Người đàn ông đau đớn với khối u nặng 2,5kg hiếm gặp ở vùng mông

Đã từng phẫu thuật 3 lần nhưng khối u xơ cứng ở vùng mông vẫn tái phát và phát triển lớn hơn khiến người đàn ông bị đau nhiều vùng mông, đùi phải, gặp khó khăn trong sinh hoạt.

Đó là tình trạng của anh L.Đ.V. (26 tuổi, ở Thanh Hóa) bị u xơ cứng kích thước lớn, xâm lấn gần hết vùng mông phải. Năm 2014, anh được phát hiện bệnh đã được phẫu thuật 3 lần.

Tuy nhiên sau đó u tái phát và phát triển với kích thước lớn hơn, bệnh nhân đi thăm khám chụp MRI kích thước u (4 x16 x28 cm).

Do khối u có kích thước lớn, xâm lấn đè đẩy tổ chức xung quanh, chiếm gần hết vùng mông phải nên bệnh nhân đau nhiều vùng mông đùi phải, đi lại sinh hoạt rất khó khăn.

Hình ảnh khối u có kích thước lớn, xâm lấn đè đẩy tổ chức xung quanh, chiếm gần hết vùng mông phải của bệnh nhân

Bệnh nhân đã đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để thăm khám. Kết quả thăm khám các bác sĩ nhận thấy, khối u của bệnh nhân có kích thước lớn, tăng sinh mạch máu, tổ chức khối u là tổ chức xơ, xâm lấn vào khối cơ vùng mông và mạch máu thần kinh, ranh giới u không rõ nên rất khó khăn cho việc cắt bỏ hết khối u, nguy cơ mất máu số lượng lớn, tổn thương mạch máu thần kinh trong mổ là rất cao.

Theo TS.BS Nguyễn Năng Giỏi, Chủ nhiệm khoa Chấn thương tổng hợp, Bệnh viện TWQĐ 108: “Ca phẫu thuật đã được tiến hành thuận lợi với sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bác sĩ can thiệp mạch máu và các bác sĩ phẫu thuật và gây mê.

Bệnh nhân đã được chụp mạch máu, để xác định mạch máu chính nuôi khối u và tiến hành nút các mạch máu đó trước khi phẫu thuật do đó đã hạn chế mất máu trong mổ”.

Sau 3 giờ phẫu thuật, ekip bác sĩ  đã tiến hành bóc trọn khối u nặng 2,5kg sau 3 giờ phẫu thuật. Sau phẫu thuật, bệnh nhân diến biến ổn định...”.

Các bác sĩ cũng chia sẻ thêm, u xơ cứng (Desmoid fibromatosis tumor) là một bệnh lý hiếm gặp, không phải là u ác tính, xảy ra ở tổ chức liên kết, thường ở vùng bụng hoặc ở chi dưới.

Một số u xơ cứng phát triển chậm và không đòi hỏi phải điều trị ngay lập tức. Một số khác lại phát triển rất nhanh thành các u có kích thước lớn, xâm lấn, chèn ép, phát triển vào trong các tổ chức và cơ quan xung quanh, đòi hỏi phải xử trí phẫu thuật bóc triệt để u.

Do u có kích thước lớn, ranh giới không rõ, xâm lấn chèn ép tổ chức cơ quan xung quanh nên việc phẫu thuật bóc triệt để u rất khó khăn, nguy cơ mất máu số lượng lớn và tổn thương mạch máu thần kinh trong mổ là rất cao.

Nếu bóc u không triệt để thì nguy cơ u tái phát là rất cao. Sự kết hợp giữa can thiệp mạch máu và phẫu thuật bóc triệt để khối u đã mang đến sự thành công hơn trong phẫu thuật các khối u lớn, dễ tái phát ở chi thể. 

Xem thêm
A.Ngọc/giadinhmoi.vn

Tin liên quan