Bệnh sởi đang bùng phát mạnh tại TP.HCM, với nhiều trường hợp mắc bệnh là trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai. Dù đã có vắc-xin phòng ngừa nhưng hiện nay tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin sởi vẫn đang khá thấp.
Các chuyên gia y tế của Việt Nam đánh giá, nguyên nhân của thực trạng này là do vẫn còn một bộ phận người dân không hiểu biết đầy đủ, chưa quan tâm chu đáo đến con mình, chưa cho con đi tiêm chủng.
Nguy hiểm hơn là còn một bộ phận có trào lưu anti vắc-xin ở một số nước cũng góp phần khiến dịch sởi có nguy cơ bùng phát trở lại như hiện nay.
Trong bài viết này, bác sĩ nhi khoa Trương Hoàng Hưng (Giảng Viên Lâm Sàng của Texas Tech University, công tác tại MD Kids Pediatrics, thành phố McKinney, Texas) đã chia sẻ những điều nên biết về vắc-xin sởi để độc giả hiểu đúng và đầy đủ hơn. Được sự đồng ý của tác giả, Gia Đình Mới xin đăng tải bài viết.
"Dịch sởi bùng phát ở Việt Nam là điều tất yếu và đây chỉ mới là khởi đầu mà thôi. Ở Mỹ cũng bắt đầu bùng phát lẻ tẻ do tỷ lệ tiêm chủng giảm vì anti vắc-xin, còn thuốc thì vẫn đầy đủ.
Bệnh sởi khủng khiếp ở chỗ là nó làm suy giảm hệ miễn dịch, gây viêm phổi nặng, viêm tai, viêm não, khô loét giác mạc gây mù… Một đứa trẻ bị sởi nặng nếu sống sót tới 6 tháng sau vẫn chưa hồi phục hoàn toàn.
Vắc-xin sởi là một vắc-xin sống, tức là có một lượng nhỏ virus đã làm giảm độc lực, đủ để khởi phát phản ứng miễn dịch ở người được chủng ngừa nhưng không gây bệnh.
Vắc-xin sởi được tiêm muộn hơn các loại vắc-xin khác vì trẻ được bảo vệ từ kháng thể của mẹ lúc sinh ra, tác dụng bảo vệ này giảm dần sau 6 tháng.
Đồng thời kháng thể này cũng làm giảm tác dụng của vắc-xin. Hiện nay Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo liều đầu lúc 12 - 15 tháng, liều 2 lúc 4 - 6 tuổi.
Nếu sắp đi vào vùng dịch có thể chủng ngừa trên trẻ 6 - 12 tháng nhưng liều này không tính vào hai liều tiêu chuẩn. Có lẽ đây là lý do trẻ ở Việt Nam được chủng ngừa sớm hơn.
CDC khuyến cáo trẻ trên 12 tháng, trẻ lớn và người lớn không có miễn dịch với sởi (được xác nhận bằng định lượng kháng thể) nên được tiêm chủng 2 mũi sởi, cách nhau ít nhất 28 ngày, trước khi đi du lịch ra nước ngoài.
Phụ nữ trong độ tuổi mang thai nên được chủng ngừa 2 mũi sởi, nhưng không chủng ngừa trong lúc mang thai.
- Có tiền sử dị ứng nặng với vắc-xin sởi, kháng sinh neomycin hay các thành phần trong vắc-xin
- Đang bệnh nặng
- Đang có các bệnh làm suy giảm miễn dịch như ung thư, hoá trị, xạ trị, dùng corticoid, giảm tiểu cầu.
- Phụ nữ mang thai, nên chủng ngừa sởi ít nhất là 4 tuần trước khi thụ thai.
Theo CDC, một liều sẽ bảo vệ tới 93%, hai liều thì 97%, trẻ dưới 12 tháng thì thấp hơn do hệ miễn dịch chưa trưởng thành.
Vậy nên dù chích ngừa sởi rồi vẫn có 1 tỷ lệ nhỏ có thể mắc bệnh sởi. Có điều tốt là những trẻ đã có tiêm phòng sởi, dù cho mắc sởi thì thường bệnh nhẹ hơn và ít lây nhiễm hơn là trẻ không được tiêm vắc-xin sởi.
- Giống như các loại thuốc khác, vắc-xin sởi cũng có một tỷ lệ rất nhỏ gây phản ứng dị ứng
- Một số trường hợp có thể có triệu chứng sởi sau chủng ngừa, nhưng không phải là bệnh sởi, điều này giống như vắc-xin cúm vậy.
- Thuốc không có thuỷ ngân, không gây bệnh tự kỷ như mấy tín đồ chống vắc-xin vẫn tuyên truyền.
Cái hình dưới đây là khô loét giác mạc gây mù mắt do biến chứng sởi trên bệnh nhân 21 tuổi. Cái nào đáng sợ hơn.