Một người đàn ông thực sự tôn trọng vợ là một người đàn ông biết lắng nghe những khao khát thôi thúc bên trong người vợ của mình, ngay cả khi cô ấy không nói ra.
“Tôi là người thích khám phá thế giới. Có nhiều con đường để một người có thể thực hiện được điều đó: đi, đọc sách, xem phim… Còn tôi, tôi lựa chọn đi để mở mang đầu óc.
Từ hồi 4 - 5 tuổi, mỗi lần ngửa mặt ngắm bầu trời đêm, tôi hay tự hỏi phía tận cùng của bầu trời kia là gì? Thấy bất cứ con đường, dòng sông nào, tôi cũng băn khoăn rằng nó sẽ dẫn đi đâu? Tôi khao khát thực hiện ước mơ du ngoạn từ những ngày nhỏ.
Với tôi, đi du lịch cần phải tự do tài chính, tự do thời gian, tự do sức khỏe, có đầy đủ vốn sống và kỹ năng sống để đối mặt với rất nhiều tình huống phát sinh nơi xứ người, có đủ uy tín để xin visa, có ngoại ngữ và cần sự sẻ chia từ người thân.
Tôi thực hiện ước mơ của mình bằng cách từng bước đạt được những tự do đó. Trong bất kỳ hành trình nào, tôi luôn cố gắng tạo sự thoải mái nhất có thể.
Năm nào tôi cũng đi vài lần. Tôi có thói quen lên kế hoạch du lịch cách thời điểm lên đường từ 2 - 3 năm trước. Khi làm theo kế hoạch thì mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn. Tôi không thích việc ai đó cản trở tôi thực hiện các kế hoạch".
Nhà văn Di Li bắt đầu cuộc trò chuyện cởi mở bằng sự hào hứng của những chuyến đi. Nữ nhà văn sinh năm 1978 đeo chiếc đồng hồ cùng màu với bộ trang phục thanh lịch, nhẹ nhàng. Có lẽ đây cũng là thói quen nhắc nhở những kế hoạch chị đã lên và cố gắng thực hiện bằng được.
Di Li từng chia sẻ: "Tôi là người ưa chuyển dịch. Những chuyến đi xa luôn là nguồn cảm xúc vô tận và kỳ ảo. Khi đắm chìm trong nó, tôi mới thấy mình thực sự là mình". Không biết Tết năm nay chị có đi du lịch ở đâu không?
- Khoảng 10 năm qua, mỗi dịp Tết tôi đều đi du lịch ở nước ngoài hoặc trong nước. Tôi đã từng ăn Tết ở Hội An, Sa Pa, Mianma, Đài Loan, Singapore, Malaysia và năm nay ở Hàn Quốc.
Tết năm ngoái là lần đầu tiên tôi ở nhà cả Tết sau nhiều năm vì tôi chuyển đến nhà mới, muốn đón bạn bè đến chơi.
Năm nay, tôi và con gái đi Hàn Quốc từ 26 Tết. Đây là lần đầu tiên hai mẹ con đi xuyên Tết. Mọi năm tôi ở nhà cúng giao thừa và Mùng Một xong, Mùng Ba cả gia đình mới xuất hành.
Về mặt tín ngưỡng và văn hóa, Tết là ngày gia đình đoàn tụ, dịp nhớ tới ông bà tổ tiên và các bậc sinh thành, bỏ qua những thất bại và cùng cầu chúc cho một năm mới an lành, hạnh phúc. 40 năm qua, Tết trong chị là gì?
- Tết với tôi là dịp đoàn viên, là ngày vui. Tôi thích các giá trị truyền thống của ngày Tết Nguyên Đán.
Tại sao chúng ta cứ đóng khung trong suy nghĩ phải ở nhà ăn Tết? Chúng ta cũng nên có trải nghiệm Tết đi đâu đó để thay đổi không khí. Thay vì như vậy năm nào cũng ngồi nhà với nhau cả Tết, chúng ta có thể tới một nơi nào đó, cả nhà vẫn sum họp, quây quần bên nhau mà lại khác lạ.
Khi quyết định đi du lịch vào những ngày Tết, chị có nghĩ tới cảm xúc của bố mẹ, người thân không?
- Bố mẹ tôi là người có tư tưởng hiện đại. Ông bà thoải mái và làm mọi điều để con cái được hạnh phúc.
Tất nhiên, tôi không lạm dụng điều đó mà vô tâm với bố mẹ vào dịp Tết. Có thể ông bà thấy mình vui, ông bà ủng hộ nhưng đến ngày Tết, nhìn gia đình hàng xóm đoàn tụ cùng con cái, ông bà có lẽ cũng buồn.
Vậy thì, chúng ta cũng cần lựa chọn hài hoà để vừa có thể đi du ngoạn ngày Tết mà lại vừa giữ được những giá trị của ngày Tết cổ truyền?
- Cả đại gia đình chúng tôi đã từng du ngoạn vào những ngày Tết ở Hội An và Sapa.
Chúng tôi làm mâm cơm tiễn ông Công công Táo về trời, cúng Đêm 30 và Mùng Một ở nhà rồi Mùng Hai mới xuất hành. Như vậy, chúng tôi vẫn thực hiện phong tục của ngày Tết cổ truyền mà vẫn có thể khám phá và hưởng thụ một cái Tết đặc biệt ở một vùng đất khác.
Chị đã từng du ngoạn vào dịp Tết ở Sa Pa, Hội An và cả ở nước ngoài. Không khí ngày Tết chị cảm nhận được ở những nơi đó khác gì so với ở nhà?
- Ăn Tết xa nhà thường mất đi không khí của ngày Tết, chỉ còn cảm giác du ngoạn. Mỗi nơi lại có một bản sắc văn hoá riêng, cách ăn Tết của họ cũng khác nơi tôi sinh sống. Hoặc có thể họ cũng ăn Tết như chúng ta nhưng tôi không cảm nhận được nhiều.
Như việc du khách nước ngoài đến Việt Nam trong những ngày Tết, họ phải trải nghiệm ăn Tết trong gia đình người Việt thì mới cảm nhận được ngày Tết cổ truyền của dân tộc mình. Cũng như vậy, khi tôi sang nước ngoài vào dịp Tết, tôi chỉ ngắm nhìn mọi thứ từ xa, tôi không cảm nhận được nhiều.
Chính ra, tôi thấy Hà Nội lại không có không khí Tết lắm đâu. Còn những nơi là đất du lịch như Sa Pa hay Hội An lại rất vui, trang hoàng lộng lẫy, đông đúc và rất nhiều nhà hàng phục vụ các món ăn Tết như Tây, Tàu đủ cả. Tôi và gia đình của mình rất thích không khí sắc màu Tết ở hai vùng đất đó.
Ăn Tết ở nước ngoài chỉ còn là cảm giác du ngoạn nhưng chị vẫn du lịch vào ngày Tết. Vậy thì, chị mong chờ điều gì trong mỗi chuyến đi vào dịp Tết?
- Tôi thích trải nghiệm văn hoá khác lạ từ các vùng miền. Ngày trước, tôi đi vào những ngày Tết vì muốn rũ bỏ một số gánh nặng trong dịp này. Như là việc có khi Tết mình phải đi thăm và đón tiếp những người chưa chắc mình đã thích. Chuyến đi sẽ giúp ta tránh được những điều không mong muốn đó.
Tôi vẫn muốn được tận hưởng không khí Tết cổ truyền của đất nước. Tôi thích những nét truyền thống của dân tộc trong bữa cơm tất niên, đón giao thừa, làm mâm cơm cúng ngày Mùng 1, đi thăm bố mẹ, họ hàng... Khi đó, tôi vừa được ăn Tết ở nhà vừa có trải nghiệm ăn Tết ở vùng miền khác.
Không ít người cũng quyết định ăn Tết xa nhà vì lý do sợ Tết. Chị suy nghĩ như thế nào về việc nhiều người cho rằng, Tết đi xa là bất hiếu?
- Mỗi dịp Tết đến, bố mẹ mong đoàn tụ với con cái, trẻ con mong được nhận lì xì, chúng ta đều mong được nhận những lời chúc tốt đẹp. Nếu Tết năm nào tôi cũng đi từ 26 - 27 Tết đến hết Tết mới về thì không hay lắm.
Tôi chưa bao giờ đi du ngoạn vào dịp Tết một mình. Tôi luôn đi cùng người thân hay bạn bè, có khi cả hai. Năm nay, tôi đi từ 26 đến Mùng 3 Tết, tôi vẫn có thể đi chúc Tết thăm ông bà, họ hàng được.
Sẽ cực đoan nếu có suy nghĩ những người ăn Tết xa nhà là bất hiếu. Chúng ta hoàn toàn có thể linh hoạt được việc đi và ở sao cho phù hợp. Như bản thân tôi, có năm tôi đi, có năm tôi ở nhà. Và tôi cũng lựa chọn đi từ Mùng 3.
Vậy tại sao năm nay chị lại đi từ 26 đến Mùng 3?
- Tôi chưa bao giờ có đêm 30 ở nước ngoài nên không biết cảm giác sẽ như thế nào. Tôi muốn thử cảm giác đón Giao thừa ở một đất nước khác.
Một lý do quan trọng nhất, tôi muốn đi để lấy tư liệu viết cuốn tiểu thuyết quan trọng nhất cuộc đời tôi. Tôi luôn có mục đích trong mỗi chuyến đi chứ không tuỳ hứng.
Và như thường lệ, chị sẽ đi cùng bạn bè, gia đình?
- Tôi đi cùng con gái của mình. Trước khi đi, tôi quán triệt với con gái: Mẹ đi chuyến này để làm việc nên con phải ngoan. Nếu chuyến đi có chán, có buồn đến phát khóc thì con phải chấp nhận.
Còn việc sắp xếp công việc nhà theo truyền thống văn hoá ăn Tết của nước ta thì sao?
- Nhà tôi có hai mẹ con nên dễ dàng trong việc sắp xếp mọi thứ. Tôi đã nhờ mẹ tôi làm thủ tục trong những ngày vắng nhà.
Nhiều người cho rằng vào ngày Tết, phụ nữ nên ở nhà lo toan vun vén gia đình thay vì lên đường, chị nghĩ sao về điều này?
- Tôi biết, nhiều người sợ Tết, đặc biệt là phụ nữ. Đối với nhiều phụ nữ, Tết là ác mộng.
Tôi cũng đã có một thời gian sống như nhiều người phụ nữ của gia đình, cứ đến Tết đến là mua thực phẩm tích trữ, đối nội, đối ngoại, dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa…
Hàng trăm công việc không tên đổ dồn lên người phụ nữ. Họ không có thời gian dành cho bản thân mình. Với những phụ nữ có con nhỏ, điều này càng trở thành ác mộng.
Những công việc đó, toàn phụ nữ phải làm chứ đàn ông có mấy ai động tay. Tôi tin, nếu người đàn ông làm tất cả các việc của người phụ nữ làm trong ngày Tết, họ sẽ nghĩ lại.
Sau này, tôi sẽ khuyên con gái, cả năm làm việc vất vả, có mấy ngày Tết thì con nên tranh thủ nghỉ ngơi.
Chị đã từng sợ gánh nặng ngày Tết mà quyết định đi du lịch. Nhưng không phải người phụ nữ nào cũng đủ dũng cảm như chị…
- Tại sao người chồng không dành tặng cả gia đình một chuyến đi vào dịp Tết. Tôi nghĩ, đó cũng là một món quà mừng tuổi ý nghĩa.
Chẳng qua là bản thân những người đó chưa thực sự muốn chứ khi đã muốn thì điều gì cũng có thể làm được. Hoặc có thể họ muốn nhưng họ chưa đủ dũng cảm thực hiện.
Trong đoàn của tôi cũng có những người phụ nữ yếu đuối. Họ răm rắp nghe lời chồng nhưng bây giờ đã hoàn toàn thay đổi.
Thế nhưng, không phải ông chồng nào cũng tâm lý tới mức đó…
- Có những ông chồng chia sẻ với tôi: "Tôi không bao giờ cho vợ đi như thế này". Tôi bảo, "Các anh đi được sao anh lại không muốn cho vợ mình đi đâu?", "Vợ anh không đòi thì thôi kệ", anh ấy đáp.
Như vậy, bản thân chồng đi khắp nơi thì được nhưng không muốn cho vợ đi đâu. Cũng có những ông chồng không đi đâu và bắt vợ cũng phải như mình.
Nghĩa là người vợ càng nghe lời chồng bao nhiêu thì chồng càng lấy điều đó để đàn áp vợ bấy nhiêu. Có những người chồng ích kỷ như vậy và phụ nữ chính là người tiếp tay cho sự ích kỷ đó. Chồng hư là lỗi của vợ.
Một người đàn ông thực sự tôn trọng vợ là một người đàn ông biết lắng nghe những khao khát thôi thúc bên trong người vợ của mình, ngay cả khi cô ấy không nói ra.
Theo như chị chia sẻ thì người vợ không dũng cảm thổ lộ mong muốn du ngoạn với chồng cũng chính là cách khiến họ không thể đi du lịch?
- Tôi nhận thấy, tất cả những người đàn ông tôi gặp, kể cả Tây lẫn Việt, họ đều có tư tưởng, nếu như người phụ nữ không đòi hỏi thì họ mặc kệ.
Một năm cho vợ đi vài ngày, chẳng là gì so với việc họ dành hết tâm sức để vun vén cho gia đình.
Bạn thử nghĩ xem, cả vợ và chồng đều ra ngoài xã hội làm việc với khoảng thời gian như nhau, vợ còn phải sinh con, chăm sóc gia đình, đối nội, đối ngoại… Đó là những công việc nếu chỉ ở nhà làm vợ, làm mẹ thì đã rất vất vả rồi, nữa là tham gia cả công tác xã hội. Vợ cống hiến cả năm rồi thì các ông chồng tiếc gì vợ vài ngày đi du lịch?
Vậy thì, chị em phụ nữ cũng nên có cách để thể hiện mong muốn của mình và làm thế nào để chồng lắng nghe…
- Tôi tin, trên đời không có ông chồng nào thích cho vợ mình đi suốt ngày? Ngay cả phụ nữ cũng không thích chồng như thế. Nhưng chị em cần có cách để chồng hiểu những mong muốn của bản thân mình.
Chị em phụ nữ cần hành xử khéo léo để khiến người đàn ông làm theo những điều mình mong muốn. Đó là những điều tích cực thì tại sao không tận dụng những gì mình có để thoả mãn được mong muốn của bản thân. Phụ nữ cần động viên chồng của mình. Các bạn nên nhớ, ai cũng muốn mang danh là một ông chồng tuyệt vời.
Những người vợ tinh tế thì nên mua quà cho chồng, gọi điện về hỏi thăm chồng hằng ngày, trước khi đi thì nên chia sẻ, gần gũi với chồng… Để cho những ông chồng thấy rằng, vắng phụ nữ vài ngày thì cũng không có vấn đề gì và đi du lịch là điều khiến phụ nữ hạnh phúc.
Nói như vậy thì hoàn toàn có thể thay đổi quan điểm của chồng về những chuyến đi của vợ?
- Khi người phụ nữ nghe theo lời người chồng một cách tuyệt đối thì đó sẽ trở thành sự phục tùng, là một thói quen không tốt một chút nào. Đó chưa chắc là tình yêu, thứ mà mọi người hay lầm tưởng.
Có ông chồng không quen với việc vợ vắng trong vài ngày, chưa nói đến quãng thời gian một tuần. Tôi từng chứng kiến sự thay đổi của người chồng về việc cho vợ mình đi du lịch.
Người vợ đó chưa bao giờ tham gia những chuyến đi mà không có chồng. Nhưng chị ấy đã quyết định thử một lần. Lần đầu tiên xin phép chồng, chị ấy căng thẳng đến độ phải lên dây cót tinh thần cả một tuần. Khi nói ra ý định của mình, chồng chị ấy giận một tuần. Cuối cùng thì chồng chị ấy cũng cho đi nhưng dưới sự giám sát của cô con gái.
Đến chuyến đi thứ hai, chị ấy hỏi ý kiến chồng, chồng chỉ hậm hực trong ba ngày và cho đi một mình. Đến lần thứ ba, chồng cho vợ đi trong vui vẻ. Đến lần thứ tư, chồng đóng đồ cho vợ, từ những cái nhỏ nhất. Đến lần thứ năm, việc người vợ đi hay ở chỉ còn mang tính chất thông báo.
Tôi nghĩ, mình làm được cái gì lần đầu tiên thì sẽ làm được lần thứ hai và thứ nhiều, việc tốt cũng như việc xấu. Có những cái tưởng chừng như không thể suy chuyển nhưng ta thay đổi được, đặc biệt là thái độ của chồng. Vợ có một chồng bạo hành cũng là do vợ phần lớn. Tôi tin những người đàn ấy kết hôn với người khác có khi lại không bạo hành.
Chị đã giúp người phụ nữ đó thay đổi được cuộc đời của mình, điều đó kéo theo cuộc sống gia đình cũng có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực…
- Có những cặp vợ chồng gắn với nhau 24/7. Tôi nghĩ, thỉnh thoảng tách nhau bằng những chuyến đi, sẽ giúp hâm nóng tình cảm vợ chồng. Ngược lại, nếu cặp vợ chồng nào quá bận thì dành thời gian đi du lịch cùng nhau, tình cảm sẽ tăng lên và gần gũi với nhau hơn.
Những ông chồng đi cùng đoàn với tôi đều là những người chiều và yêu vợ. Tôi nhìn thấy ở những người phụ nữ đó niềm hạnh phúc ngập tràn.
Tôi đã truyền cảm hứng, giúp nhiều người thay đổi. Điều đó khiến tôi hạnh phúc. Mỗi lần được nghe những người phụ nữ tâm sự về những thay đổi trong suy nghĩ và hành động của các ông chồng, tôi vui!
Hạnh phúc đôi khi không phải là bản thân thay đổi, mà là mình thay đổi được cuộc đời người khác nữa.
Với những người phụ nữ muốn thay đổi bản thân và thay đổi người bạn đời của mình, chị đã khuyên họ như thế nào?
- Có nhiều người phụ nữ tìm tới nhờ tôi giúp họ và chồng thay đổi. Tại sao họ phải nhờ một người ngoài trong khi chồng là người đầu ấp tay gối, con cái là người thân cận nhất? Tôi mới nghĩ, người ta yếu đuối đến mức không biết làm thế nào để thay đổi mình và thay đổi cuộc sống gia đình.
Mỗi ông chồng có một tính cách, tôi không thể đưa ra công thức chung được. Chỉ có vợ mới biết được làm thế nào nào để thuyết phục được chồng của mình. Có người phải nịnh, có người phải rắn, bất cứ ông chồng nào cũng có điểm yếu.
Nhưng phụ nữ cần sự tinh tế nhất định để lắng nghe chồng. Đó là một quá trình dài, cần sự kiên trì.
Nếu ngay từ đầu người phụ nữ đưa ra và thực hiện được những nguyên tắc trong tình yêu và hôn nhân thì lại khác. Khi đó, đôi bên cùng chấp nhận và tuân theo, nếu một trong hai người vi phạm nguyên tắc thì chia tay.
Nhưng nhiều người phụ nữ khi bước vào cuộc hôn nhân đã không giữ được bản sắc riêng của mình. Nên khi chồng thấy vợ mới chỉ có dấu hiệu thay đổi thì chồng cảm thấy đó là điều nguy hiểm. Chồng đặt ra câu hỏi "Tại sao?", thậm chí người đàn ông sợ hãi và ám ảnh.
Mỗi người vợ phải là người lắng nghe, nhìn nhận và tự đưa ra phương án để hành xử hợp lý. Đừng để bất cứ điều gì thành thói quen và là điều đương nhiên.
Chị nói nhiều người khi bước vào cuộc hôn nhân đã không giữ được bản sắc của mình. Như vậy, có phải bản sắc riêng cũng là một yếu tố quan trọng trong việc gìn giữ hạnh phúc gia đình?
- Một người đàn ông quyết định kết hôn với một cô gái nào đó là vì chính bản thân cô ấy. Khi bước vào cuộc hôn nhân, do nghe lời chồng mà người vợ lại biến thành một người khác thì tất yếu những điều không hay sẽ xảy đến.
Một người phụ nữ có chính kiến làm nên sự hấp dẫn có người phụ nữ và là phương thuốc giữ chồng tốt nhất chứ không phải là ngoan ngoãn nghe theo chồng.
Tôi thấy bức xúc khi có những bà vợ sống trong sự cam chịu một cách vô lý, không có chính kiến. Chưa chắc như vậy đã tốt vì với người đàn ông, sự sở hữu của họ cực kỳ lớn nhưng trong tiềm thức họ vẫn yêu những người phụ nữ cá tính.
Cũng không phải chồng nói xuôi, vợ nói ngược nhưng phải có quan điểm riêng. Những người phụ nữ cá tính luôn là người phụ nữ hấp dẫn.
Theo chị, điều gì cản trở người phụ nữ được sống một cách tự do trong chính gia đình mình, cụ thể ở đây là tự do du ngoạn?
- Phần lớn, những người phụ nữ quanh tôi là những người nghe lời chồng. Chúng ta không nên đánh đồng sự nghe lời và tôn trọng. Nghe lời đến mức làm bất kỳ điều gì đối phương muốn dù mình thích hay không, đó là sự nhu nhược, dẫn tới không hạnh phúc.
Cũng có những ông chồng dù đồng ý cho vợ đi nhưng không thoải mái và không vui vẻ. Thái độ của người chồng ảnh hưởng như thế nào tới tâm trạng của vợ trong chuyến đi?
- Nếu vợ đi trong bối cảnh chồng không quan tâm, không vui vẻ thì trong lòng họ cũng gợn áy náy. Nhưng khi chồng nỗ lực trợ giúp cho chuyến đi của vợ thì người vợ sẽ thanh thản và yên tâm hơn.
Thử so sánh câu: "Em muốn đi đâu thì đi" với sự ân cần: "Em cứ yên tâm đi đi chơi, ở nhà bố con anh chăm nhau, em không phải lo gì", câu nào sẽ khiến cả hai cùng vui?
Đừng có nghĩ những ông chồng chiều vợ là những người đàn ông đần. Không phải! Chỉ những người đàn ông có suy nghĩ cao hơn vợ một cái đầu thì họ mới chiều vợ.
Người vợ không tự hào chuyện chồng kiếm được bao nhiêu tiền nếu như khoản tiền đó không được chia sẻ với cô ấy. Điều mà khiến phụ nữ tự hào chính là những điều anh ấy làm cho họ. Những người phụ nữ ngồi với nhau cũng chỉ nói về những điều chồng làm cho mình chứ hiếm khi nói về những thành tựu của chồng. Chồng có quyền cao chức tước đến đâu thì người vợ cũng không tự hào bằng một người chồng bình thường nhưng làm tất cả cho mình.
Có khi chồng mua một món quà không đẹp nhưng vợ vẫn đem ra khoe với bạn bè đầy tự hào và hạnh phúc. Hạnh phúc đôi khi chỉ là những điều nhỏ nhặt như thế.
Là một người truyền cảm hứng ‘xách ba lô lên và đi’ tới nhiều chị em phụ nữ và khiến không ít phụ nữ và chồng họ thay đổi. Theo chị, sự khác biệt giữa gia đình có người phụ nữ được sống trong sự tự do và kìm kẹp như thế nào?
- Những gia đình có chồng chiều vợ là những gia đình hạnh phúc, hạnh phúc hơn là gia đình có vợ chiều chồng. Bởi vì chồng chiều vợ một cách tự nguyện. Còn đôi khi, vợ chiều chồng nhưng không hẳn là mong muốn làm. Họ có thể vẫn chiều nhưng họ vẫn ngơ ngác nhìn những người phụ nữ khác một cách thèm khát.
Khi người phụ nữ trở về về nhà sau mỗi chuyến đi, năng lượng trong người họ được tái tạo và sẽ phục vụ gia đình và làm việc tốt hơn.
Một người phụ nữ được chồng ủng hộ việc du ngoạn khắp nơi bằng cách quan tâm từ những việc nhỏ nhất như đóng đồ, chồng cho tiền… sẽ hạnh phúc hơn nhiều.