Đuổi học vì nói xấu thầy cô: ‘Trước khi đuổi học sinh, thầy cô nên xem lại chính mình'

Ths. Bs Phạm Đức Chuẩn, trước khi đuổi học sinh, thầy cô cần xem lại chính mình, liệu họ có sai sót không, có đúng như trẻ đang nói với nhau hay không

Sáng 1/11, chia sẻ với PV Gia Đình Mới, Ths. Bs Phạm Đức Chuẩn - Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em cho biết, hiện tại trong sự việc các em học sinh tại Thanh Hoá vẫn còn một số điểm vướng mắc.

Cụ thể, liên quan đến sự việc có 8 em nhưng mỗi em bị một hình thức xử phạt khác nhau, nguyên nhân các em nói xấu cũng còn chưa rõ.

Đánh giá về hình thức xử phạt, vị chuyên gia tâm lý này cho rằng, trẻ chia sẻ bức xúc với nhau thông qua một nhóm kín, không công khai, không bêu rếu ai, chưa gây ra hậu quả nào nên việc xử phạt như trên là rất nặng. 

Nhận định trên phương diện tâm lý, tầm lứa tuổi lớp 10 - đặc điểm tâm lý lứa tuổi này muốn khẳng định mình, cần được tôn trọng, thầy cô cần giải thích cho học sinh nhận thức được việc mình làm.

Chưa kể, việc xử phạt không công bằng giữa các học sinh sẽ gây ra mâu thuẫn, không đảm bảo tính răn đe.

“Cho trẻ nghỉ học một năm, trẻ sẽ làm gì, đi đâu, trở thành con người như thế nào. Dẫu biết đây là cách “giết gà doạ khỉ” mang tính răn đe những học sinh còn lại nhưng nếu trẻ phản ánh thông tin chân thực, đúng mực thì nó sẽ gây ra phản tác dụng giáo dục.

Trên thực tế trong quá trình tiếp nhận điều trị bệnh nhân, nhiều em học sinh bị đuổi học tương tự những em trên đến với tôi và chia sẻ rằng chúng coi mình như những người hùng vì dám chống lại những con “khoặm già” - theo ngôn từ của trẻ. 

Vì vậy, việc đuổi trẻ khỏi trường là đẩy trẻ về bước đường cùng, là một sự thất bại”, Ths. Chuẩn cho biết. 

Cũng theo vị chuyên gia này, trong sự việc học sinh hư - học sinh bị đuổi học, xét đến cùng, người chèo lái vẫn là người có trách nhiệm chính.

Học sinh nói xấu giáo viên trên facebook bị đuổi học là vấn đề đang được dư luận quan tâm (Ảnh: minh hoạ)

“Trong nhà trường, quan trọng nhất là thầy cô cần đảm bảo sự mẫu mực, đủ khả năng cảm hoá được học sinh chứ không chỉ phạt và đuổi học. 

Người giáo viên là nghề đặc thù, không chỉ cần độ sâu kiến thức, tác phong mà cần trang bị cả phong cách sống. 

Nếu thầy cô đảm bảo được tất cả các yếu tố đó, đủ làm gương cho học sinh, tự ắt trẻ sẽ ngoan. Thế nên mới có câu, thầy hay sẽ có trò giỏi. Nếu một trong hai vế đó có trục trặc, chúng ta cần nhìn nhận lại một cách khách quan.

Và trước khi đuổi học sinh, thầy cô cần xem lại chính mình, liệu họ có sai sót không, có đúng như trẻ đang nói với nhau hay không”, Ths. Phạm Đức Chuẩn chia sẻ.

Trước đó, ngày 1/10, em Đ.M.Tr (là học sinh lớp 10A5, trường THPT Nguyễn Trãi) có sử dụng điện thoại di động trong giờ học nên bị cô giáo bộ môn thu, sau đó giao lại cho cô giáo chủ nhiệm.

Chiều cùng ngày, tại phòng trực giám thị, điện thoại của nữ sinh không bị khóa, cô Bích thấy trên màn hình hiện cuộc trò chuyện ở nhóm Facebook có tên “Động Cô Bích”, nội dung nói xấu thầy cô, nhà trường. Thậm chí, nhiều em còn dùng từ thô tục, thiếu văn hóa. Việc này tiếp diễn vào tối cùng ngày.

Sáng 2/10, sự việc đã được cô Bích báo cáo tới lãnh đạo nhà trường và nhà trường đã mời phụ huynh của nhóm học sinh lớp 10A5 lên để trao đổi.

Đến ngày 13/10, lớp họp kiểm điểm, xét kỷ luật học sinh, với sự tham gia của tập thể lớp, giáo viên chủ nhiệm, trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh và phụ huynh của những em vi phạm. Ngày 23/10, hội đồng kỷ luật nhà trường họp, quyết định mức kỷ luật.

Hiệu trưởng nhà trường đã ra quyết định kỷ luật học sinh. Theo đó, có 3 học sinh bị đuổi học 1 năm, 4 học sinh bị đuổi học 1 tuần và 1 em bị cảnh cáo trước toàn trường.

Hồng Ngọc/giadinhmoi.vn

Tin liên quan