì nếu để quá lâu, các phân tử protein sẽ bị biến tính, không còn tốt cho sức khỏe, nhất là với trẻ nhỏ có hệ tiêu hóa non nớt.
Nếu bảo quản thịt, cá ở ngăn đá, chúng ta cần làm sạch thịt, cá tươi trước khi bọc kín nhiều lớp để ngăn cho không khí bên ngoài lọt vào nhằm tránh đông đá quá nhiều trên bề mặt hay không bị đông cứng quá mức, mất nước và thay đổi màu sắc, mùi vị. Khi sử dụng thịt, cá để trong ngăn đá tủ lạnh, chúng ta chỉ rã đông với lượng vừa đủ để sử dụng.
Để trứng bên cánh cửa tủ lạnh: Trứng cần được giữ nguyên trong hộp thoáng khí hoặc đặt vào khay đựng trứng chuyên dụng trong tủ lạnh nhưng không để khay bên cánh cửa. Bên cạnh đó thì không nên để trứng chung với những thứ có nhiều tinh dầu (gừng, hành, ớt…) vì mùi của những loại này sẽ xâm nhập vào trứng thông qua lỗ thông khí trên vỏ trứng làm cho trứng bị biến chất.
Để sữa đặc, mật ong trong tủ lạnh: Các loại thực phẩm như sữa đặc, dầu thực vật, mật ong không cần cho vào tủ lạnh bảo quản, bởi làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến độ sánh, gây kết tinh đường ở sữa đặc và mật ong. Chỉ cần để sữa đặc, mật ong nơi khô ráo, thoáng mát và đậy kín tránh ruồi, gián, kiến.
Nhồi nhét tất cả các loại hoa quả, trái cây vào tủ lạnh: Mỗi loại hoa quả, rau củ cần được bảo quản khác nhau nên không thể tống tất cả vào chung một góc trong tủ. Ví như quả chanh là 1 loại quả mọng nước, tinh dầu, nên chúng ta nên gói lại bằng giấy trước khi cho vào bảo quản ở tủ lạnh.
Còn đối với chuối, khi chuối mới mua về vẫn còn tươi (phần cuống vẫn còn xanh) hay chuối vừa chín tới, chúng ta nên bảo quản ở nhiệt độ thường và treo trên 1 cái móc, tránh ánh nắng mặt trời, hơi nóng. Vì nhiệt độ cao sẽ làm chuối nhanh chín hơn và mau hư hơn.
Đối với chuối đã chín, chúng ta không nên đặt chuối chín trực tiếp trong tủ lạnh mà không bao bọc gì. Vì nhiệt độ thấp trong tủ lạnh sẽ khiến chuối chín và nhanh thâm vỏ hơn nhiều lần. Chúng ta có thể dùng màng bọc thực phẩm quấn quanh cuống nải chuối hoặc trái chuối nếu muốn cho vào tủ lạnh bảo quản.
Với cà chua, tùy theo độ chín mà có cách bảo quản khác nhau. Cà chua còn xanh thì nên bảo quản nhiệt độ phòng, còn cà chua đã chín mọng thì mới cho vào tủ lạnh bảo quản.
Các loại khoai, hành tây, hành tím không nên rửa trước khi bảo quản, nơi có ánh sáng trực tiếp chiếu vào hay nơi không khí có độ ẩm cao (tủ lạnh…) nên bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát để ức chế sự nảy mầm. Đồng thời, không để các loại trái cây (chuối, táo, lê…) cạnh nơi bảo quản khoai, vì khí ethylen trong các loại trái cây thoát ra sẽ làm khoai nhanh thối hơn.
Những loại rau có nhiều lá cần phải nhặt sạch những lá bị vàng, hỏng, rửa và để thật ráo nước rồi cho vào túi để bảo quản giữ lạnh.
Và cần nhớ rằng, việc bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh không có nghĩa là sẽ giữ được màu sắc, mùi vị và độ an toàn 100%. Bảo quản đúng cách chỉ nhằm phần nào hạn chế mất giá trị dinh dưỡng của thực phẩm, giúp thực phẩm lâu bị hư hỏng hơn.
Do đó, các bà nội trợ nên mua vừa phải lượng thực phẩm cần dự trữ và dự trữ chúng trong thời gian ngắn hạn. Mỗi ngày nên lên thực đơn với lượng vừa phải, tránh lưu giữ thức ăn chín trong tủ lạnh, rồi phải hâm đi hâm lại nhiều lần sẽ vừa làm giảm màu sắc, mùi vị, vừa giảm chất lượng thức ăn.