Cụ ông 75 tuổi ở Long Biên được gia đình phát hiện và đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, ý thức chậm, đáp ứng kích thích kém, suy hô hấp, khó thở... sau khi bị ngã trong nhà vệ sinh. Bệnh nhân được chẩn đoán tràn mủ phổi phải cùng nhiều ổ áp-xe, đông đặc thùy dưới phổi trái, hôn mê, suy hô hấp cấp...
Mặc dù được cấp cứu tích cực, đặt ống nội khí quản, hỗ trợ thở máy... nhưng tình trạng của bệnh nhân rất nặng nên được bác sĩ chỉ định phẫu thuật điều trị. Sau gần 1 tuần điều trị, sức khỏe bệnh nhân dần ổn định.
Một trường hợp khác là một bệnh nhân 73 tuổi, bị té ngã khi đi vệ sinh. Sau cú ngã, bệnh nhân cảm thấy đau tức ở vùng bụng nhưng không đi khám. 3 ngày sau, tình trạng đau bụng ngày càng tăng, bụng chướng dần lên, bệnh nhân không đi tiểu được. Lúc này gia đình mới đưa bệnh nhân đi cấp cứu trong tình trạng bụng chướng căng, rối loạn tri giác, lơ mơ.
Qua thăm khám, bác sĩ nhận định bệnh nhân bị vỡ bàng quang do ngã, nhưng đến muộn. Các bác sĩ đã tiến hành mổ cấp cứu cho bệnh nhân ngay trong đêm.
Bác sĩ Trần Anh Thắng, PGĐ Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội cho biết, sàn nhà tắm ẩm ướt, trơn trượt là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng trượt ngã ở người cao tuổi.
Nguy hiểm hơn, diện tích nhà tắm nhỏ mà lại rất nhiều đồ cứng, nên khi ngã cơ thể nạn nhân sẽ dễ bị va đập mạnh vào các thiết bị vệ sinh như bồn cầu, chậu rửa mặt, các vật dụng trong nhà tắm… Vì vậy mà mức độ tổn thương do trượt ngã trong nhà tắm rất trầm trọng như: vết thương chảy máu, gãy xương, chấn thương cột sống, chấn thương sọ não…
Do đó, bác sĩ khuyến cáo, với những trường hợp tuổi cao sau khi bị ngã chấn thương bất kể vì lí do gì, nếu cảm thấy nghi ngờ phải sớm đưa đến các cơ sở y tế uy tín để kiểm tra và kịp thời xử trí, tránh các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.
Các dấu hiệu nhận biết khi người già sau bị ngã
- Đau tại vị trí tổn thương, đau tăng khi vận động
- Sưng nề, bầm tím
- Giảm vận động hoặc mất vận động hoàn toàn (có thể sai khớp, bong gân, gãy xương…)
- Vết thương rách da hoặc chảy máu
- Nằm yên vài phút và tự kiểm tra cơ thể xem có bị tổn thương, chảy máu hay không. Sau đó cử động nhẹ nhàng, từ từ các chi.
- Cố gắng giữ bình tĩnh xem mình có bị chảy máu ở đâu không. Nếu không bị chảy máu hoặc cảm giác có thể ngồi xuống và nghỉ ngơi một lúc trước khi tiếp tục đứng dậy được hãy đứng dậy từ từ hoặc bò dần ra ngoài
- Đưa tay hoặc đầu gối, chân tìm kiếm bồn cầu, vòi tắm, bồn rửa mặt rồi giữ chặt bằng cả hai tay để nâng bản thân và từ từ đứng dậy.
- Nếu không thể đứng dậy, tay chân đau tăng khi vận động, thấy di lệch bất thường ở tay chân, bị chảy máu, thì hãy cố gắng thu hút sự chú ý của người khác bằng cách:
+ Kêu cứu, đập vào sô chậu, tường hoặc sàn nhà tắm hoặc sử dụng nút gọi trợ giúp (nếu có).
+ Nếu có thể, hãy tìm điện thoại và gọi cho người thân hoặc 115 yêu cầu xe cấp cứu. Đặc biệt hạn chế tối đa việc cố gắng di chuyển vì có thể sẽ làm di lệch chèn ép vào tủy hoặc nguy cơ biến chứng nặng hơn
+ Với lấy quần áo, khăn tắm đắp lên người, đặc biệt là vùng chân và bàn chân để giữ ấm.
- Tiếp cận người bị nạn một cách bình tĩnh, cẩn trọng, cảnh giác với những nguy hiểm xảy ra cho mình hoặc người bị ngã. Loại bỏ các yếu tố nguy hiểm môi trường xung quanh người bị nạn (điện, trơn trượt…).
- Đừng vội di chuyển như bế hoặc kéo người bị nạn ra ngoài, cần đánh giá nhanh chóng tình trạng nạn nhân bằng cách kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân như: Nạn nhân tỉnh táo, giao tiếp được không; Nạn nhân còn thở không; Kiểm tra mạch cổ hoặc bẹn xem còn đập không...
+ Nếu nạn nhân không phản ứng, các dấu hiệu sinh tồn đều không có (nạn nhân bất tỉnh, không thở, thở ngáp, không có mạch cảnh, bẹn) thì tiến hành ngay “ép tim ngoài lồng ngưc, hô hấp nhân tạo” cho nạn nhân
+ Nếu nạn nhân còn phản ứng, đang thở thì việc cần làm là:
+ Nếu nạn nhân chảy máu thì thực hiện việc cầm máu tạm thời bằng cách lấy các khăn sạch ấn trực tiếp vào vết thương, băng ép cầm máu. Tiếp đó, tìm các dấu hiệu của sốc như mạch nhanh, da tái hoặc bấm vào đầu ngón tay bệnh nhân không hồng trở lại sau 2-3 giây, hướng dẫn người bệnh nằm xuống và nâng cao chân.
- Có thể dùng thuốc giảm đau: Paracetamol…
- Gọi hỗ trợ 115
Phòng tránh té ngã cho người cao tuổi thế nào?
- Người cao tuổi nên duy trì vận động, tập thể dục hàng ngày để cơ thể khỏe mạnh, vận động linh hoạt
- Nhà tắm dành cho người cao tuổi phải được lắp đặt đèn với ánh sáng luôn đủ, công tắc đèn để nơi dễ bật
- Người già dễ gặp tai nạn do nhà tắm trơn trượt. Vì vậy, khi thiết kế nội thất nhà tắm cần chú ý chống trơn cho sàn. Có rất nhiều biện pháp và giải pháp chống trơn trượt sàn nhà tắm như lát gạch chống trơn, dùng thảm, băng dính chống trơn…
- Dép đi trong nhà tắm có độ tăng ma sát tránh những đế dép bằng cao su…
- Các thiết bị vệ sinh nên chọn các loại có thiết kế bo tròn, không có góc cạnh làm vừa tầm để giảm nhẹ mức độ thương tích nếu không may va đập.
- Lắp đặt thêm các thanh vịn nhà tắm cũng sẽ làm giảm nguy cơ bị trượt ngã và hạn chế ngã khi co một chân lên mặc quần áo, chân bên kia trụ không nổi làm ngã.
- Có thể lắp chuông không dây trong nhà tắm.
- Mang điện thoại di động bên người
- Ban đêm, người già có bô đi tiểu tại giường khi cần.
- Nếu người già chẳng may bị ngã, không tự ý điều trị tại nhà, hãy gọi 115 hoặc đưa nạn nhân đến viện nếu có thể.