Không ít người lớn nghĩ rằng ăn chay tốt cho sức khỏe, nên cũng cho trẻ ăn chay với hy vọng phòng ngừa nhiều loại bệnh tật. Chế độ ăn chay có thực sự tốt cho trẻ nhỏ?
Trao đổi với phóng viên Gia Đình Mới, PGS.TS Lê Bạch Mai, Nguyên Phó Viện Trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: “Tôi không ủng hộ việc cho trẻ nhỏ ăn chay. Người lớn có thể ăn chay để phòng ngừa bệnh tật, bởi với một số người, ăn chay đúng cách sẽ tốt cho sức khỏe.
Nhưng với trẻ nhỏ, việc ăn chay, nhất là ăn chay trong một thời gian dài có thể gây ra nhiều hệ cho trẻ nhỏ. Cha mẹ không nên vì cảm thấy mình ăn có lợi cho sức khỏe là bắt con ăn theo chế độ chay trường của người lớn".
Nói thêm về chế độ ăn chay, PGS Bạch Mai cho hay, ăn chay thường là ăn các món ăn có nguồn gốc từ thực vật, không ăn thịt động vật, có người còn không ăn các thực phẩm có nguồn gốc động vật như trứng, sữa…
Một chế độ ăn như vậy sẽ không có protein động vật, trong khi đó, protein động vật có các axit amin cân đối hơn so với lại các protein thực vật, giúp trẻ tiêu hóa thức ăn rồi đồng hóa thành protein của riêng mình, tham gia vào hệ miễn dịch, các hormon trong cơ thể.
Một điều nguy hại nữa khi trẻ ăn chay là trong các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật thường ít sắt, lại có hệ số hấp thu kém. Mà với trẻ nhỏ, sắt đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì các chức năng của cơ thể, vận chuyển oxy trong máu, cung cấp năng lượng và phát triển trí não cho trẻ.
Cha mẹ cho trẻ ăn chay sẽ khiến trẻ có nguy cơ cao bị thiếu chất, thiếu sắt làm ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ, thần kinh và não bộ của trẻ sẽ bị ảnh hưởng.
Hơn nữa, trẻ ăn chay có nguy cơ bị thiếu hụt vitamin B12. Trong khi thức ăn động vật được xem là nguồn duy nhất cung cấp vitamin B12, thức ăn thực vật không có. Mà vitamin B12 rất quan trọng để tạo thành ADN, rất cần thiết để bảo trì hệ thống thần kinh.
Ngoài ra, trẻ ăn chay thường xuyên sẽ bị suy dinh dưỡng vì thiếu chất. Nhất là với những trẻ bắt đầu ăn dặm, tuyệt đối không nên cho ăn chay vì giai đoạn này trẻ phát triển nhanh, cần nhiều dưỡng chất.
Não bộ trẻ em lúc này cần đầy đủ chất béo từ động vật, đặc biệt là Omega 3 để phát triển. Việc ăn thiếu chất đạm có nhiều trong thịt động vật còn có thể gây tình trạng biếng ăn, chậm phát triển thể chất, trí tuệ.
Theo PGS.TS Lê Bạch Mai, cơ thể của trẻ nhỏ và người lớn khác nhau, nhu cầu dinh dưỡng của trẻ cũng khác nên không thể áp dụng chế độ ăn của người lớn cho trẻ nhỏ. Nguyên tắc dinh dưỡng cho trẻ là cho trẻ ăn đa dạng thực phẩm, kết hợp cả thực phẩm có nguồn gốc động và thực vật mới có bữa ăn đầy đủ chất”.
Với trẻ bắt đầu ăn dặm (đủ 6 tháng tuổi), để đảm bảo đủ dinh dưỡng cho con, mẹ cần cho trẻ bú sữa mẹ khoảng 600ml/ngày (nếu không có sữa mẹ thì dùng sữa công thức theo lứa tuổi của trẻ) và ăn 1-2 bữa bột/ ngày.
Lượng thực phẩm trong 1 ngày gồm: Bột gạo tẻ: 20 - 30gr; Thịt, cá, tôm, trứng: 20 - 30gr/ngày (nên đa dạng các loại); Dầu mỡ cho khi nấu: 6 - 10ml (không tính dầu mỡ có sẵn trong thực phẩm); Rau xanh: 20gr (nên đa dạng các loại); Sữa: 600 - 700 ml (sữa mẹ, chỉ dùng sữa công thức khi không đủ sữa mẹ); Quả chín: 50 -100gr.
Các tháng tiếp theo lượng thực phẩm của trẻ sẽ tăng dần, trẻ cần được cho ăn bổ sung hợp lý để đáp ứng với nhu cầu phát triển của trẻ, đồng thời tiếp tục duy trì cho trẻ bú sữa mẹ ít nhất cho đến khi trẻ được 18 - 24 tháng.