Theo PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, BV Bạch Mai, "thời gian vàng" trong đột quỵ thiếu máu não là 270 phút nếu sử dụng thuốc tiêu huyết khối làm tan cục máu đông hoặc trong 6 - 8 giờ nếu lấy huyết khối cơ học trong trường hợp tắc động mạch lớn trong não.
Nếu người bị đột quỵ não được điều trị càng sớm trong khoảng “thời gian vàng” thì cơ hội phục hồi, ít để lại di chứng càng cao. Ngược lại, nếu điều trị càng muộn trong “cửa sổ thời gian” này cơ hội phục hồi sẽ thấp đi.
Do đó, khi phát hiện người thân bị đột quỵ não, chúng ta cần sơ cứu đúng cách và đưa người bệnh vào viện càng sớm càng tốt. Các bước sơ cứu người cao tuổi bị đột quỵ não như sau:
Nếu thấy người cao tuổi trong nhà có những biểu hiện của đột quỵ, hãy ngay lập tức gọi xe cấp cứu. Cần phải giữ bình tĩnh, chờ đợi sự giúp đỡ từ các bác sĩ và giữ người bệnh trong tư thế thoải mái, an toàn:
– Khi phát hiện người thân bị đột quỵ, hãy để họ nằm nghiêng sang một bên, đầu ngẩng hơi cao một chút để đề phòng người bệnh muốn nôn ói.
– Kiểm tra nhịp tim: Cần kiểm tra xem người bệnh còn thở hay không. Nếu phát hiện nhịp thở của người bệnh đang yếu dần, hãy tiến hành hô hấp nhân tạo.
– Nếu nhận thấy người bệnh gặp khó khăn trong hô hấp, hãy nới lỏng áo quần, tháo khăn quàng, cà vạt hay thắt lưng,…
Tư thế nằm nghiêng an toàn (hay còn gọi là tư thế hồi sức cấp cứu) là tư thế nhằm bảo vệ đường thở của bệnh nhân, cũng là lựa chọn tốt nhất trong việc đảm bảo an toàn cho bệnh nhân:
– Ở người bệnh hôn mê, khi nằm ngửa, lưỡi sẽ bị tụt xuống họng, gây cản trở, bít tắc đường thở. Nếu bệnh nhân nôn trong khi đang nằm ngửa và ý thức không hoàn toàn tỉnh táo, sẽ dễ dàng hít phải các chất nôn vào phổi, gây tắc đường thở hoặc suy hô hấp, rất nguy hiểm. Nếu bệnh nhân nôn ói, cần chuyển ngay bệnh nhân sang tư thế nằm nghiêng, tránh sặc chất nôn vào đường hô hấp. Do đó nằm nghiêng về một bên để các chất nôn dễ dàng thoát ra ngoài.
– Nếu bệnh nhân còn tỉnh:
+ Hỗ trợ bệnh nhân nằm ở một tư thế thoải mái nhất và theo dõi phản ứng của bệnh nhân.
+ Lập tức gọi cấp cứu, đưa người bệnh tới bệnh viện.
Một số người bệnh có thể bất tỉnh trong cơn đột quỵ não. Nếu điều này xảy, hãy đánh giá tình trạng hô hấp của người bệnh, xem người bệnh có còn thở không. Nếu không thể bắt được mạch của người bệnh, hãy bắt đầu thực hiện hồi sinh tim phổi... Việc hô hấp nhân tạo đúng cách sẽ giúp sơ cứu đột quỵ, duy trì nhịp thở.
Đặt nạn nhân trên mặt phẳng cứng, để nạn nhân nằm ngửa. Khi ép tim cần lưu ý về vị trí, tốc độ cũng như cường độ ép. Tần số sẽ là 100-120 lần/phút, lực ép mạnh để lồng ngực lún xuống 5cm. Vị trí ép đúng là nửa dưới xương ức hoặc giữa hai núm vú. Tư thế người ép là chân quỳ, trục cánh tay vuông góc với thân mình người bệnh. Cứ 30 lần ép tim thì thực hiện 2 lần thổi ngạt.
Khi sơ cấp cứu cần chú ý kiểm soát đường thở của người bệnh bằng cách tìm hiểu xem người bệnh có bị mắc dị vật, răng giả hay đờm dãi… hay không. Nếu có, cần làm thông thoáng đường thở cho người bệnh.
Trong thời gian chờ đợi xe cấp cứu đến, hãy bình tĩnh nói chuyện với người bệnh để giúp não tỉnh táo, tránh rơi vào hôn mê sâu.
Nếu người bệnh có bất kỳ biểu hiện đau đớn ở bộ phận nào trên cơ thể, người sơ cứu cần phải tránh động vào phần đó. Hãy để nhân viên y tế chịu trách nhiệm di chuyển người bệnh nhằm không gây ra thêm bất kỳ thương tổn nào.
Cố gắng giữ bình tĩnh trong suốt quá trình chờ cứu thương 115 đến.