Thạc sĩ Trần Quốc Khánh - Bệnh viện hữu nghị Việt Đức đã từng khám cho một bà cụ hơn 70 tuổi ở Hà Tĩnh. Cả khớp gối của cụ chứa gần 300ml mủ nhiễm khuẩn do cụ đã tiêm rất nhiều vào gối ở phòng khám địa phương.
Bác sĩ Khánh nhận định, để nhiễm trùng tạo mủ nội khớp, việc điều trị và tiên lượng sẽ vô cùng khó khăn.
Bác sĩ Khánh cho biết, việc tiêm thuốc vào khớp chúng ta cũng phải hết sức cân nhắc và tìm hiểu kỹ. Những nguy cơ của việc tiêm thuốc vào khớp đó chính là nhiễm khuẩn ổ khớp (mũi tiêm đưa vi khuẩn từ ngoài vào khớp), chảy máu nội khớp, thoái hoá khớp nhanh hơn, loãng xương, tiêm không vào khớp mà vào tổ chức lân cận, tiêm vào mạch máu & thần kinh (dù hiếm gặp).
Một số thuốc khi tiêm trực tiếp vào khớp bệnh nhân sẽ thấy dễ chịu ngay nhưng sau vài tháng quay lại, khớp bị tổn thương nặng hơn và bệnh nhân cũng đau hơn.
Vậy nên, chúng ta cần hạn chế đến mức tối đa việc lạm dụng tiêm thuốc vào khớp, và nếu có chỉ định thì trước khi tiêm cần biết rõ mình bị bệnh gì, tiêm thuốc gì, tác dụng và tác dụng phụ của thuốc.
Ngoài ra, chúng ta chỉ nên tiêm ở những trung tâm uy tín, thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa sâu và trong môi trường hạn chế nhiễm khuẩn tối đa (phòng tiêm chuyên biệt, sát khuẩn và bọc phủ vị trí tiêm, êkip thực hiện tiêm thuốc cần đeo mũ, đeo khẩu trang và đi găng vô khuẩn…).
Chúng ta cũng cần phân biệt tiêm vào các khớp (vai, gối, háng..) với tiêm vào điểm bám gân.
Tiêm vào điểm bám gân thường được áp dụng và cho hiệu quả rất cao cũng như rất ít nguy cơ (vì vị trí tiêm ngay dưới da, xung quanh ít có những cấu trúc phực tạp và quan trọng).
Tiêm vào điểm bám gân thường được chỉ định khi chúng ta bị viêm điểm bám, hay gặp đó là viêm điểm bám lồi cầu ngoài xương cánh tay (hội chứng Tennis Elbow), viêm mỏm trâm quay, viêm mỏm trâm trụ, viêm điểm bám gân Achille.
Bác sĩ Khánh khuyến cáo, khi được chẩn đoán bị những tổn thương này nên cân nhắc giải pháp tiêm tại chỗ, vừa tránh tác dụng phụ toàn thân của thuốc, vừa đạt được nồng độ thuốc tối đa ngay vị trí gân viêm.
Tú AnhBạn đang xem bài viết Khớp gối của cụ già 70 tuổi chứa 300 ml mủ nhiễm khuẩn do tiêm quá nhiều tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].