Hỏi: Trời bắt đầu oi bức, bé lớn nhà tôi đòi ăn kem, uống nước mát lấy từ tủ lạnh rồi bị ho, kêu rát họng. Tôi nghi ngờ cháu bị viêm họng. Kính nhờ bác sĩ tư vấn cách chăm sóc tại nhà cho cháu nhanh khỏi?
Hoàng Minh Tuấn (12 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội
Bác sĩ CKI Thương Thị Thu Huyền – Phòng khám Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc: Sau khi trẻ ăn đồ lạnh như kem hay đồ uống lạnh bị ho, rát họng thì rất có thể cháu đã bị viêm họng. Trẻ ăn đồ lạnh làm niêm mạc bị lạnh đột ngột, gây phù nề, xung huyết, cộng với việc khu vực hầu, họng thường xuyên có vi khuẩn hoặc vi- rútkhu trú nên có thể gây ra viêm.
Trong đó, do vi - rút chiếm 60%-80% các nguyên nhân gây bệnh. Một số trường hợp viêm mũi họng do vi khuẩn thường gặp là phế cầu, Hemophilus Influenzae, tụ cầu và nguy hiểm nhất là liên cầu ß tan huyết nhóm A (khoảng 20%).
Trong trường hợp bị viêm mũi họng cấp thông thường, người bệnh còn có biểu hiện sốt 38 - 40°C, môi khô, lưỡi bẩn, đau mỏi mình mẩy, nước tiểu vàng. Khởi đầu là dấu hiệu khô họng, đau rát họng, ho, có thể ho khan hoặc ho có đờm, giọng nói đục, chảy mũi và ngạt tắc mũi hai bên. Dịch mũi có thể trong (do vi- rút) hoặc vàng xanh (do vi khuẩn). Vì thế, khi thấy trẻ có những biểu hiện như: có chảy nước mũi, ngạt mũi, hắt hơi, đặc biệt đau họng và ho. Với trẻ sơ sinh, bé sẽ quấy khóc, biếng ăn, nôn trớ và thường thở bằng miệng do ngạtmũi. Trẻ có thể thở nhanh hơn bình thường.
Căn bệnh này có thể tự chăm sóc và điều trị tại nhà.Tuy nhiên, người thân cần nắm rõ một số kiến thức, tránh để bệnh gây ra các biến chứng như viêm tai giữa, viêm đường hô hấp trên….
Trước hết, cha mẹ cần vệ sinh sạch mũi cho trẻ. Nếu trẻ mới bị ngạt mũi nhẹ, dịch mũi còn lỏng thì có thể lau rửa mũi ngay cho trẻ bằng khăn mềm. Trong trường hợp dịch mũi đặc, có rỉ mũi thì nên nhỏ 2 – 3 giọt nước muối sinh lý vào mỗi bên mũi, đợi một lúc cho nước muối ngấm làm mềm rỉ mũi rồi nhẹ nhàng dùng tay day day mũi bé để rỉ mũi mềm và bong ra.
Nếu dịch mũi quá nhiều và đặc có thể dùng dụng cụ hút mũi để hút cho trẻ. Đặc biệt, cha mẹ tuyệt đối không dùng miệng để hút mũi dãi cho trẻ vì vi khuẩn từ miệng có thể khiến trẻ bị viêm. Cùng với đó, không nên dùng lại khăn, giấy đã lau mũi vì vi khuẩn vẫn bám lại trên khăn.
Khi trẻ viêm họng, ho nhiều, không ít gia đình kiêng khem trẻ quá mức, nhất là các thực phẩm hải sản, thịt gà... Tuy nhiên, phụ huynh nên cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, không cần kiêng quá nhiều. Mọi người cũng không cần ép trẻ ăn nhiều, để trẻ ăn theo nhu cầu, chia nhỏ các bữa để giảm khó chịu cho trẻ.
Nhưng cha mẹ cần đặc biệt chú ý, khi trẻ có những biểu hiện như sốt cao liên tục dùng thuốc và chườm ấm không hạ sốt, ho nhiều, thở nhanh, khó thở hoặc nôn nhiều, đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày hay trẻ có biểu hiện chảy mủ tai, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để điều trị.
Còn khi bác sĩ kết luận ho do viêm họng thì nhẹ có thể dùng những thảo dược chế theo cách dân gian như mơ muối ngâm, chanh hấp đường phèn hay hoa hồng hấp đường phèn cùng cam thả, bạc hà cho trẻ dùng. Hoặc bạn tiện dụng thì có thể dùng thuốc ho thảo dược được chiết xuất từ các loại thảo như Bách bộ, Tỳ bà diệp, cát cánh…cho trẻ dùng có hiệu quả tức thì. Bởi những thảo dược này đứng đầu trong danh mục những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam có công dụng giảm tính hưng phấn của trung tâm hô hấp, ức chế phản xạ ho, hiệu quả trong chữa ho tiêu đờm, ho cảm, ho gió, ho khan, viêm phế quản… mà không gây tác dụng phụ.
Hồng Ngọc