Ung thư tuyến giáp thể tủy có thể xảy ra ở những cá thể đơn độc, hoặc di truyền trong gia đình. Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa tiến triển rất nhanh và rất khó để điều trị.
Bác sĩ Trần Lê Vũ (Phòng khám CarePlus) đã đưa ra những khuyến cáo để người bệnh có thể sống chung với ung thư giáp, giảm thiểu nguy cơ tử vong vì bệnh. Gia Đình Mới trân trọng giới thiệu bài viết này:
“Trong thực hành hàng ngày, chúng tôi nhận thấy có sự gia tăng tần suất phát hiện nhân giáp, nhất là ở nữ giới; đây là một tình trạng có thể dẫn đến hoặc là chỉ báo của ung thư tuyến giáp.
Có khoảng 10.000 ca ung thư tuyến giáp được phát hiện mới mỗi năm tại Hoa Kỳ. Ở Việt Nam, trong năm 2018 có 5.418 ca ung thư giáp mới được phát hiện, đồng thời với 528 ca tử vong vì ung thư giáp.
Thống kê này đã đưa ung thư tuyến giáp đứng hàng thứ 9 trong tổng số 36 loại ung thư tại Việt Nam, với tỷ lệ tử vong đứng hàng thứ 22.
Tuyến giáp nằm ở hai bên cổ tiết ra nội tiết tố để điều hòa chuyển hóa. Các tế bào trong tuyến giáp gồm các tế bào nang và tế bào cận nang.
Ung thư tuyến giáp là sự phát triển bất thường của các tế bào này. Những ung thư này có thể khởi phát từ các tế bào nang (ung thư thể nhú, nang, và không biệt hóa), hoặc các tế bào cận nang (ung thư biểu mô tủy).
Ung thư tuyến giáp thể nhú là loại thường gặp nhất. Nó thường xảy ra ở người trẻ tuổi. Ngược lại, ung thư tuyến giáp thể nang lại thường gặp ở người cao tuổi.
Ung thư tuyến giáp thể tủy có thể xảy ra ở những cá thể đơn độc, hoặc di truyền trong gia đình. Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa tiến triển rất nhanh và rất khó để điều trị.
Nguyên nhân gây ung thư tuyến giáp chưa được biết chắc chắn. Tuy nhiên, tiếp xúc với bức xạ là một yếu tố nguy cơ của loại ung thư này, đặc biệt ở trẻ em đã có điều trị bằng tia xạ tại các vị trí đầu, cổ hoặc phần trên ngực trong thời kỳ thơ ấu. Cần biết rằng ung thư tuyến giáp là không lây nhiễm.
Thông thường, một nhân giáp là dấu hiệu đầu tiên của bệnh. Khi ung thư tiến triển, chúng thường xâm lấn đến các vùng lân cận và gây khàn giọng, khó nuốt, nổi hạch và đau cổ.
Bác sĩ có thể nghi ngờ ung thư tuyến giáp khi tìm thấy nhân bên trong tuyến giáp. Để có bằng chứng của ung thư, các tế bào trong nhân giáp sẽ được lấy ra qua thủ thuật sinh thiết bằng kim nhỏ (FNA) và được nhận dạng dưới kính hiển vi.
Điều trị ung thư giáp có thể bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hay hóa trị. Phương cách điều trị sẽ tùy thuộc vào mức độ gieo rắc của ung thư.
Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ hay một phần tuyến giáp có thể gây tổn thương dây thanh. Nếu toàn bộ tuyến giáp bị cắt bỏ, bạn sẽ phải uống hormon giáp tổng hợp suốt đời. Nếu cắt giáp bán phần, bạn vẫn có thể phải uống hormon để ngăn chặn sự phát triển của mô tuyến giáp còn lại.
Điều trị với iode phóng xạ có thể được viện dẫn sau phẫu thuật hoặc để điều trị các ung thư giáp di căn. Cần nhớ là, iode phóng xạ sẽ “giết” cả tế bào ung thư lẫn tế bào lành.
Hóa trị là phương cách cuối cùng, khi các biện pháp điều trị khác không hiệu quả.
Những điều nên làm để sống chung với ung thư giáp:
- Tuân thủ toa thuốc điều trị.
- Nhớ rằng càng phát hiện sớm, cơ may điều trị khỏi càng lớn.
- Đi khám ngay nếu bạn phát hiện nhân hay hạch vùng cổ, hoặc nếu bạn bị khàn giọng.
- Đi khám ngay nếu bạn bị run tay, tiêu chảy, vã mồ hôi và hồi hộp. Lý do là vì có thể bạn đã uống quá nhiều hormon giáp tổng hợp sau phẫu thuật.
- Tham vấn ngay với bác sĩ nếu bạn không chịu được lạnh, táo bón, rụng lông mày và tăng cân. Trong trường hợp này, có thể bạn không bổ sung đủ hormon giáp.
- Tham vấn ngay với bác sĩ nếu sau phẫu thuật cắt tuyến giáp bạn thấy tê xung quanh miệng, đầu ngón tay, ngón chân, cùng với căng cơ (vọp bẻ) ở tay, chân, hay mặt. Đó là chỉ dấu của tình trạng hạ can-xi trong máu.
Đặc biệt, người bệnh không nên bỏ hẹn tái khám, vì rằng trong khi tái khám, việc khám cổ cẩn thận, xét nghiệm máu, và khảo sát hình ảnh học tuyến giáp sẽ giúp phát hiện ung thư có tái phát hay không.