Kỹ năng sơ cứu: Phương pháp vệ sinh vết thương nhanh và an toàn nhất

Đây là một trong những kỹ năng sơ cứu đơn giản và phổ biến nhất mà mỗi người đều phải thành thạo.

Cách bạn chăm sóc vết thương ngay sau khi xảy ra có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình lành. Một vết thương nhỏ được làm sạch và băng đúng cách thường sẽ lành mà không xảy ra biến chứng. Tuy nhiên, vết thương không sạch có thể bị nhiễm trùng và cần được chăm sóc chuyên nghiệp. 

Phần 1: Làm sạch vết thương.

1. Đánh giá vết thương: Bước đầu tiên trong điều trị bất kỳ tổn thương nào là cẩn thận đánh giá vết thương. Bạn sẽ cần xác định tính chất và mức độ nghiêm trọng của vết thương. Hãy xem xét kỹ chấn thương và chú ý những điều sau:

- Lượng máu. Tốc độ máu chảy như thế nào? Máu chảy ra theo dòng ổn định, hay theo nhịp mạch đập?

- Vật thể lạ trong vết thương. Đây có thể là nguyên nhân của vết thương, như lưỡi câu hoặc mảnh thủy tinh.

- Bụi bẩn hoặc mảnh vụn trong hoặc xung quanh vết thương.

- Bằng chứng về gãy xương, như xương nhô ra, da sưng trên khu vực xương hoặc không có khả năng di chuyển chi. Đặc biệt chú ý đến điều này nếu người bị thương do ngã.

- Bằng chứng về chảy máu trong, như sưng, vùng tím lớn trên da hoặc đau bụng.

- Trong trường hợp bị động vật tấn công, hãy tìm kiếm dấu hiệu của vết cắn và các vết thương khác. Nếu bạn sống trong một khu vực có rắn hoặc côn trùng có nọc độc, hiểu biết về hình dạng vết thương có thể trở nên rất hữu ích.

2. Quyết định nếu cần được chăm sóc y tế: Bạn có thể điều trị vết thương nhỏ ở nhà. Nhưng trong trường hợp vết thương nghiêm trọng, người bị thương nên đi khám bác sĩ ngay lập tức. Tìm kiếm sự chăm sóc y tế nếu:

- Vết thương chảy máu rất nhiều và/ hoặc không dừng lại.

- Vết thương sâu hơn một centimet. Trường hợp này vết thương có thể sẽ yêu cầu phải khâu.

- Có chấn thương đầu đáng kể.

- Có dấu hiệu của gãy xương hoặc chảy máu trong.

- Vết thương bẩn và người bị thương chưa được tiêm phòng uốn ván gần đây. Điều này đặc biệt quan trọng nếu vết thương được gây ra do một vật bằng kim loại rỉ sét.

- Người bị thương đang sử dụng thuốc làm loãng máu. Điều này đặc biệt quan trọng nếu người đó bị chấn thương ở đầu.

3. Ngừng máu chảy: Đặt áp lực nhẹ lên vết thương bằng cách sử dụng một miếng vải hoặc gạc, với phần vải thừa quấn quanh vùng bị thương. Nâng vùng bị thương lên cao hơn tim của người đó, nếu có thể.

- Nâng cao vùng bị thương sẽ làm giảm lưu lượng máu đến vết thương và giảm chảy máu.

- Nếu chảy máu không ngừng trong vòng 10 đến 15 phút, hãy tìm sự trợ giúp y tế ngay lập tức.

4. Loại bỏ dị vật nhỏ khỏi vết thương: Nếu có bất kỳ vật thể nào trong vết thương mà bạn có thể loại bỏ (chẳng hạn như một mảnh đá nhỏ, mảnh vỡ hoặc lưỡi câu), hãy cẩn thận lấy chúng ra.

- Sử dụng nhíp khử trùng cho các vật nhỏ, nếu bạn có sẵn chúng.

- Không loại bỏ các vật thể lớn từ một vết thương. Bạn có thể mở thêm vết thương và tăng chảy máu.

- Nếu có nhiều mảnh vụn trong vết thương, đặc biệt là nếu vết thương lớn, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế. Loại bỏ các mảnh vụn có thể đòi hỏi phải chà rửa đau đớn, và gây tê cục bộ cũng có thể là một ý tưởng tốt.

5. Rửa vết thương: Khi máu đã ngừng chảy, bước tiếp theo là làm sạch hoàn toàn khu vực dưới dòng chảy nước ấm. Đây được cho là bước quan trọng nhất để thúc đẩy phục hồi nhanh chóng. Dưới đây là một số cách thực hiện việc này:

- Đặt vết thương trực tiếp dưới dòng nước ấm. Cho nước chảy đến khi các mảnh vụn, bụi bẩn đã hoàn toàn được rửa trôi.

- Các vết thương do bỏng nên được rửa với thật nhiều nước mát để hạ nhiệt độ. Trong trường hợp bỏng hóa chất, rửa nước giúp làm loãng hóa chất và giảm tổn thương mô.

6. Băng bó vết thương: Sau khi làm sạch, quấn vết thương trong một băng sạch. 

- Sử dụng một miếng băng lớn hơn một chút so với vết thương.

- Các vết bỏng, trầy xước hoặc vết thương có cạnh không đều nên được phủ bằng một miếng chống dính hoặc miếng Telfa do máu khô và da lành có thể dính vào gạc.

- Gạc tẩm iốt là lựa chọn tốt nhất cho các vết thương cần phải để mở, chẳng hạn như áp xe hoặc vết thương thủng.

Phần 2: Chăm sóc vết thương.

1. Theo dõi vết thương hàng ngày: Sau 48 giờ, kiểm tra lại vết thương hàng ngày. Hãy tháo băng và tìm dấu hiệu nhiễm trùng hoặc các biến chứng khác. Liên hệ với bác sĩ nếu bạn thấy dấu hiệu nhiễm trùng.

- Nếu miếng băng dính chặt trên vết thương và không bong ra, hãy ngâm nó trong nước ấm.

- Trong khi vết thương đang được để hở, đánh giá các dấu hiệu nhiễm trùng bao gồm đỏ da xung quanh các cạnh vết thương. Tìm dịch mủ hoặc dịch mủ có màu vàng xanh.

- Đặt tay nhẹ nhàng lên trên khu vực vết thương để xem có hơi ấm và sưng tấy hay không. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo, đặc biệt là khi khu vực vết thương có màu đỏ.

- Kiểm tra nhiệt độ của người bị thương xem có sốt không. Nếu có, lập tức đưa người bị thương đến gặp bác sĩ.

- Nếu nhiễm trùng nằm bên trong da, vết thương có thể sẽ cần được mổ bởi bác sĩ. Một số vết thương bị nhiễm trùng cần dùng kháng sinh hoặc thậm chí là phẫu thuật gây mê toàn thân. Điều này đặc biệt phổ biến trong trường hợp vết thương không được rửa đúng cách.

2. Rửa vết thương: Nếu vết thương đã được vệ sinh sạch, hãy rửa lại để duy trì vết thương sạch sẽ. Chỉ cần để nước chảy qua vết thương trong một phút. Rửa sạch bất kỳ máu đóng cục bằng xà phòng và nước.

- Sử dụng xà phòng và nước để làm sạch vùng da xung quanh và các bộ phận của vết thương không hở. 

3. Sử dụng thuốc kháng sinh: Sau khi được làm sạch, bôi một lớp thuốc mỡ kháng sinh lên vết thương bằng bông tăm. Điều này giúp làm giảm khả năng nhiễm trùng.

4. Băng bó vết thương: Đặt một miếng băng sạch lên vết thương. Giữa các lần kiểm tra, giữ cho băng sạch và khô.

- Lặp lại quy trình kiểm tra hàng ngày cho đến khi vết thương được chữa lành.

- Tiếp tục giữ vết thương trên cao càng nhiều càng tốt, trong ít nhất vài ngày đầu. Điều này sẽ giúp giảm thiểu đau và sưng.

Xuân Hồng/giadinhmoi.vn

Tin liên quan