Liên quan tới việc trường THPT Nguyễn Trãi (tỉnh Thanh Hóa) ban hành quyết định đuổi học 7 học sinh vì nói xấu thầy cô, nhà trường trên nhóm kín của mạng xã hội facebook, trao đổi với Gia Đình Mới, Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Công ty Luật Thiên Thanh) cho rằng: Việc tự tiện xem, đọc tin nhắn trên điện thoại của học sinh của cô giáo và nhà trường đã vi phạm Điều 21 Hiến Pháp 2013 và Điều 38 Bộ luật Dân sự 2005 cùng về quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân.
Cụ thể: Theo Điều 21 Hiến Pháp 2013 cho thấy rõ pháp luật rất coi trọng quyền riêng tư của mỗi người:
“1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.
Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.”
Tương tự như vậy, điều 38 Bộ luật Dân sự 2005 cũng đã quy định:
“1. Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền….”.
Như vậy, tin nhắn trên tài khoản facebook là một dạng bí mật thư tín, điện thoại của các em học sinh. Các em lập nhóm kín để chia sẻ với nhau những điều "bí mật" của bản thân.
Trong đó có suy nghĩ về một ai đó, một sự việc nào đó. Các em chia sẻ trong nhóm kín, không công khai trên mạng xã hội hay trong trường học, đó cũng là 1 quyền cá nhân của các em.
Hơn nữa, chúng ta mỗi người đều có những bí mật riêng của mình, của một nhóm bạn thân với nhau. Đó là điều hết sức bình thường.
Đối với điện thoại của học sinh, chỉ có duy nhất một mình chủ nhân điện thoại đó - là em học sinh lớp 10A5 mới được sử dụng. Vậy, cô giáo với thẩm quyền nào lại được xem và phát tán, báo cáo nhà trường về những nội dung trong tin nhắn?
Trong trường hợp này, cô giáo chủ nhiệm chỉ có quyền giữ và rút kinh nghiệm khi em đó vi phạm việc sử dụng điện thoại trong trường học, giờ học.
Việc cô giáo báo cáo nhà trường, nhà trường lại “đồng lõa” với hành vi của cô giáo để có hành vi xử phạt học sinh, là lại vô tình cùng vi phạm quyền riêng tư của người khác.
Rõ ràng, cô giáo chủ nhiệm lớp 10A5 đã có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cần thiết phải xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, như Gia Đình Mới đã đưa tin, trường THPT Nguyễn Trãi (Thanh Hóa) vừa ra quyết định kỷ luật 8 học sinh vì nói xấu thầy cô, nhà trường trên nhóm kín facebook. 3 em học sinh bị đuổi học 1 năm, 4 em bị đuổi học 1 tuần, 1 em bị cảnh cáo trước toàn trường.
V.LinhBạn đang xem bài viết Luật sư Nguyễn Thế Truyền: Giáo viên tự ý đọc tin nhắn của học sinh là vi phạm pháp luật tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].