3 bệnh nhân gãy xương đùi đều là người cao tuổi, lại có kèm theo các bệnh lý như: đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch, rối loạn tiền đình, thoái hóa cột sống thắt lưng, xương xốp…
Bệnh viện E (Hà Nội) cho biết, chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, bệnh viện liên tiếp cấp cứu điều trị cho 3 bệnh nhân là người cao tuổi bị ngã gãy xương, trong đó có 1 bệnh nhân trên 100 tuổi bị gãy cổ xương đùi do té ngã.
Rất may, các bệnh nhân này đều được thay khớp háng thành công, tránh tình trạng phải nằm liệt giường, chờ chết như trước kia.
Bệnh nhân đầu tiên là ông P. L. (gần 100 tuổi, trú tại Nha Trang, Khánh Hòa) nhập viện trong tình trạng đau háng trái, gối trái nhiều khi cử động, không vận động được do bước hụt và bị ngã.
Sau khi làm các xét nghiệm, siêu âm và chụp X – quang, bệnh nhân được chẩn đoán bệnh nhân bị gãy cổ xương đùi bên trái.
Cũng trong thời điểm này, Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện E cũng tiếp nhận thêm 2 trường hợp nữa là: bà L.T.T. (101 tuổi, trú tại Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) và bà L.T.N (98 tuổi, ở Thành Công, Ba Đình, Hà Nội) đều bị gãy cổ xương đùi trái do té ngã.
Thông tin về các ca bệnh, Bác sĩ CK II Kiều Quốc Hiền, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện E cho biết, khi nhập viện, các bệnh nhân cần phải được chụp X -quang hoặc CT để xác định mức độ gẫy xương, từ đó các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật thay khớp háng cho người bệnh.
Tuy nhiên, do cả 3 bệnh nhân đều là người cao tuổi, lại có kèm theo các bệnh lý như: đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch, rối loạn tiền đình, thoái hóa cột sống thắt lưng, xương xốp…
Chính vì vậy, để giữ lại mạng sống, các bệnh nhân đều được chỉ định phẫu thuật thay khớp háng bán phần.
“Ca mổ diễn ra trong vòng gần 1 giờ đồng hồ 60 phút, chúng tôi đã loại bỏ phần cổ xương đùi bị gãy và thay vào đó bằng một khớp háng nhân tạo.
Mặt khác, chúng tôi cũng phải sử dụng chuôi dài lớn chiếm hết phần xương xốp mới đủ độ vững của khớp, sau mổ người bệnh tì đè vận động sớm mà không bị đau đớn.
Ngoài ra, do người cao tuổi thường bị loãng xương nên xương dễ gãy dù chấn thương nhẹ, kèm các bệnh lý huyết áp, tim mạch, đái tháo đường… tạo nên thách thức lớn với bác sĩ trong phẫu thuật, có thể xảy ra nguy cơ trên bàn mổ bất cứ lúc nào. Nhưng rất may, tất cả đều diễn tốt đẹp”, BS CK II Kiều Quốc Hiền nói.
Chia sẻ thêm về trường hợp 3 bệnh nhân trên, BS Hiền cũng giải thích, đối với những bệnh nhân lớn tuổi, nếu không phẫu thuật thì có thể sẽ là gánh nặng cho gia đình do bệnh nhân chỉ nằm một chỗ, lâu ngày sẽ có thể dễ bị viêm phổi, viêm đường tiết niệu, viêm loét da vùng tì đè.
Việc quyết định phẫu thuật thay khớp háng bán phần sẽ giúp cho bệnh nhân sớm vận động sau mổ. Ngay sau người bệnh được tập vận động thụ động và 3 ngày sau phẫu thuật người bệnh có thể tập đứng được, người bệnh có thể tập phục hồi chức và có thể xuất viện sau 1 tuần và sẽ đi lại bình thường trong 1 tháng.
Đối với những gia đình có người lớn tuối, BS Hiền cũng đưa ra lời khuyến cáo: tình trạng gãy vùng cổ xương đùi rất dễ xảy ra với người lớn tuổi do xương loãng, có thể chỉ sau 1 té ngã rất nhẹ.
Gẫy vùng cổ xương đùi có nhiều biến chứng nguy hiểm như loét thối vùng tì đè, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm phổi…, vì vậy cần phải được phẫu thuật sớm.
Để phòng tránh gãy xương, người cao tuổi cần điều trị chống loãng xương tốt, khám định kỳ 6 tháng/lần, bổ sung canxi trong chế độ ăn, dinh dưỡng hợp lý, vận đông tập thể dục thường xuyên…
“Trong trường hợp người cao tuổi bị gãy vùng cổ xương đùi thì cần tìm cách cố định vùng tổn thương, sau đó đưa người bệnh đến cơ sở y tế chuyên khoa cơ xương khớp để được cấp cứu kịp thời”, BS Hiền nhấn mạnh.