Mồng tơi được xem là 'rau vua' của ngày hè bởi nó không chỉ nhuận tràng, trừ thấp nhiệt mà còn tốt cho tim mạch, chống béo phì và ngừa ung thư. Tuy nhiên, không phải ai cũng nên ăn loại rau này.
Rau mồng tơi được biết đến là loại rau quen thuộc trong bữa cơm của mỗi gia đình. Trong mồng tơi có chứa chất nhầy pectin giúp nhuận tràng, trừ thấp nhiệt, giảm béo cực kỳ hiệu quả.
Cụ thể, chất nhầy pectin có trong mồng tơi giúp hấp thụ cholesterol, khóa màng bấm ở thành ruột vì thế cholesterol không ngấm vào máu mà sẽ đi ra ngoài theo đường đại tiện. Nhờ vậy mà ăn rau mồng tơi sẽ giúp giảm cân hiệu quả.
Ngoài ra, nước cốt của mồng tơi còn có khả năng làm lành vết thương nhất là vết bỏng.
Đặc biệt, loại rau này còn có lợi cho mẹ bầu và thai nhi nhờ axit folic có trong mồng tơi giúp ngăn ngừa khuyết tật bẩm sinh.
Lượng sắt có ở mồng tơi cũng tốt cho phụ nữ mang thai. Nó tham gia vào quá trình tạo ra tế bào mới giúp tăng cường sức khỏe tim mạch và hỗ trợ ngăn ngừa, phòng chống ung thư.
Một số tác dụng khác của rau mồng tơi có thể kể đến như:
- Phòng bệnh xương khớp
- Chữa yếu sinh lý
- Trị mụn nhọt
- Chữa bệnh trĩ
- Chữa say nắng
- Chữa nám, thâm da
Mặc dù tốt cho sức khỏe là thế nhưng không phải ai cũng có thể ăn được mồng tơi. Theo lương y Bùi Hồng Minh, những người mắc sỏi thận tuyệt đối không nên ăn mồng tơi.
Nguyên nhân của việc này là do trong mồng tơi có chứa hàm lượng axit oxalic, purin cao nên khi đưa vào cơ thể chúng dễ chuyển hóa thành axit uric, tăng nồng độ canxi oxalate trong nước tiểu. Chúng tích tụ lại trong cơ thểdễ khiến sỏi thận ngày càng to và bệnh mỗi lúc một trầm trọng.
Ngoài ra, người đang bị tiêu chảy cũng không nên ăn mồng tơi. Nếu không may ăn phải sẽ khiến bệnh ngày càng nặng hơn.
Rau mồng tơi dễ tạo ra mảng ố bám trên răng, do các axit oxalic trong rau mồng tơi không hòa tan trong nước. Do đó, những người mới lấy cao răng nên kiêng rau mồng tơi 1- 2 tuần.
- Canh cua mồng tơi
Chuẩn bị nguyên liệu
+ Cua đồng
+ Mồng tơi
+ Mướp hương
+ Gia vị: Bột canh, bột ngọt, dầu ăn
Cách làm
+ Bước 1: Đem cua đồng mua ở chợ về rửa sạch rồi bóc bỏ phần mai cua, miệng cua sau đó xóc cùng muối. Gạch cua gạt vào một bát nhỏ.
+ Bước 2: Đem giã cua hoặc xay cua bằng máy xay. Lưu ý xay hoặc giã cua thật nhỏ, thật mịn để món canh cua ngon hơn. Thêm một chút nước vào hỗn hợp cua vừa xay/giã và đem lọc qua rây.
+ Bước 3: Nhặt rau mồng tơi rồi đem rửa sạch và thái sơ. Lưu ý, tùy vào sở thích của mỗi gia đình mà có thể thái nhỏ hoặc để nguyên lá mồng tơi nhé.
Phần mướp hương gọt vỏ, rửa sạch rồi thái miếng cho vừa ăn.
+ Bước 4: Bóc vỏ hành khô rồi đập dập
+ Bước 5: Lấy phần nước cua vừa lọc đun sôi với ngọn lửa nhỏ. Nêm nếm bột canh, bột ngọt sao cho vừa miệng.
+ Bước 6: Đợi cua nổi thịt, bắc nồi khác lên bếp rồi phi hành thơm sau đó cho phần gạch cua vừa gạt lúc trước xào cùng. Tiếp đến, đổ phần mướp vào đảo nêm một chút nước và gia vị để mướp chín đều, sau cùng cho rau mồng tơi vào. Khi thấy rau chín tái thì tắt bếp.
+ Bước 7: Phần nước cua đã được, phần thịt cua nổi lên, khéo léo dùng thìa hớt thịt cua ra một chiếc bát con rồi đổ phần nước cua vào nồi rau vừa xào cùng gạch cua.
Bật bếp đun sôi và nêm nếm gia vị một lần nữa để vừa ăn. Múc canh ra bát và đổ thịt cua lên trên.
Canh cua mồng tơi, mướp hương sẽ ngon hơn khi ăn cùng cà muối, thịt ba chỉ rang cháy cạnh.
- Rau mồng tơi xào tỏi
Nguyên liệu
+ Rau mồng tơi
+ Tỏi
+ Dầu ăn
Cách làm
+ Mồng tơi mua về nhặt sạch rồi đem rửa và để ráo nước.
+ Tỏi bóc vỏ, đập dập
+ Bắc chảo sạch lên bếp, thêm dầu ăn vào đun nóng rồi phi tỏi thơm. Thả rau mồng tơi vào và nêm nếm gia vị cho vừa miệng.
+ Thấy rau chín tới thì tắt bếp, gắp rau ra đĩa. Rau mồng tơi xào tỏi ăn nóng sẽ ngon hơn.