Trong tháng 7 âm lịch có một lễ cúng rất quan trọng đó là cúng cô hồn. Vậy cúng cô hồn vào ngày nào, giờ nào, cúng ở đâu?
Cúng cô hồn ngày nào?
Theo quan niệm của người xưa, ngày 15 tháng 7 âm lịch sẽ là ngày giới hạn của kỳ ‘mở cửa’ Quỷ Môn Quan, sau ngày 15 người âm sẽ không nhận được đồ thờ cúng nữa nên người Việt ta thường sẽ cúng cô hồn bắt đầu từ ngày 2/7 âm lịch.
Cúng cô hồn sẽ được thực hiện đến trưa ngày 15/7 âm lịch.
Cúng cô hồn giờ nào?
Thời gian diễn ra lễ cúng cô hồn thường sẽ vào giờ Dậu (từ 17-19 giờ), lý do cúng vào giờ này bởi người ta quan niệm và tin rằng: Các linh hồn trở về từ âm phủ rất yếu ớt, không thể chống chọi với ánh sáng mặt trời mà theo thuyết ngũ hành âm dương, giờ Dậu là thời điểm nhập nhoạng, tranh sáng tranh tối nên các cô hồn mới ăn uống được.
Cúng cô hồn ở đâu?
Khác với những lễ cúng truyền thống khác, cúng cô hồn tuyệt đối không cúng trong nhà mà bắt buộc phải cúng ngoài trời, có thể cúng trước cửa nhà, ngã ba hay cổng làng.
Theo quan niệm dân gian, cúng trong nhà sẽ là rước vong vào nhà.
Bài cúng cô hồn tháng 7
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)
Kính lạy: Đức Đại Tạng vương Bồ Tát Đức mục Kiều Liên Tôn giả
Kính lạy: Ngài Bản cảnh Thành hoàng
Ngài bản xứ Thần linh Thổ địa Ngài Bản gia Táo quân và tất cả Cùng các vị thần linh cai quản trong xứ này.
Hôm nay là ngày rằm tháng bảy năm…
Tín chủ con là:…. Ngụ tại số nhà…, phố…, phường…, quận…, thành phố (tỉnh)…
Thành tâm kính xin: Nhân ngày xá tội vong nhân, âm cung mở cửa địa ngục ra cho phép vong linh các cô hồn không nơi nương tựa, không mồ không mả, lẩn khuất ở gốc cây, bụi cỏ, xó chợ, đầu đường, không manh áo mỏng, đêm ngày lang thang, quanh năm đói rét cơ hàn, dù rằng chết vì lý do gì, đều được về đây thụ hưởng lễ vật của tín chủ thỉnh mời: cơm canh, cháo bỏng, trầu cau, gạo muối, quả thực, hoa đăng tiền vàng, quần áo đủ màu đỏ xanh.
Phù hộ độ trì cho tín chủ và toàn gia người người đều khỏe mạnh, lộc tài vượng tiến, gia đạo hưng long, điều lành đưa tới, điều dữ mang đi.
Cẩn cáo!
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)
(* Thông tin tham khảo)