10 năm hai mẹ con bà Nguyễn Thị Sinh sống dựa vào nhau. Chăm con vất vả nhưng bà mẹ 70 tuổi vẫn nói rằng, con khổ 10 thì mình khổ 5 thôi nên bà luôn nhẹ nhàng trước những cáu giận vì bệnh tật của con...
5 giờ sáng những ngày thứ 2, thứ 4, thứ 6, bà Nguyễn Thị Sinh (70 tuổi, ở quê nhà Ba Vì, Hà Nội) chậm rãi trở mình, gập người quay về hướng đứa con gái của bà là chị Vương Thị Xuyên, 32 tuổi đang lùa vội vài miếng cơm nguội cho kịp giờ tới bệnh viện để chạy thận nhân tạo.
Như một quán tính đã quen từ 10 năm nay, cứ 5 giờ 35 phút, chị chào mẹ, khoác cái ba lô đã sờn chỉ đi bộ qua vài con ngõ nhỏ, chỉ vừa đủ rộng để hai người đi bộ tránh nhau.
Một ngày mới của bà Sinh bắt đầu cùng lúc với giờ con gái của mình bước ra ngoài, đi bộ tới nơi chạy thận cách đó khoảng hơn 1 cây số.
Những tia nắng đầu tiên của ngày hè đến len lỏi qua khe cửa chính, hằn lên khuôn mặt chị Xuyên. Chị cũng quên luôn chuyện đêm qua, mình bị tỉnh giấc giữa chừng vì huyết áp tụt, tay chân run rẩy. Chị chỉ kịp quờ quạng nồi cơm nguội mang lên giường, vừa nằm vừa bốc ăn.
Chiếc khăn ẩm đắp ngang người chị rơi xuống giường. Bên cạnh, mẹ chị khó nhọc chợp mắt giữa những cơn nóng hầm hập gieo xuống chiếc giường được đặt giữa phòng trọ.
Hai mẹ con họ trải qua những điều ấy mỗi ngày nên nó không còn là một điều lạ, không còn bị giật mình thon thót hay lo lắng thái quá như những ngày đầu nữa.
Hai mẹ con bà Sinh mới chuyển về cách đây vài tháng, sau suốt gần 9 năm trời sống trong một phòng trọ cuối con ngõ cụt. Nhưng thật không may, nó lại hướng Tây.
“Trước kia, hai mẹ con ở phòng tầng một, lại được che trước, chắn sau, mát hơn bên này nhiều”, bà Sinh ngóng về hướng căn nhà trọ cũ đầy nuối tiếc.
Vừa đổ đầy thau nước để gần chiếc quạt đầu giường, bà Sinh nghĩ về 10 năm đằng đẵng theo con tới trung tâm Thủ đô: “Sinh con ra ai chẳng mong con mình khôn lớn, khoẻ mạnh. Nhưng con tôi lại không được may mắn như bạn bè của nó. Bệnh của con tôi chết lúc nào biết lúc đấy chứ chắc cũng không về quê sống với gia đình được”.
Như những bà mẹ chăm con trong xóm chạy thận, bà Sinh biết chị Xuyên uống gì sau mỗi lần chạy thận nhân tạo để tỉnh táo, nghỉ bao nhiêu lâu thì ăn bữa cơm trưa, rồi chiều ngủ đến mấy giờ…
Bà nắm chắc khoảng thời gian nghỉ chạy thận từ thứ 6 tới thứ 2 tuần sau, cân nặng của con gái bà từ 36 kg lên 41 kg hay buổi sáng của ngày chạy thận nhân tạo con nặng khoảng 40 kg, sau khi chạy thận nhân tạo, cân nặng của con về lại mức 36-37 kg.
Thời gian biểu của bà Sinh biến thiên theo thời gian chạy thận, nếp sinh hoạt của con gái bà.
6 giờ kém, bà Sinh thong thả đi chợ sau khi dọn dẹp phòng trọ - nơi bà luôn coi là “nhà” vì bà xác định hai mẹ con chắc chắn bám trụ lại nơi này rất lâu. Trong đầu bà Sinh gạch ra những thứ thực sự cần thiết. Bò húc. Phải mua bò húc cho con gái.
Lòng bà Sinh khấp khởi mừng vui khi mường tượng cảnh con gái của mình như bừng tỉnh sau khi uống một mạch hết lon bò húc được bà nâng niu cất tủ lạnh.
Chị Xuyên cười khanh khách, nói với mẹ của mình về “thành tích” tiết kiệm tiền cho những thứ chị cho là cần thiết hơn. Nhìn đứa con gái của mình vừa hồi lại sau khi đi bộ dưới cái nắng hơn 40 độ C, bà Sinh xót ra, “Tôi chỉ tiêu những gì đáng tiêu, giành hết những gì tốt đẹp nhất cho con của mình”.
- Hôm nay nắng quá con định đi xe ôm. Ra hỏi, ông ý bảo 20 nghìn nên thôi con đi bộ cũng được, tiết kiệm được 2 lon bò húc.
- Mẹ có thể nhịn ăn để cho con tiền đi xe ôm 2 lượt đi, về. Chứ mẹ thấy con đi bộ mà phải nghỉ hàng chục lần mới về đến phòng trọ khổ quá!
Thi thoảng, hai mẹ con giận nhau chỉ vì bà Sinh muốn con gái đi xe ôm cho đỡ mệt còn chị Xuyên “cãi” mẹ, “Con đi bộ được thì con vẫn cố đi để tiết kiệm tiền”.
Bà Sinh tìm đủ mọi cách để làm cuộc sống của con gái bà vui nhất có thể. Ai cho đồng nào, bà đều cất riêng một khoản, cộng dồn vào với số tiền ít ỏi bà dành dụm được, bà cho con gái tiền mua chiếc điện thoại để con tìm nguồn vui trên internet, kết bạn hoặc mua chút đồ con gái.
Người mẹ đã ngoài 70 tuổi lắc chùm chìa khoá, đi ra đầu xóm rồi lại đi về nhà. Dù biết đúng đến khoảng từ 10 giờ 30 đến 11 giờ kém, con gái bà mới về tới đây nhưng bà Sinh vẫn sốt ruột.
Đã 10 năm rồi, bà chưa bao giờ hết nóng ruột mỗi lần con gái đi khỏi tầm nhìn của mình. Mới 10 giờ, bà đã ngồi ngóng đợi con từ lúc nào. Bà vừa luộc xong nắm đỗ mới mua lúc sáng cùng vài lon bò húc.
Trong lúc chị Xuyên đang tranh thủ chợp mắt khi nằm chạy thận nhân tạo có điều hoà thoáng mát, bà Sinh đang ngồi ở quán nước đầu xóm chạy thận, nơi chỉ có chiếc quạt điện gắn vòi phun sương quay vòng làm mát cho gần 10 người và chiếc nón phe phẩy.
- Công chúa của mẹ về đây rồi! Cười lên mẹ xem nào!
Đang ngồi nói chuyện với những người sống cùng trong xóm chạy thận, bà Sinh bật đứng dậy, đi nhanh về hướng con gái của mình.
- Mẹ bảo nắng thế này, con đi xe ôm! Sao không nghe mẹ…
- Con vẫn đi bộ được. Hôm nay con đi 20 phút về tới đây, không phải nghỉ giữa đường lúc nào…
Vừa nói chuyện với con gái, bà Sinh cúi mình, truyền ba lô từ lưng con sang đôi vai của mình. Chị Xuyên đi trước, bà Sinh theo sau. Hai mẹ con men theo bóng râm, cứ thế lần lượt đi qua nhiều con ngõ nhỏ dẫn về phòng trọ xa nhất của xóm chạy thận. Không gian vắng lặng, chỉ nghe tiếng chìa trên tay bà Sinh va vào nhau, đập vào hai thành ngõ vang xa.
- Mẹ khoá cửa cổng đấy. Để mẹ đi trước, mẹ mở cho…
Về đến cổng của dãy trọ, chị Xuyên ngồi thụp xuống, cúi mặt xuống đất.
- Con vào nhà đi kẻo nắng. Nóng lắm đúng không? Mẹ có mua bò húc đấy. Con uống đi.
- Nắng quá, lúc nãy con uống bò húc luôn trên bệnh viện rồi xong mới về.
Cởi chiếc áo chống nắng, chị Xuyên lao vội lên giường vì đã quá mệt. Bà Sinh cất chiếc ba lô vào một ngăn tủ, gấp chiếc áo chống nắng, lấy bộ quần áo mát mùa hè đặt sẵn trên giường. Bà nhìn vào tấm lưng gầy của chị Xuyên lấm tấm giọt mồ hôi, giục con gái thay quần áo cho mát. Bà quay quạt hướng về con và cứ ngồi thế đến lúc chị đủ sức dậy thay quần áo và ăn cơm trưa.
Bữa cơm trưa của hai mẹ con đơn giản, vì chị Xuyên cũng chẳng muốn ăn gì nên bà Sinh chỉ nấu món nào dễ nuốt, để con gái ăn hết bát cơm, có sức chống chọi với bệnh tật.
Từ ngày đồng hành với con gái, bà Sinh trở thành một “điều dưỡng bất đắc dĩ”. Bà biết cách đo huyết áp, biết các chỉ số cho biết huyết áp của con gái đang bình thường, thấp hay cao. Thậm chí, những lần con gái bị chảy máu, bà cũng bông băng thuốc đỏ cho chị.
Trong đầu bà Sinh không phải chưa nghĩ đến một ngày đứa con tóc còn xanh của mình sẽ mãi mãi rời xa. Nhưng bà luôn coi mỗi ngày được sống bên đứa con của mình là một ngày sống hết lòng, hết sức để không phải nuối tiếc điều gì cả. Bà còn làm được gì cho con, bà luôn cố gắng để làm, dù có nhọc nhằn, gian truân.
Một năm, bà Sinh về quê chỉ một vài lần, còn chị Xuyên sức yếu quá phải nằm lại phòng trọ. Thương con thiệt thòi, bố mất đúng vào khoảng thời gian phát hiện con bị suy thận cấp độ 4, bà dành toàn bộ thời gian và tâm sức của mình để ở bên cô con gái.
10 năm hai mẹ con sống dựa vào nhau, đã có những lúc chị Xuyên cáu giận nhưng bà Sinh chỉ im lặng, gói gọn trong lòng và luôn là người xoa dịu, làm hoà trước. Như những khi chị lên cơn sốt, rét run, bà chưa kịp lấy gối sưởi, chị cáu.
- Thế thì mẹ đi chăm con làm gì, mẹ ở nhà còn hơn!
- Mẹ già ngoài 70 tuổi rồi nên không còn được nhanh nhẹn nữa…
Hay những khi muốn chị Xuyên ăn thêm ít cơm, chút thức ăn để có sức, “Con cố gắng ăn thêm để không bị tụt huyết áp”, chị cũng cáu.
“Giận thế nào được! Con bị bệnh khổ 10 thì mình chỉ khổ 5 thôi”, bà Sinh luôn nhẹ nhàng trước mọi diễn biến cảm xúc của con gái mình. Để khi nào cơn cáu giận của con qua đi, hai mẹ con lại cùng nhau xây thêm những ngày phía trước đáng sống và đáng để hy vọng.
“Con nhìn xuống thì mình chẳng có gì nhưng khi nhìn lên, con vẫn còn có mẹ ở đây!”.