Hai người đàn ông suy đa phủ tạng vì mắc cúm A/H1N1, bác sĩ chỉ cách phòng ngừa

Bị cúm A/H1N1 dẫn đến ho, hắt hơi, sổ mũi, sốt cao liên tục dẫn đến khó thở 2 người đàn ông mới được đưa vào viện điều trị trong tình trạng ý thức chậm, suy đa phủ tạng và rơi vào tình trạng nguy kịch.

Viêm phổi biến chứng suy hô hấp cấp (ARDS) do cúm mùa

Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, bệnh viện Bạch Mai hiện Khoa đang điều trị cho 2 bệnh nhân mắc bệnh cúm A/H1N1 trong tình trạng rất nguy kịch.

Bệnh nhân L.Đ.C. (nam, 64 tuổi, ở Sơn Tây Hà Nội) được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng khó thở, ý thức chậm, đã được đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp.

Theo lời kể của người nhà, trước đó 6 ngày, bệnh nhân xuất hiện sốt cao liên tục, ho khan, khó thở kèm tức ngực, đi khám tại tuyến cơ sở được chẩn đoán viêm phổi, kê đơn điều trị nhưng tình trạng không cải thiện.

Tại Khoa Hồi sức tích cực, bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi biến chứng ARDS (hội chứng suy hô hấp cấp). Mặc dù được điều trị tích cực với các kỹ thuật hiện đại nhất song tiên lượng sống của bệnh nhân còn rất dè dặt.

Bệnh nhân đang được sử dụng những kỹ thuật hiện đại nhất để duy trì sự sống

Bệnh nhân nam khác 48 tuổi ở Ứng Hòa, Hà Nội xuất hiện các triệu chứng thông thường của cúm như ho, hắt hơi, sổ mũi, sốt, nhức mỏi toàn thân.

Đáng lưu ý, trước đó gia đình anh cũng có vài người mắc cúm. Nghĩ là chỉ mắc cúm thông thường nên phải đến 4 ngày sau anh mới nhập viện điều trị.

Lúc này anh đã có biến chứng suy đa phủ tạng và nhanh chóng rơi vào nguy kịch. Hiện tại quanh người anh là rất nhiều máy mọc hiện đại nhất như hệ thống tim phổi nhân tạo ECMO, máy lọc máu liên tục, thở máy để mong giữ được tính mạng.

Khoa Hồi sức tích cực đã lấy mẫu xét nghiệm cho cả hai bệnh nhân trên. Theo kết quả của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa trả lời, cả hai trường hợp đều dương tính với virus cúm A/H1N1 (hay còn gọi là cúm mùa).

Mặc dù không phải nhiễm cúm gia cầm H5N1 như nghi ngờ trước đó song với những biến chứng nguy kịch như trên, việc chúng ta cảnh giác với cúm là không thừa.

Từ hai bệnh nhân cúm mùa trên, PGS. TS Đào Xuân Cơ – Trưởng khoa Hồi sức tích cực BV Bạch Mai chia sẻ: Cúm mùa (A/H1N1) là loại cúm thường gặp ở Việt Nam, do virus gây ra và lây truyền qua đường hô hấp, người lành có thể mắc bệnh trực tiếp khi hít phải giọt bắn nước mũi, nước bọt khi người bệnh hắt hơi, ho hoặc gián tiếp qua bàn tay khi cầm nắm các vật dụng có nhiễm nước mũi, nước bọt của bệnh nhân (thành giường, tay nắm cửa, điện thoại…) hoặc do dùng chung dụng cụ với bệnh nhân (cốc chén, bát đũa, thau chậu…).

PGS Cơ cho biết, đa số các trường hợp cúm mùa sẽ tự khỏi. Ở giai đoạn đầu bệnh thường kéo dài khoảng 3 ngày với các triệu chứng sốt, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi, chán ăn...

Sau đó, các triệu chứng hô hấp sẽ xuất hiện như ho khan, sổ mũi, đau họng. Sốt là triệu chứng quan trọng, thường kéo dài 3 ngày đầu, nhưng có thể lên tới 4 - 8 ngày, nhiệt độ thường tăng nhanh và cao đến 40 – 41 độ C.

Tuy nhiên một số trường hợp bệnh có thể tiến triển nặng: sốt cao, khó thở, tím tái, phù phổi do suy tim và có thể gây tử vong. Đặc biệt là những trường hợp có tiền sử mắc các bệnh mạn tính, suy giảm đề kháng, miễn dịch như suy thận, đái tháo đường, người nghiện rượu, phụ nữ có thai, người già, trẻ nhỏ....

Vì thế, khi có các biểu hiện ho tăng lên, sốt tăng, tức ngực, khó thở khi đã được dùng các thuốc cảm cúm thông thường cần đưa người bệnh đến các cơ sở y tế chuyên sâu để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra. 

Bác sĩ Phạm Thế Thạch, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ về những biến chứng nguy hiểm của bệnh cúm mùa

Tiêm vắc - xin là phương pháp phòng bệnh hiệu quả 

Phương pháp phòng cúm mùa hiệu quả nhất theo PGS Cơ đó là tiêm phòng vắc xin cúm. Đặc biệt, những người có bệnh lý nền, cơ địa suy giảm miễn dịch, người già, trẻ nhỏ,… cần tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch các chủng cúm đã có vắc - xin. Đây là biện pháp phòng bệnh an toàn, đặc hiệu và kinh tế nhất.

Ngoài ra, người dân cần tuân thủ tốt các thói quen vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; Che miệng và mũi khi ho, hắt hơi hoặc dùng khăn giấy sau đó bỏ vào thùng rác, nếu che bằng tay thì cần rửa tay ngay sau khi ho, hắt hơi nhằm trách lây nhiễm sang vật dụng khác, cho người khác.

PGS Cơ nhấn mạnh: “Vệ sinh tay thường xuyên, nhiều lần trong ngày cũng là 1 trong những biện pháp phòng cúm và các bệnh lây nhiễm thông thường khác khá hiệu quả, không tốn kém và dễ thực hiện”.

Vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hoá chất sát khuẩn thông thường.

Người dân nên tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng… thì thông báo cho trường học, cơ quan, đoàn thể nơi đang học tập, công tác và cơ sở y tế địa phương. Nếu được xác định mắc cúm thì cần được cách ly và đeo khẩu trang.

Những người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh cúm. Không tự ý sử dụng thuốc đặc biệt là thuốc kháng vi rút như Tamiflu mà phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc.

M.Thanh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan