Kỳ nghỉ hè đặc biệt của Quân: 'Con thích đi Hồ Gươm nhưng con thích ở nhà chăm bố hơn!'

Quân là cậu bé 10 tuổi, quê ở Hà Nam. Trong kỳ nghỉ hè, thay vì được đi chơi như bao bạn bè khác, cậu phải lên 'xóm chạy thận' để chăm sóc bố...

Quân, 10 tuổi, là con trai lớn của anh Phạm Duy Tha - 1 trong 121 cư dân của xóm chạy thận 121 Lê Thanh Nghị, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Mùa hè năm nay của Quân giống như mùa hè nhiều năm trước, cậu bé được bố mẹ đón từ quê nhà ở huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam ra Thủ Đô.

Chỉ khác, năm nay cậu đi một mình, không có cậu em trai kém 3 tuổi đi cùng vì sức khoẻ của bố cậu đã ngày một yếu đi.

Sinh ra từ vùng quê nên Quân ước ao được đến Hà Nội, tới thăm Lăng Bác Hồ, dạo một vòng Hồ Gươm, ăn kem Tràng Tiền, đi sở thú, chơi đạp vịt…

Quân biết chúng bạn của mình cũng thích Hà Nội lắm nhưng chưa đứa nào được đi Hà Nội nhiều như cậu. Nếu tính cả năm nay, cậu có 4 mùa hè được ở Hà Nội cùng bố mẹ của mình, chưa kể những lần ngắn ngủi cậu đi Hà Nội điều trị bệnh viêm cầu thận.  

Chỉ là, mỗi lần từ Hà Nội về quê, cậu không có gì nhiều để kể cho lũ bạn nghe. Ký ức về Hà Nội của cậu bé 10 tuổi này không có gì ngoài địa danh Hồ Gươm; căn phòng trọ khoảng 5 mét vuông chỉ vừa kê đủ cái giường nhỏ, chiếc bếp ga đôi, bức tường chẳng có lấy chỗ trống vì đồ đạc đã chiếm hết và khi đứng lên giường, cậu gần như có thể chạm tay vào trần nhà lợp tấm proximang; công việc quét dọn ở bệnh viện của mẹ và người bố phải chạy thận.

Lên Hà Nội chăm sóc bố, kí ức về Hà Nội trong Quân chẳng có gì nhiều ngoài Hồ Gươm, khu nhà trọ tồi tàn và bệnh viện.

Cứ độ giữa tháng 5, Quân chuẩn bị tinh thần, sẵn sàng đi Hà Nội ngay khi được thông báo kỳ nghỉ hè bắt đầu. Năm nay, cậu được bố của mình về tận quê đón lên. Cậu đắc chí vì thằng em nhỏ phải ở quê với ông bà mà không được lên Hà Nội ở với bố mẹ như cậu.    

Mùa hè năm nào đặt chân tới nơi đây, Quân cũng ước được đi thăm cả Hà Nội, mà trong mắt cậu Hà Nội chính là Hồ Gươm. Cậu được bố mẹ dẫn đi Hồ Gươm từ hồi nào không nhớ.

Đến bây giờ, cậu chỉ nhớ mang máng Hồ Gươm có “Cầu Thê Húc cong cong như con tôm…” qua bài tập đọc, có Tháp Rùa hiện lên mỗi lần cậu dán mắt vào tivi đang phát về nơi này.

Quân thích Hồ Gươm đến mức, cậu ấp ủ hẳn một kế hoạch khám phá báu vật linh thiêng của Thủ đô. Cậu nói sẽ đi thăm hết từng ngóc ngách xung quanh Hồ Gươm mới thôi.

Quân chưa bao giờ nói với bố mẹ cậu về mong muốn của mình. “Con không nói với bố mẹ là con muốn đi chơi Hồ Gươm vì con muốn ở nhà phụ bố”, cậu bộc bạch.

Những mùa hè bình lặng trôi qua, Quân vẫn chưa có được niềm vui đi chơi Hồ Gươm mà cậu tưởng tượng. Nhưng cậu có niềm vui to lớn hơn, “Con được giúp đỡ bố mẹ là con thấy vui lắm rồi!”.

Dù không được đi chơi và phải chịu cái nóng kinh người nơi căn phòng trọ chưa đầy 5m vuông, Quân vẫn thấy vui vì có thể đỡ đần bố mẹ.

Cứ độ 10 giờ, Quân từ đâu chạy một mạch qua con ngõ nhỏ, mở cái cổng dãy trọ đã hoen gỉ, vào nhà lấy bọc thực phẩm mà lúc sáng bố cậu đi chợ mua về, mang ra cửa phòng trọ. Cậu bắt đầu sơ chế thực phẩm và chuẩn bị vào bếp. Cả ngày hôm nay, nhà cậu ăn món canh rau mùng tơi nấu với mướp và thịt lợn luộc.

Trước khi Quân đi chơi trong xóm chạy thận, cậu được bố dặn hôm nay cả nhà sẽ ăn món gì. Nên vừa cầm túi rau, túi thịt trên tay, cậu đã biết phải làm những gì và làm cái gì trước, cái gì sau.

Quân đổ nước ấm vào xoong, hoà chút muối hột và bỏ miếng thịt lợn vào, bắc bếp đun. Trong lúc đợi nồi thịt sôi, cậu chia đôi túi rau, một nửa cho ngày hôm nay, phần còn lại để dành ngày mai.

- Đoạn này già không ăn được!

- Cái này non ăn được!

Vừa nhặt rau, Quân vừa độc thoại như nhẩm lại những lời dạy nấu nướng từ người bố của mình.

- Con cắm 3 bát vào, trưa nay có mẹ về.

- Mẹ về hả bố! Thích quá!

Mẹ Quân làm công việc quét dọn tại chính bệnh viện nơi bố cậu chạy thận. Cả tuần, ngày nào mẹ cậu cũng đi từ sáng tới tối khuya, hầu như không ăn cơm ở nhà với hai bố con Quân.

“Công việc của mẹ vất vả vì mỗi lần về nhà con đều thấy mẹ nằm xuống giường nghỉ một lúc rất lâu”, Quân cảm nhận về công việc của mẹ sau vài lần tận mắt chứng kiến mẹ làm việc.

Hiếm hoi lắm mới có bữa cơm đông đủ cả bố và mẹ.

Từ mùa hè năm trước, Quân đã biết điều đó và cũng thuộc làu làu, “Bữa nào có mẹ thì cắm 3 bát cơm, còn có 2 bố con thì chỉ cắm 2 bát thôi”.

Những công thức nấu ăn bố dạy, Quân đều ghi nhớ hết. Đôi khi, cậu phân bua với bố của mình:

- Con xem thịt chín chưa?

- Nếu chọc đũa vào miếng thịt mà chảy ra nước đỏ thì thịt chưa chín, phải đun tiếp. Thịt chưa chín rồi!

Có lúc, Quân lơ đãng quên khuấy cho cái gì để món canh ngon đúng điệu như vị bố cậu nấu. Như một buổi nấu ăn khác, cậu nấu canh rau muống mà quên cho tỏi vào. Bị bố mắng, cậu hậm hực, “Bố làm được thì bố dậy mà làm”.

Quân đã khóc nhiều sau giấc ngủ trưa khi nghĩ lại điều mình mới cãi bố cậu. Cậu biết bố cậu không đủ khoẻ để có thể ngồi dậy, di chuyển nấu cơm, cho dù khoảnh bếp này bé xíu.

Cậu biết khi nói ra câu đó, bố cậu sẽ buồn nhiều lắm nhưng cậu vẫn “dỗi” bố, bữa trưa đó, cậu chỉ ăn 2 bát cơm thay vì 3-4 bát như mọi bữa. Rồi ăn xong, cậu cũng không tự giác rửa bát mà cứ để bát như vậy.

“Con chỉ muốn làm bố vui thôi!’, gạt dòng nước mắt, Quân đi chuẩn bị đồ đạc để hai bố con vào bệnh viện.

Quân với chiếc ba lô, bỏ vào trong đó những vật dụng cần thiết. Cậu không quên cầm theo một hộp sữa để hai bố con uống chung. Cậu để sẵn bộ quần áo bệnh viện lên giường cho bố thay.

Cứ khoảng 2 giờ 30 phút chiều các ngày thứ 3, thứ 5, thứ 7, bố ngồi xe lăn, cậu đi bộ bên cạnh, hai bố con lững thững đi từ xóm chạy thận tới Bệnh viện Bạch Mai.

Đến đoạn giao cắt đường Lê Thanh Nghị với Bạch Mai, Quân đi lên cầu dành cho người đi bộ còn bố cậu đi lên một đoạn để có chỗ quay đầu xe lăn.

Lần nào cũng vậy, hai bố con ngầm đua tốc độ với nhau xem ai tới cổng Bệnh viện Bạch Mai trước. Lần nào cậu cũng thắng như luôn đứng lại bậc cao nhất của cầu thang đi xuống bên này đường, phóng mắt ra phía xa xem bố cậu đi tới đâu rồi.

"Bố cứ yên tâm đi tiếp đi! Con ở ngay đây thôi!"
"Bố kia rồi, đi tiếp nào!"

- Bố ơi! Con ở đây này!

Quân vừa vẫy tay vừa gọi bố. Mắt nhìn của cậu chỉ lấy nét vào người đàn ông ngồi trên xe lăn đang hùng dũng tiến về phía mình. Cậu háo hức chạy về phía bố đang tới.

Quân chẳng bao giờ xấu hổ vì có một người bố phải ngồi xe lăn, không đi lại được như người bình thường. Ngược lại, cậu giống như một người phân làn giao thông trên đường phố mỗi khi hai bố con chậm rãi đi tới bệnh viện.

Ngày nắng cũng như ngày mưa, Quân luôn đi theo bố mỗi lần đến bệnh viện chạy thận nhân tạo.

Quân thuộc từng thủ tục của hai bố con mỗi lần bố cậu tới Phòng lọc máu, Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai để chạy thận.

Bước vào thang máy, Quân bấm tầng 3 rồi xoay xe lăn của bố cậu hướng ra cửa thang. Hai bố con chọn dừng xe tại một chỗ của hành lang vào phòng lọc máu, cậu cẩn thận khoá xe lăn cho bố, chạy vào bên trong xem đã có giường nào trống chưa.

Chỉ trực chờ người bệnh nào chạy xong, Quân vác ba lô vào “xí chỗ”. Cậu trải ga giường, treo túi đồ ăn phía cuối giường, đặt ba lô làm chỗ để bố gác chân. Đôi tất và chiếc mũ len được đặt ở vị trí dễ lấy nhất, để mỗi lần chạy thận xong bố cậu sẽ cần dùng.

Bóp chân cho bố, Quân phải lựa sức để không làm bố đau.

Ngay từ lần đầu tiên cùng bố tới đây, Quân đã chủ động xoa bóp chân cho bố. Cậu nói việc này vừa dễ lại vừa khó. Khó vì cậu không biết bóp thế nào để bố thoải mái và không bị đau.

Quân không sợ bác sĩ, không sợ kim tiêm, không sợ máu. Cậu chỉ sợ mỗi lần bố thều thào, “Gọi bác sĩ cho bố”. Những lúc như vậy, cậu dùng hết sức để tiến về phía có bóng áo trắng blouse và rõ ràng từng chữ, “Bác sĩ ra bố cháu bảo gì ý ạ!”

Trong khoảng thời gian bố nằm chạy thận, thi thoảng Quân chạy ra phía ngoài, chọn ngồi chiếc ghế mà chỉ cần rướn người lên là cậu có thể nhìn thấy bố qua lớp cửa kính.  

Quân biết cửa ra vào bên trái của Phòng lọc máu bật ra không tạo tiếng động còn cửa bên phải sẽ làm ồn. Nên bất cứ lúc nào ngồi gần chiếc cửa đó, cậu đều để tâm đến việc làm thế nào để khi ai đó mở ra, đóng vào không phát ra thứ tiếng khiến cậu nhăn mặt, bịt tai. Thế là, nếu ai đó chẳng mai mở mạnh thì cậu nhanh tay giữ cửa khi nó đang trên đà đập vào cánh còn lại. Cậu thích chí với cách làm này của mình.

Phần lớn thời gian trong ngày, Quân gần như không đi đâu cả, cậu chỉ ngồi cạnh bố hoặc nếu có đi thì cũng căn đúng nơi nào có thể nghe tiếng bố gọi. “Con ở nhà với bố vì bố yếu lắm”, cậu chia sẻ.

Những ngày mùa hè của Quân trôi theo thời gian biểu đã không có sự thay đổi gì từ vài năm nay. Cậu thức dậy lúc hơn 7 giờ sáng, ăn bữa sáng bố cậu mua cho, chơi với các bạn quanh xóm chạy thận, đến giờ về nấu cơm, ăn cơm, rửa bát rồi ngủ một giấc tới giờ đi chạy thận của bố. Những ngày bố cậu phải chạy thận, cậu đi theo tới bệnh viện và sớm cũng 8 giờ tối mới về tới phòng trọ.

Nhưng chưa mùa hè nào Quân thấy buồn. Vì với cậu, chỉ có mùa hè mới giúp cậu được ở cùng bố mẹ của mình. Ở cái tuổi lên 10, cậu chẳng đủ sâu sắc để nghĩ đến việc phải cố gắng làm sao mới giúp được bố mẹ của mình. Nhưng trong cách cậu nghĩ, cách cậu làm, cậu đã giúp bố mẹ mình rất nhiều rồi.

Quân gác lại ước muốn đi Hồ Gươm của cậu sang một bên, vì so với đi Hồ Gươm, cậu thích ở nhà chăm bố hơn. Cậu ước bố cậu có thể khỏi bệnh, sớm về với gia đình còn mẹ cậu sẽ không còn vất vả kiếm ăn mỗi ngày.

Hoá ra, 4 mùa hè với khoảng thời gian 8 tháng, Thủ đô Hà Nội của Quân vẫn bé tẹo, chỉ bằng con đường từ phòng trọ của xóm chạy thận tới Bệnh viện Bạch Mai.

Những người bạn trong ngày của cậu là anh, chị, em còn đang đi học Tiểu học như cậu, cũng tới xóm chạy thận ở với bố mẹ - như là cách duy nhất được đi Hà Nội.


Tin liên quan