Dắt con gái một tuổi của mình thênh thang đi trên vỉa hè, chị Lý Ngọc Lê thi thoảng cúi xuống chỉnh lại áo ấm cho con. Suốt cuộc trò chuyện, bé Gạo không ngớt nghịch ngợm.
Giai đoạn con ăn dặm là giai đoạn dễ gây stress nhất cho các mẹ. Là một người mẹ có hai con, một con đang trong thời gian ăn dặm, theo chị, các mẹ thường mắc lỗi gì nhất khi cho con ăn dặm?
- Tôi cũng như nhiều bà mẹ, cũng đều lúng túng khi con bước vào tuổi ăn dặm. Theo tôi, là vì kiến thức về ăn dặm chưa nắm rõ và áp lực về chiều cao cân nặng từ ông bà và người thân.
Tôi bắt đầu tìm hiểu các phương pháp ăn dặm và chọn ra những phương pháp phù hợp với con.
Với đứa lớn, tôi chỉ cho cháu ăn theo cách truyền thống. Còn đưa thứ hai, tôi cho con ăn dặm theo 3 phương pháp: ăn dặm truyền thống, ăn dặm kiểu nhật và ăn dặm tự chỉ huy.
Lý do chị lựa chọn kết hợp cả 3 phương pháp này?
- Các phương pháp này thỏa mãn đủ các yếu tố phù hợp giúp con khỏe và cả nhà vui. Vì giai đoạn con ăn dặm chủ yếu là luyện tập cho con làm quen với thức ăn ngoài sữa mẹ, giúp con phát triển các kĩ năng ăn uống tự lập sau này.
Chị áp dụng 3 phương pháp đó theo giai đoạn phát triển như thế nào của bé?
- 2 tháng đầu mới ăn dặm, tôi áp dụng 2 phương pháp ăn dặm truyền thống và ăn dặm kiểu Nhật. Từ tháng thứ 8, tôi áp dụng thêm phương pháp ăn dặm tự chỉ huy.
Chị có thể nói rõ hơn đặc điểm của mỗi phương pháp đó?
- Ăn dặm truyền thống: Thức ăn được xay nhuyễn, được nấu hoặc trộn chung với nhau.
Ăn dặm kiểu Nhật: Thức ăn được chế biến riêng.
Ăn dặm tự chỉ huy: Thức ăn được cắt, thái vừa miếng để con có thể tự cầm hoặc tự đút vào miệng với số lượng tùy ý con.
Mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng, nên các mẹ cần nghiên cứu kĩ và mục đích các mẹ thực sự muốn hướng cho con là gì: Cân nặng hay thói quen ăn uống hoặc cả hai?
Chị nói mỗi phương pháp ăn dặm đều có ưu và nhược điểm riêng. Những ưu và nhược điểm của mỗi phương pháp là gì?
- Ăn dặm truyền thống: Con có thể ăn với số lượng nhiều ngay từ những ngày đầu tập ăn, bé có thể tăng cân tốt khi mới tập ăn. Và đặc biệt, phương pháp ăn dặm này gần như dễ được sự chấp nhận và ủng hộ của gia đình, nhất là các bà.
Tuy nhiên, với cách ăn dặm này, con không có thời gian làm quen với từng vị thức ăn cũng, từ đó bố mẹ không phát hiện bé có thể bị dị ứng với loại thức ăn nào.
Con không chủ động và tạo thú vui trong ăn uống, khi bị ép ăn nhiều bé sau đó 1 thời gian sợ ăn dẫn đến biếng ăn. Con không được tập ăn thô để tạo phản xạ nhai và nuốt cho bé ở các giai đoạn khác nhau.
Ăn dặm kiểu Nhật: Con có thời gian làm quen và nhận biết hương vị của các thực phẩm một cách rõ ràng, từ đó bố mẹ biết con thích món gì, không thích món gì cho lắm hay có dị ứng với thực phẩm nào hay không. Con được tập ăn thô để tạo phản xạ nhai và nuốt cho bé ở các giai đoạn khác nhau.
Tuy nhiên, với phương pháp này, con ăn số lượng không nhiều như ăn truyền thống cũng có thể ko tăng cân mạnh như phương pháp truyền thống ở giai đoạn đầu.
Ăn dặm tự chỉ huy: Đây là phương pháp được các mẹ thích vì bé cực kì tự tập và tự quyết trong việc ăn uống, bé thích ăn gì, thích ăn bao nhiêu là do bé quyết định.
Cách ăn này giúp con có phản xạ nhai và nuốt cực tốt. Con cũng thích thú với việc ăn uống, chủ động với sở thích của mình và tạo tiền đề tốt cho bé tự lập trong ăn uống giai đoạn sau này. Con dễ bị hóc nên những lúc ấy phải thật bình tĩnh xử lý.
Cần chú ý gì khi cho con ăn dặm bằng 3 phương pháp trên?
- Ăn dặm truyền thống: Con ăn với số lượng nhiều và quá nhiều chất đạm sẽ không hấp thụ hết và dễ bị đi ngoài hoặc táo bón.
Ăn dặm kiểu Nhật: Mẹ có thể chế biến thức ăn và trữ đông mà vẫn đảm bảo được mùi vị và chất lượng thức ăn, giúp mẹ nhàn hơn và chủ động hơn trong ăn uống. Các món ăn của con đa dạng, đầy đủ nhóm chất, được thay đổi thường xuyên ở các giai đoạn khác nhau.
Ăn dặm tự chỉ huy là không có tác động của cha mẹ vào lượng hay cách ăn của con. Những bé đã thiết lập tốt ăn dặm tự chỉ huy hoặc những bé nhạy cảm với việc tự ăn bằng tay, nếu cha mẹ tác động vào lượng và cách ăn sẽ làm bé biếng ăn.
Với cả 3 phương pháp thì cần đổi món thường xuyên để con hào hứng ăn uống. Đổi món không chỉ là đổi nguyên liệu mà còn đổi cả cách chế biến. Điều này cũng giúp con có thể ăn được đa dạng các loại thức ăn, không ngại thử những món mới và như vậy sau này mẹ sẽ rất nhàn.
Với cách ăn dặm tự chỉ huy, chị làm thế nào để kích thích con cầm nắm thức ăn?
- Mỗi ngày vào bếp nấu cho con là mỗi lần kì công và sáng tạo. Tôi tạo thức ăn có hình dạng đáng yêu, ngộ nghĩnh và màu sắc bắt mắt để bé bị hấp dẫn với đồ ăn.
Chị có nguyên tắc khi chọn thực phẩm và chế biến đồ ăn dặm cho con?
- Khi chế biến thực phẩm, tôi cũng đặt ra những nguyên tắc riêng nhằm đảm bảo dinh dưỡng và an toàn cho sức khỏe của bé:
Thứ nhất là thực phẩm cần phải sạch sẽ, mình thường tìm địa chỉ tin cậy để mua cho con. Việc cấp đông hay dã đông đồ ăn cho con cũng phải đảm bảo đúng nguyên tắc để không bị mất chất dinh dưỡng.
Nhiều bố mẹ, ông bà cho con đi ăn rong để con có hứng thú với việc ăn uống hơn. Theo chị, môi trường ăn dặm tốt nhất là gì?
- Môi trường ăn dặm tốt nhất vẫn là được tập ngồi trên ghế ăn hoặc tựa vào lòng người người lớn. Đặc biệt, tránh cho con tiếp xúc với điện thoại và các thiết bị điện tử vì sẽ khiến con mất tập trung. Tôi cho con ăn cùng gia đình để tạo không khí vui vẻ, kích thích bé ăn.
Trong trường hợp con đòi ra khỏi vị trí ăn thì người lớn có thể đưa cho con vài món đồ chơi để chúng quên đi việc leo trèo. Nếu con khóc đòi quá thì chỉ nên cho con đi lòng vòng quanh chỗ ăn, không nên bế đi rong.
Chị kết hợp cả 3 phương pháp trong 1 lần ăn hay tách riêng ra các bữa trong ngày?
- Vì ban ngày con ở nhà với ông bà, rất khó để có thể cho con ăn dặm kiểu Nhật hoặc ăn dặm tự chỉ huy được nên tôi cho con ăn dặm kiểu truyền thống.
Mỗi sáng, tôi đều chuẩn bị sẵn đồ ăn cho các bữa trong ngày để ông bà chỉ việc nấu cho con. Tối về, tôi mới áp dụng các phương pháp ăn dặm khác.
Nhiều mẹ cho thêm mắm, muối vào đồ ăn dặm của bé. Theo chị, điều này có nên không?
- Nếu mẹ nghĩ thêm chút mắm, chút muối vào đồ ăn dặm sẽ khiến món ăn đậm đà hơn và kích thích vị giác của trẻ thì mẹ đã sau hoàn toàn.
Các chuyên gia hàng đầu về sức khoẻ trẻ em khuyên các bà mẹ không nên cho con ăn muối vì thận của trẻ vẫn còn yếu. Khi mẹ thêm mắm, thêm muối vào đồ ăn của con sẽ khiến thận của bé phải làm việc quá sức.
Sau một thời gian kết hợp hai phương pháp ăn dặm, chị thấy bé phát triển được những kỹ năng gì?
- Sau một thời gian áp dụng cho bé kết hợp như vậy, tôi thấy kĩ năng của bé phát triển khá tốt, từ kĩ năng cầm nắm, đến phản xạ nhai nuốt.
Các kỹ năng ăn bằng tay sẽ ngày càng được nâng cao về độ khéo léo và nhanh nhẹn. Con tự ăn theo nhu cầu của mình, không được người lớn đút ăn, không bị ép ăn. Con được hình thành thói quen ăn uống tốt.
Con tự xử lý đồ ăn: Bé tự đưa đồ ăn vào miệng, tự cắn, nhai, nghiền, nuốt đồ ăn. Con có thể ném và nhè đồ ăn khi không thích mùi vị hoặc to quá không nhai nuốt được.
Hiện tại, con tôi được 1 tuổi và ăn cơm nát.
Chị có lời khuyên như thế nào với các bà mẹ muốn cho con ăn dặm theo 3 phương pháp trên?
- Các mẹ phải cho con ăn dặm đúng độ tuổi. Trước hết, các mẹ nên tìm hiểu kỹ về các phương pháp trước khi cho ăn và trước khi đổi phương pháp, để không bị lúng túng khi chế biến món và cho con ăn. Có thể các mẹ kết hợp cả 3 phương pháp ăn hoặc chỉ chọn phương pháp nào phù hợp với con của mình.
Người lớn cần quan sát phản ứng, hành động của con trong mỗi bữa ăn để biết được bé phù hợp với phương pháp nào. Không nên ép con ăn theo ý muốn của mình, mà để bé ăn theo cách bé muốn. Nếu ép con ăn thì con sẽ sợ hãi với đồ ăn.
Tác động của ông bà trong việc ăn dặm của con chị?
- Tôi cũng như đa phần các mẹ khác, là ông bà lo lắng cho cháu ăn uống không đủ chất thường ép bé ăn thêm hoặc có sự tác động. Tôi hiểu sự lo lắng của ông bà chỉ là muốn cháu ăn tốt, khỏe mạnh, tăng cân. Điều này cũng khiến tôi đôi khi khá căng thẳng trong các bữa ăn cho trẻ.
Tôi đi làm khoảng gần 18h về đến nhà, ông bà cũng không thích điều này lắm. Nhiều lúc ông bà bảo tôi hay là nghỉ việc đi vì không có thời gian dành cho con.
Ông bà đã phản ứng như thế nào khi chị cho con ăn dặm tự chỉ huy?
- Khi tôi áp dụng phương pháp ăn dặm tự chỉ huy cho con, ông bà không đồng ý. Ông bà bảo: ‘Mồm nó nhỏ thế kia thì làm sao ăn được, nuốt được, mình ăn còn khó nữa là bọn trẻ con. Bé như thế này cho ăn cháo xay là hợp lý hơn…’
Ông bà thường sốt ruột khi con ăn bằng phương pháp tự chỉ huy. Ông bà sẵn sàng đút cho cháu ăn nếu thấy cháu có dấu hiệu không chịu ăn. Tôi giải thích với bố mẹ là thức ăn đã được hấp mềm rồi, nhìn là một khối nhưng khi ăn thì nhuyễn.
Ngoài việc ăn uống của con, bố mẹ chị có can thiệp vào việc chăm con của hai vợ chồng chị không?
- Tuy bố mẹ chồng tôi là những người hiện đại nhưng không phải tất cả việc chăm sóc, nuôi nấng con cái đều theo ý vợ chồng tôi hoàn toàn.
Khi con ốm, bố mẹ muốn tôi đưa con đi viện luôn, nếu bác sĩ kê đơn thì tuân theo đó vì sốt ruột. Đơn điều trị thường nhiều kháng sinh nên tôi thường nghe ngóng tình trạng của con trước rồi mới quyết định điều trị cho con theo hướng nào.
Tôi vẫn cho con đi khám để tìm ra bệnh con mắc phải nhưng tôi hay chữa cho con bằng các phương pháp dân gian. Nếu sau 2 – 3 ngày, nếu không đỡ, tôi mới cho con đi khám lại và thực hiện theo chỉ định điều trị của bác sĩ.
Trong những ngày tôi chữa cho con theo cách dân gia, chỉ cần động nghe thấy tiếng ho của con là mẹ chồng tôi lại bảo ‘Con xem thế nào đưa con đi khám đi cho nhanh khỏi…’ – ‘Không mẹ ạ! Khoảng 2 – 3 ngày nữa nếu cháu không khỏi thì con cho cháu uống’, tôi đáp.
Ông bà cũng không ép chúng tôi không được làm cái này hay làm thế này với con.
Chị đã làm thế nào để dung hoà được điều này?
- Sống chung với bố mẹ chồng chắc chắn có mâu thuẫn, chỉ là nó ở mức độ nào thôi. Chứ ông bà luôn muốn điều tốt cho con cháu.
Ngay từ đầu, tôi chia sẻ quan điểm và trao đổi suy nghĩ của mình về việc cho con cái ăn uống. Tôi vẫn để ông bà cho cháu ăn theo phương pháp truyền thống. Tôi khéo léo để con ăn theo phương pháp ăn dặm tự chỉ huy vào bừa tối. Như vậy bố mẹ vừa hài lòng mà con cũng ăn được.
Dần dần rồi ông bà cũng quen với các phương pháp ăn dặm tôi sử dụng cho con. Chính sự cứng cáp và lớn khôn của con mỗi ngày là câu trả lời để ông bà yên tâm.
Sắp đến Tết, việc ăn Tết ở đâu, nhà chồng hay nhà ngoại luôn là vấn đề được bàn luận sôi nổi. Quan điểm của chị như thế nào về vấn đề này?
- Ngày tết là ngày quan trọng nhất của mỗi gia đình Việt Nam, là ngày để con cháu hiếu thảo báo hiếu ông bà, cha mẹ, là ngày để gặp mặt họ hàng, gia tộc, anh em bạn bè sau một năm làm việc vả.
Quan điểm của tôi, lấy chồng thì theo chồng. Ngày xưa, ông bà ta thường nói ‘Xuất giá tòng phu, phủ tử tòng tử’ xét về hiện tại vẫn còn giá trị của nó, tuy nhiên khi đặt vào từng trường hợp, hoàn cảnh cụ thể không phải lúc nào cũng nhất nhất như vậy.
Thời gian dành cho bên ngoại chị sắp xếp như thế nào?
- Tôi lấy chồng cách nhà hơn chục cây số. Bây giờ, chúng tôi chuyển tới nơi ở mới thì xa hơn. Cứ ngày 29, 30 là tôi về nhà ngoại trước. Nhưng kiểu gì đến 30 cũng phải có mặt ở nhà chồng để cúng giao thừa.
Thường thì Mùng 2 Tết tôi về bên ngoại chúc Tết. Tôi lấy chồng đã 5 năm thì cả 5 năm tôi đều phân bổ thời gian như vậy.
Xin cảm ơn những chia sẻ của chị!