Mắc bệnh lý xương khớp nhưng vì không đi chữa kịp thời, thậm chí còn đắp lá chữa bệnh khiến cho khớp háng của một nam trung niên bị hư hỏng nặng, một bên chân ngắn đi 4cm; không còn khả năng đi lại được.
BSCKII Nguyễn Tiến Văn, Trưởng khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện ĐK Nông Nghiệp cho biết, trước khi được tiến hành phẫu thuật, bệnh nhân hầu như không đi lại được, một chân ngắn hơn bên còn lại 4cm do phần khớp háng đã bị hư hỏng nặng vì bệnh lý lâu năm.
Đến thời điểm trước phẫu thuật, bệnh nhân đã không còn đáp ứng với biện pháp nội khoa, hầu như không thể đi lại nổi vì đau, một phần xương đã tự tiêu đi do bệnh lý.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật thay khớp háng nhằm giúp bệnh nhân có thể đi đứng trở lại, đồng thời điều chỉnh lại độ dài 2 chân cho cân bằng để bệnh nhân có thể có dáng đi bình thường.
Theo bác sĩ Văn, trước đây ông đã từng gặp nhiều ca bệnh nhân nhập viện vì hỏng khớp háng trong tình trạng đã nặng, gây đau đớn, khó khăn nghiêm trọng trong việc di chuyển, hai chi dưới không còn đều nhau… dẫn đến việc bệnh nhân phải cố gắng di chuyển với một dáng đi xiêu vẹo, bất thường.
Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn tới những vấn đề khác ở cột sống, đầu gối…, làm gân, cơ bắp bị teo lại, yếu đi do kém vận động.
Bên cạnh đó, việc bệnh nhân không thể di chuyển, sinh hoạt, lao động như người thường cũng khiến chất lượng sống của họ giảm nghiêm trọng.
Vì vậy, việc chậm trễ phẫu thuật khi có một phần xương, khớp đã hư hỏng nặng sẽ khiến việc điều trị càng trở nên phức tạp hơn, khó khăn hơn.
Khớp háng bị hư hỏng có thể do mắc bệnh lý nội khoa và cũng có thể do một chấn thương nhẹ.
Cổ xương đùi là vùng yếu nhất của xương người lớn tuổi, chỉ cần một chấn động nhẹ như trượt té chạm mông xuống nền nhà cũng có thể gây gãy. Trong khi người trẻ té ngã thì đứng lên “phủi” mông và đi.
Sau khi ngã thường người bệnh cho là nhẹ, không đến viện ngay mà tìm các loại thuốc lá, thuốc cao, rượu thuốc để đắp, xoa bóp. Đến khi đau nặng hơn, đi không được mới đến bệnh viện thăm khám thì bệnh đã nặng.
Tại Hội nghị Khoa học Chấn thương chỉnh hình vừa mới diễn ra tại Bệnh viện ĐK Nông Nghiệp, PGS.TS Hà Hữu Tùng, Giám đốc bệnh viện cũng cho biết, khi chẳng may gặp phải chấn thương liên quan đến xương khớp như gãy xương, trật khớp… cần cố định vết thương và đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện.
Tuyệt đối không được tự nắn chỉnh xương khớp, đắp lá, đắt thuốc dân gian chữa bệnh vì sẽ làm tổn thương thêm nặng nề, khó điều trị hơn, thậm chí gây ra những biến chứng nguy hiểm.