Nghiên cứu: 47,5% cho rằng, muốn hạnh phúc thì vợ cần phải nghe lời chồng...

Đáng chú ý là vẫn còn tới 47,5% số người được hỏi cho rằng để có hạnh phúc gia đình thì vợ cần phải biết nghe lời chồng. Con số này phản ánh thực trạng nhận thức của người dân về bình đẳng giới...

Các số liệu của tòa án về các vụ ly dị gần đây cho thấy việc ngoại tình đã là một trong những tác nhân chính. Ngoài ra, ngoại tình cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến những nguyên nhân ly dị khác.

Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam đã quy định rất rõ trong chương III về Quan hệ vợ chồng, Điều 18 "Vợ chồng chung thủy, thương yêu quý trọng chăm sóc giúp đỡ nhau cùng xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững".

Tại chương V, Điều 49, Khoản 1 và 2 của bộ luật cũng ghi rõ "Các thành viên trong gia đình đều có nghĩa vụ quan tâm, giúp đỡ nhau cùng chăm lo đời sống chung của gia đình, quyền lợi ích hợp pháp của các thành viên trong gia đình được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ".

Như vậy xét trên khía cạnh luật pháp, những chuẩn mực trong mối quan hệ gia đình cũng đã được quy định thành văn bản, và có hiệu quả thực thi. Tuy vậy, trên thực tế, nhiều trường hợp vi phạm luật, vi phạm những chuẩn mực này, đặc biệt là trong quan hệ vợ chồng vẫn diễn ra.

Bạo lực, thiếu tôn trọng tăng ở các gia đình khá giả 

Những kết quả khảo sát cho thấy, sự thờ ơ, thiếu quan tâm lẫn nhau, những sai lệch chuẩn mực, vi phạm qui tắc của ứng xử trong quan hệ gia đình đang có chiều hướng tăng lên, đặc biệt ở những gia đình chỉ chú trọng vào các hoạt động kinh tế.

Tỷ lệ các ý kiến cho rằng vợ chồng không tôn trọng, đánh đập nhau đã tăng lên ở các gia đình có kinh tế khá giả so với những gia đình có kinh tế thấp hơn (28,3% ý kiến ở gia đình nghèo khó, 38% ý kiến ở gia đình bình thường đủ ăn và 42,2% ý kiến ở gia đình giàu có, khá giả)

Về phương diện này, dường như ở những gia đình đầy đủ kinh tế, áp lực kinh tế đã làm ảnh hưởng mạnh đến mối quan hệ vợ chồng trong gia đình. Do tập trung nhiều vào việc làm kinh tế, sự quan tâm đến nhau cũng như quỹ thời gian dành cho gia đình bị hạn chế hơn so với những gia đình khác.

Tất nhiên, không phải bất cứ cặp vợ chồng trong các gia đình kinh tế đầy đủ nào cũng rơi vào tình trạng này, nhưng rõ ràng đây là một chỉ báo rất đáng được quan tâm đối với những nhà quản lý về gia đình.

Vợ chồng ít gặp gỡ, cơ hội ngoại tình tăng lên

Mặt khác trong trường hợp cả hai vợ chồng đều đi làm thì sự gặp gỡ giữa họ với nhau thường cũng thưa thớt hơn. Việc ăn sáng và ăn trưa liên tục ngoài đường và tại cơ quan cũng khiến cho bếp lửa gia đình ngày càng trở nên nguội lạnh hơn.

Thực tế ngày nay trong điều kiện kinh tế thị trường, các cặp vợ chồng cũng ít có điều kiện để chăm sóc nhau, chưa kể đến rất nhiều cặp vợ chồng phải sống xa nhau liên tục.

Không ít trường hợp người gần gũi chăm sóc đầy đủ hơn cho một trong hai người, vợ hoặc chồng lại là những người bạn đồng nghiệp cùng cơ quan, công sở, những người láng giềng gần gũi, thậm chí cả người giúp việc trong nhà...

Khi một nhân vật thứ ba len vào giữa cuộc sống của hai vợ chồng thì cũng là lúc họ có thể nhìn nhau khác đi. Mâu thuẫn và xung đột có thể nổ ra bất cứ lúc nào.

Các số liệu của tòa án về các vụ ly dị gần đây cho thấy việc ngoại tình đã là một trong những tác nhân chính. Ngoài ra, ngoại tình cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến những nguyên nhân ly dị khác, chẳng hạn như không hợp tính nhau, không quan tâm đến nhau, bỏ bê chuyện dạy dỗ con cái...

Trong những nguyên nhân dẫn đến sự xung đột gia đình còn do những tác động khách quan từ bên ngoài như sự căng thẳng trong cuộc sống kinh tế, sự thiếu thốn về đời sống vật chất tinh thần, sự hạn chế trong nhận thức, sự can thiệp thô bạo của bố mẹ chồng, họ hàng, anh em, xóm giềng vào cuộc sống riêng tư cửa các cặp vợ chồng.

Tiêu chí quan trọng nhất về hạnh phúc gia đình

Trả lời câu hỏi về những tiêu chí quan trọng nhất giúp đảm bảo hạnh phúc vợ chồng, có tới 95,7% số cặp vợ chồng được hỏi đã cho rằng gia đình hòa thuận là yếu tố quan trọng nhất.

Đứng hàng thứ hai trong các câu trả lời là việc cả hai vợ chồng đều phải có ý thức xây dựng gia đình 90,1%. Việc con cái phải vâng lời cha mẹ đứng hàng thứ ba 89,5%.

Chỉ có 21,4% số cặp vợ chồng được hỏi cho rằng hạnh phúc vợ chồng phải cần đến việc giàu có và có nhiều tiền của.

Đáng chú ý là vẫn còn tới 47,5% số người được hỏi cho rằng để có hạnh phúc gia đình thì vợ cần phải biết nghe lời chồng.

Tỷ lệ ủng hộ phương án này tằng dần lên theo tuổi tác. Ở nhóm tuổi dưới 18, có 25% số người được hỏi cho rằng để có hạnh phức gia đình thì vợ phải nghe lời chồng.

Lên đến nhóm 19-25 có 35,1% số người ủng hộ phương án này, nhóm tuổi từ 26-35 là 45,5%, nhóm tuổi từ 36-45 là 51,9%, nhóm trên 65 tuổi cũng là 50,7%.

Việc có một số đông đảo những người được hỏi coi việc vợ phải phục tùng chồng là yếu tố quan trọng cho hạnh phúc gia đình đã nói lên những nhận thức của xã hội đối với bình đẳng giới hiện nay còn hạn chế như thế nào.

So sánh tương quan giữa các thế hệ khác nhau trong gia đình khi trả lời câu hỏi về việc vợ phải nghe lời chồng như là một tiêu chí đảm bảo hạnh phúc vợ chồng, chúng tôi nhận thấy, các thế hệ càng lớn càng ủng hộ quan điểm này và sự ủng hộ cũng ngày càng mất đi đối với các thế hệ trẻ hơn.

Ở thế hệ các cụ, số người ủng hộ quan điểm này là 66,7%, thế hệ ông bà là 52,3%, thế hệ bố mẹ là 50,8%, thế hệ con cháu trở xuống là dưới 34,3%.

GS Đặng Cảnh Khanh - GS Lê Thị Quý


Tin liên quan