Đánh vào mông trẻ là một hình thức kỷ luật con cái khá phổ biến trên toàn thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam. Tuy nhiên đến nay, đã có tới 53 quốc gia và bang cấm hành vi đánh mông trẻ vì những hậu quả nặng nề mà nó mang lại.
Dạy con bằng đánh mông là một chủ đề nóng không ngừng gây tranh cãi, nhất là vài chục năm trở lại đây.
Những người ủng hộ biện pháp này cho rằng đánh mông con là hình thức an toàn (vì sẽ không gây tổn thương quá nặng hay nguy hiểm), cần thiết và hiệu quả.
Ngược lại, những người phản đối cho rằng đánh mông có hại cho trẻ và vi phạm nhân quyền của trẻ.
Là hai học giả với nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng về lĩnh vực ngược đại trẻ em, với chuyên môn cụ thể liên quan đến hình thức đánh mông trẻ em, chúng tôi muốn bàn luận một khía cạnh khác của vấn đề này.
Nghiên cứu đã chỉ rõ rằng đánh mông có thể dẫn tới nhiều hậu quả xấu về phát triển, xã hội và sức khỏe của trẻ.
Những hậu quả này bao gồm các vấn đề về sức khỏe tinh thần, sử dụng chất gây nghiện, tự tử và các vấn đề sức khỏe thể chất; cùng với các vấn đề về mặt nhận thức, xã hội, hành vi và phát triển.
Thêm vào đó, chưa từng có nghiên cứu nào chỉ ra rằng đánh mông có lợi cho trẻ.
Nếu có ai đó nói rằng đánh mông an toàn với trẻ nếu thực hiện theo một cách cụ thể nào đó, thì có vẻ đó đơn giản chỉ là những quan điểm cá nhân, và không hề có bằng chứng khoa học nào ủng hộ quan điểm này.
Cho tới nay, đã có hàng trăm nghiên cứu khoa học về đánh mông trẻ với nhiều hình thức nghiên cứu đa dạng khác nhau.
Các nghiên cứu này ngày càng được cải thiện chất lượng với những phương thức đo đạc chính xác hơn, quy trình nghiên cứu phức tạp hơn và phương pháp thống kê tốt hơn.
Các bằng chứng khoa học từ các nghiên cứu này đã cùng chứng minh rằng đánh mông dẫn tới những hậu quả gây hại cho trẻ.
Điều này được chứng minh trong hai bài phân tích của Elizabeth Gershoff.
Nghiên cứu đầu tiên được công bố năm 2002, xem xét và phân tích 88 nghiên cứu được phát hành trong 62 năm trước đó và phát hiện rằng trừng phạt thân thể có liên quan tới các hành vi bạo hành thể xác, phạm tội và chống đối xã hội.
Một phân tích mới cập nhật được công bố gần nhất năm 2016 đã phân tích 75 nghiên cứu trong 13 năm trở lại đây và cho ra kết luận: Không có bằng chứng nào cho thấy đánh mông có thể khiến trẻ ngoan hơn, và đánh môn dẫn tới tăng nguy cơ của 13 hậu quả nghiên trọng ở trẻ.
Trong số đó, có thể kể đến tức giận, hành vi chống đối xã hội, vấn đề sức khỏe tâm lý, mối quan hệ tiêu cực với cha mẹ.
Chúng ta đã có các số liệu minh chứng rõ ràng đánh môn không an toàn và không hề hiệu quả. Dĩ nhiên điều đó không có nghĩa là những ông bố bà mẹ đánh mông con là xấu.
Đơn giản là trước đây chúng ta không được biết về những nguy hiểm của hành vi này.
Những minh chứng hơn 20 năm nghiên cứu đã chỉ ra những tác hại của việc đánh mông trẻ.
Thế giới cũng dần ghi nhận quyền của trẻ được bảo vệ và được coi trọng danh dự, như trong Hiệp ước về Quyền Trẻ em của Liên hợp quốc trong khuôn khổ các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc nhằm xóa bỏ bạo lực.
Cùng với đó, các nghiên cứu cũng cho chúng ta thấy rằng, không bao giờ nên đánh mông con dù ở bất kỳ độ tuổi nào.
Vấn đề quan trọng ngày nay là tìm biện pháp thay thế để giúp cha mẹ dạy con một cách tích cực và không đòn roi.
Các nghiên cứu đã chỉ ra một số chương trình làm cha mẹ với nỗ lực ngăn chặn trừng phạn thân thể có thể đem lại hiệu quả.
Một số chương trình như Parent-Child Interaction Therapy (Trị liệu Tương tác cha mẹ - trẻ) (PCIT), the Incredible Years (IY) và Nurse Family Partnership (NFP) đã tìm được một số bằng chứng về giảm thiểu việc dạy con hà khắc và trừng phạt thân thể.
Nhiều biện pháp can thiệp cũng đang được tiến hành và thử nghiệm với hi vọng mang lại hiệu quả.
Các nhà khoa học vẫn nỗ lực tiến hành các nghiên cứu, thu thập các câu hỏi dữ liệu để tăng cường nhận thức về vấn đề này và đảm bảo an toàn, phát triển lành mạnh ở trẻ.
Theo Science Alert
Làm thế nào để kỷ luật con không đòn roi?
Bước 1: Đặt quy định rõ ràng
Hãy cho trẻ cơ hội để tuân thủ những quy định của bạn bằng các nêu rõ các quy định và phải đảm bảo là trẻ hiểu. Hãy giải thích cho trẻ vì sao những quy định này lại quan trọng.
Nếu trẻ hiểu được vì sao một hành vi nào đó là chấp nhận được hay không chấp nhận được, bạn sẽ ít cần phải kỷ luật con hơn đấy.
Bước 2: Cho trẻ biết hình phạt cho những hành vi sai trái
Con bạn cũng cần phải hiểu điều gì sẽ xảy ra nếu con vi phạm quy định.
Bằng cách đó, con sẽ học được rằng những lựa chọn và hành động của bản thân sẽ dẫn tới hậu quả.
Những hình phạt đó phải có lý và phải liên quan đến những quy định mà trẻ vi phạm. Ví dụ nếu quy định là 'không xem TV trước khi làm xong bài tập' thì mức phạt cho sự vi phạm có thể là cấm xem TV một ngày.
Bạn cần thông báo cho con những hình phạt này rõ ràng trước khi con vi phạm.
Bước 3: Áp dụng hình phạt ngay và luôn
Khi trẻ vi phạm quy định, bạn cần áp dụng cách phạt đã trao đổi từ trước ngay và luôn. Nếu thời gian trì hoãn quá dài trẻ sẽ không liên hệ giữa hình phạt với hành vi sai trái của mình.
Thêm vào đó, nếu bạn trì hoãn việc phạt thì lần sau khi con tái phạm cha mẹ thường nóng nảy và có xu hướng quát mắng, đánh con hơn.
Bước 4: Kiên định
Sau khi đã đặt ra các quy định và hình phạt, hãy kiên định và nghiêm túc áp dụng chúng. Đừng để tiếng khóc của con làm bạn mủi lòng khi con vi phạm.
Nếu cha mẹ không kiên định, con sẽ coi thường các quy định. Còn nếu con biết chắc bạn nghiêm khắc và kiên định với các hình phạt, con thường sẽ nghe lời hơn.
Bước 5: Khen những hành vi tốt
Trẻ nên được ngợi khen, cảm ơn hoặc là khuyến khích dưới hình thức nào đó nếu có hành vi tốt. Theo Unell và Wyckoff, bạn nên khen một hành vi cụ thể của con thay vì khen chung chung bản thân con.
Một nghiên cứu gần đây về khen ngợi năng lực và khen ngợi thành tựu cũng chỉ ra việc khen con sai cách sẽ dẫn đến hậu quả khó lường.
Ví dụ, bạn có thể nói 'Thật tuyệt là con đã làm xong bài trước khi bật TV. Làm tốt lắm'. Cách khen ngợi này là một cách tích cực để nhắc lại cho con về quy định và điều mà bạn mong con thực hiện.
Theo Live Strong