Kết quả nghiên cứu về những giá trị gia đình Việt Nam đương đại của PGS.TS.Trần Thị Minh Thi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho thấy rõ nét các biểu hiện phong phú của giá trị gia đình truyền thống và giá trị gia đình hiện đại, sự bền vững của văn hóa trong hiện đại hóa, sự chuyển đổi từ giá trị hiện đại sang hậu hiện đại, khác biệt giới và sự ảnh hưởng của quá trình thể chế hóa hệ thống pháp luật và chính sách đến việc hình thành các giá trị và quan niệm mới của các gia đình.
Theo PGS.TS.Trần Thị Minh Thi, có bốn giá trị gia đình quan trọng cần quan tâm trong giai đoạn hiện nay đó là an toàn, thịnh vượng, bình đẳng, trách nhiệm.
1. An toàn
Gia đình trước hết và quan trọng nhất là môi trường sống lành mạnh, yêu thương, không có bạo lực, xâm hại, xao lãng, nơi cá nhân tìm về khi gặp khó khăn, giúp cá nhân không xa lánh xã hội và rơi vào các thách thức khó khăn kế tiếp, cân bằng tâm lý-tình cảm cho cá nhân trước áp lực cuộc sống. Gia đình đồng thời phải có khả năng phòng vệ, chống chịu trước những thách thức và rủi ro như thiên tai, dịch bệnh, cũng như các tình huống bất ngờ. Xu hướng người dân tự an sinh cho gia đình và bản thân khá phổ biến. Vì thế, gia đình đang là nguồn lực an sinh xã hội quan trọng, chia sẻ gánh nặng an sinh xã hội với nhà nước. Đồng thời, những hỗ trợ của nhà nước thông qua các chính sách an sinh trực tiếp cho các thành viên gia đình như trợ cấp xã hội, lương, việc làm, xóa đói giảm nghèo hay các chính sách an sinh xã hội gián tiếp như dịch vụ xã hội như giáo dục, y tế cần tiếp tục hoàn thiện, có tính bao phủ cao hơn.
2. Thịnh vượng
Sự an toàn của gia đình gắn liền với điều kiện kinh tế. Đời sống kinh tế, phúc lợi gia đình Việt Nam trên các khía cạnh nhà ở, tiện nghi, thu nhập, chi tiêu đã tăng khá mạnh mẽ từ sau thời kỳ Đổi mới. Thu nhập bình quân đầu người một tháng hiện nay là 4,295 triệu đồng, trong đó đô thị cao hơn rõ so với nông thôn (6,022 triệu đồng so với 3,399 triệu đồng) (Tổng cục Thống kê, 2019). Theo niên giám thống kê năm 2019, chủ hộ là nữ có thu nhập bình quân cao hơn chủ hộ là nam giới (4,828 triệu đồng so với 4,132 triệu đồng) (Tổng cục Thống kê, 2020). Khi Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII nhấn mạnh khát vọng phát triển Việt Nam cường thịnh, thì xây dựng khát vọng thịnh vượng của gia đình là phù hợp với chiều hướng phát triển. Xây dựng gia đình Việt Nam thịnh vượng cũng là đảm bảo thêm một lớp an sinh từ gia đình, tăng khả năng chống chịu rủi ro, an toàn cho gia đình.
3. Trách nhiệm
Trách nhiệm của gia đình được thể hiện trong các hoạt động gia đình (việc sinh con, chăm sóc các thành viên, giáo dục con cái và với cộng đồng, xã hội. Xây dựng gia đình trách nhiệm là điều kiện để xây dựng gia đình kiểu mẫu "ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hoà thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau".
Với đặc điểm mức sinh và giá trị con cái hiện nay, chính sách dân số đã có những điều chỉnh quan trọng, duy trì vững chắc mức sinh thay thế, mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con. Mức sinh của khu vực đô thị luôn thấp hơn mức sinh thay thế trong nhiều năm, trong khi mức sinh ở khu vực nông thôn dao động khá phức tạp (Ban chỉ đạo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở Trung ương, 2019) thì giữ gìn ý nghĩa của giá trị con cái là cần thiết.
Dân số Việt Nam đang già hóa nhanh chóng, tuổi thọ ngày càng cao nên số lượng người cao tuổi ngày càng tăng trong bối cảnh mức sinh giảm kéo theo lực lượng chăm sóc giảm, phụ nữ - người chăm sóc chính trong gia đình, tham gia ngày càng nhiều hơn vào thị trường lao động, trong bối cảnh hệ thống dịch vụ chăm sóc còn hạn chế. Điều này đặt ra yêu cầu xây dựng các chiến lược quốc gia toàn diện chăm sóc và phát huy vai trò NCT phù hợp với nền tảng kinh tế xã hội và văn hóa hiện nay. Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống chính sách chăm sóc dài hạn, vai trò, trách nhiệm của gia đình là khó có thể thay thế.
Với vai trò quan trọng trong giáo dục trẻ em, hình thành nhân cách trẻ em, góp phần quan trọng trong xây dựng chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội cũng như sự ổn định của các quan hệ gia đình, việc quan tâm củng cố chức năng giáo dục của gia đình, xây dựng mối quan hệ mới giữa cha mẹ và con cái trên cơ sở tiếp thu những giá trị nhân văn mới và kế thừa những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam truyền thống là cực kỳ quan trọng. Hiện nay, giáo dục con cái trong gia đình vẫn chủ yếu hướng tới các giá trị cốt lõi và lối sống truyền thống như trung thực, hiếu thảo, thương yêu, tiết kiệm với phương pháp giáo dục truyền thống như làm gương, khuyên nhủ, và nhiều gia đình còn lúng túng trong xác định nội dung và phương pháp giáo dục con cái trong bối cảnh bùng nổ thông tin, không gian mạng và không gian xã hội đang biến đổi mạnh mẽ.
4. Bình đẳng giới
Trong hôn nhân và gia đình, đã có những dấu hiệu đáng mừng đánh dấu sự thể hiện vai trò cùng làm chủ gia đình của người phụ nữ, bước đầu khẳng định sự tồn tại của bình đẳng giới trong gia đình, cho dù sự biến đổi này diễn ra chưa mạnh và đồng đều ở tất cả các loại hình công việc và các nhóm xã hội. Bình đẳng giới trong gia đình rõ nét hơn ở khu vực thành thị, ở nhóm dân cư có trình độ học vấn cao, ở những gia đình mà người vợ có đóng góp nhiều hơn (so với người chồng) vào kinh tế hộ gia đình.
Phụ nữ, khác với nam giới, là phải đảm nhiệm trách nhiệm gia đình với các chuẩn mực xã hội và văn hóa liên quan đến việc làm mẹ, và phải xác định ưu tiên giữa “công việc” và “gia đình”, vì nó là hai không gian riêng biệt. Vì thế, hỗ trợ phụ nữ tự thoát khỏi các định kiến xã hội từ cộng đồng và từ chính bản thân về những khắt khe trong hành vi hôn nhân và gia đình, hướng phụ nữ tới những giá trị được tôn trọng, được hạnh phúc, và tự thể hiện bản thân, đồng thời đóng góp tốt cho xã hội.
An AnBạn đang xem bài viết 4 giá trị quan trọng của gia đình Việt Nam tại chuyên mục Nghiên cứu Khoa học của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].