Cúng ông Công ông Táo ở đâu, trên ban thờ hay trong bếp mới đúng là vấn đề nhiều người băn khoăn.
Cúng ông Công ông Táo là tập tục dân gian được truyền lại từ bao đời của người Việt.
Thần Táo quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ bắt nguồn từ sự tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc.
Ba vị thần này được Ngọc Hoàng phái xuống trần gian theo dõi và ghi chép những việc làm Thiện - Ác của loài người.
Hàng năm, vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân lại cưỡi cá chép lên Thiên đình chầu trời, báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong một năm để Thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh cho tất cả loài người.
Vì vậy, cứ vào dịp này, các gia đình Việt sẽ dành thời gian dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa mâm lễ nhỏ cùng tấm lòng thành dâng lên thần linh, gia tiên và cúng tiễn ông Táo lên chầu trời.
Vậy cúng ông Công ông Táo ở đâu, trên bàn thờ gia tiên hay dưới bếp là đúng?
Trên thực tế, có nhiều quan niệm khác nhau về việc cúng ông Công ông Táo, có vùng miền cúng Táo Quân trên ban thờ gia tiên, có nơi lại đặt mâm cúng ở bếp.
Theo một số nhà nghiên cứu văn hóa, mâm cỗ cúng ông Công ông Táo phải đặt ở một nơi riêng. Có thể đặt mâm lễ trong nhà, dưới bếp nhưng tuyệt đối không nên đặt trên bàn thờ chính.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cúng Táo quân phải đặt ở bếp bởi từ xa xưa cuộc sống của người Việt đã quây quần bên bếp lửa.
Tuy nhiên nhiều người lại quan niệm cúng Táo Quân là cúng chung 3 vị thần: Thần Đất - Thần Nhà - Thần Bếp. Vì thế phải đặt mâm lễ tại ban thờ chính - nơi trang trọng nhất của nhà chứ không thể thực hiện ở bếp. Hơn nữa, bếp là nơi nấu nướng, chế biến thực phẩm nên thường bị coi là nhếch nhác, thiếu trang trọng.
Hiện nay, vẫn chưa có bất cứ nghiên cứu nào khẳng định việc cúng ông Công ông Táo trên ban thờ gia tiên hay dưới bếp là đúng. Tùy thuộc vào văn hóa, quan niệm của từng vùng miền mà thực hiện.
Theo phong tục truyền thống và theo các nhà nghiên cứu, lễ cúng ông Công ông Táo nên tiến hành vào đúng ngày 23 tháng Chạp. Thông thường giờ cúng tốt nhất là vào sáng sớm hoặc trưa ngày 23 tháng Chạp, để các Táo kịp về trời chầu Ngọc Hoàng.
Năm nay, ngày 23 tháng Chạp Âm lịch rơi vào thứ Ba, nhiều người vẫn phải đi làm, vì vậy không nhất thiết cứ phải cúng đúng ngày 23 mà có thể cúng từ ngày 21, 22 đều được.
* Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo